Tân Kỳ: Những con đường nặng sức dân

28/03/2012 18:09

(Baonghean) - Tranh thủ những ngày nắng ấm, bà con nông dân Đồng Văn, Kỳ Tân, Kỳ Sơn, Nghĩa Hành (Tân Kỳ) đồng loạt ra quân sửa chữa đường giao thông. Nỗi khốn khổ vì đường sá lầy lội bao ngày qua càng khiến những người nông dân nghèo của Tân Kỳ đồng sức đồng lòng đổ tiền, đổ sức để "vá" đường, cứu mía, sắn chưa được thu hoạch do đường giao thông xuống cấp...

(Baonghean) - Tranh thủ những ngày nắng ấm, bà con nông dân Đồng Văn, Kỳ Tân, Kỳ Sơn, Nghĩa Hành (Tân Kỳ) đồng loạt ra quân sửa chữa đường giao thông. Nỗi khốn khổ vì đường sá lầy lội bao ngày qua càng khiến những người nông dân nghèo của Tân Kỳ đồng sức đồng lòng đổ tiền, đổ sức để "vá" đường, cứu mía, sắn chưa được thu hoạch do đường giao thông xuống cấp...

Nếu như cách đây 1 tuần, xe máy, xe ô tô không vào được Đồng Văn, Tiên Kỳ là những xã vùng cao của Tân Kỳ, thì nay chúng tôi đã thoải mái chạy xe nhờ những nỗ lực "thần kỳ" của bà con nơi đây. Từng tốp học sinh cấp 1 của các xã tung tăng tan trường, xe máy, xe tải chở mía đã chạy bon bon trên đường. Có đường giao thông êm thuận, những đồng mía, đồi sắn đang được khẩn trương thu hoạch. Chẳng còn cảnh bùn lầy rãnh trâu, rãnh voi chia cắt các xóm ở Tân Đông, Tiến Đồng, Vĩnh Đồng, Văn Sơn, Khe Chiềng... như báo chí phản ánh mà người dân Tân Kỳ nói mở mạng ra cả thế giới đều biết.



Nông dân bản Kẻ Chiềng (xã Đồng Văn) đóng góp tiền sửa đường giao thông.

Gia đình chị Phan Thị Hồng và Hoàng Thị Linh ở xóm Khe Chiềng, xã Đồng Văn sinh sống trong những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, cũng như bao gia đình khác, mía là nguồn thu nhập chính của họ. Nhận được chủ trương của xã huy động sức dân sửa đường, khi bán được mía rồi, hai gia đình đã mua ngay 4 xe đất đồi hết 720.000 đồng về vá con đường trước nhà để đi lại.

Chị Linh cho biết: Đường lõm như hào sâu, xe chở mía không thể vào được, từng nhà phải vác từng bó mía, hoặc gánh đi bộ gần 2 km ra tập kết mía gần UBND xã cho xe chở về nhà máy. Có tiền bán mía, các chị liền mua ngay vật liệu vá đường, lấy cuốc xẻng san phẳng, vừa san vừa đầm 2 ngày liên tục. Không chỉ nhà chị Linh, chị Hồng, cả xã Đồng Văn nô nức sửa đường với chủ trương của xã: xã hỗ trợ đất, phương tiện, còn dân góp công, sức san đường. 3 ngày liên tục (từ 21 đến 23/3), bà con Đồng Văn đã khắc phục xong những đoạn đường ách yếu trong xã. Có nhiều nơi cứ "một xe mía, ba xe đá", nhà máy đường cũng không thể tính toán thiệt hơn được nữa trước khát khao về đường sá của bà con.

Ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Nhà máy đường Sông Con cho hay: Đã ký hợp đồng với bà con nên phải mua mía, chứ nhiều nơi mua mía xong lỗ hơn vì tiền làm đường. Nhưng không mua, không sửa đường thì những năm tới lại không có mía... Còn Chủ tịch UBND xã Đồng Văn - ông Nguyễn Văn Lý hồ hởi cho biết: Vui lắm, phấn khởi lắm, nhiều tháng qua mưa lũ đi lại khốn khổ, xã đã trích ngân sách mua 200 xe đất đồi cùng với sức dân, nhờ máy móc của các doanh nghiệp, nhiều tuyến đường ách yếu đã thông như Tân Lập - Nhà Tra - Đồng Mỹ, Châu Thành - Tân Bình, Văn Sơn - Khe Chiềng.


Về Kỳ Tân - xã rốn lũ của Tân Kỳ, mưa lũ năm 2011 đã làm hỏng hầu hết các tuyến đường, cầu, tràn; thêm vào đó, xe vận tải chở mía, chở sắn cày xới khiến đường sá hư hỏng nặng. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các xã, sự đồng lòng của người dân, Kỳ Tân đã tạo ra phong trào rộng lớn về làm giao thông trong toàn xã. Chạy xe trên những con đường vừa được làm mới, không thể hình dung ra những ngày trước đây đường sá lầy sục, đầy rãnh, hố. Ở xóm 5, bà con đang tập trung đổ đá san đường. Ông Trần Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân giới thiệu: Đây hoàn toàn là tiền của, công sức của bà con, xã không bỏ ra đồng nào bởi xã đang lo đường liên xã.

Bà Nguyễn Thị Vang, Trần Thị Hồng đang làm đường cho biết: "Chúng tôi góp mỗi nhà 1 triệu đồng để mua đá dăm, đất, còn công cả xóm tự làm, không thuê ai. Suốt 4 ngày nay cả xóm ra quân làm đường, lấp hết rãnh, hố. Nhưng cũng chỉ là góp đợt đầu, nếu chưa đủ sẽ phải góp thêm". Tại xóm Lưu Xuân, vào thăm con đường mới vừa được đắp, chúng tôi ngỡ ngàng được biết: Do đây là đường cụt, chỉ có 4 gia đình ở nhưng đường thấp, lầy, 4 gia đình đã bỏ ra 25 triệu đồng để đổ 3.000 m3 đất nâng cấp con đường, trong đó riêng gia đình Phạm Văn Hồng và gia đình ông Nguyễn Tất Đạt góp 22 triệu đồng, 2 gia đình còn lại góp mỗi nhà 1,5 triệu đồng. Nhìn ngôi nhà bình dị của ông Hồng, hỏi ra được biết bà Hồng quê ở Hưng Nhân (Hưng Nguyên) di cư lên đây, gia đình chăn nuôi vài con lợn, con bò, ông Hồng với nghề đan mê đan cót truyền thống của quê Hưng Nhân, nay mua thêm được xe tải chở mía cho nhà máy đường. Cuộc sống bao vất vả nhưng vẫn vay mượn bỏ ra 11 triệu đồng làm đường, thật cảm động. Không những thế, ông còn bỏ thêm 500 ngàn đồng làm đường liên xóm.


Tính từ sau mùa lũ 2011 đến cuối tháng 3/2012, nông dân Kỳ Tân đã 3 lần ra quân nâng cấp, sửa chữa trên 19 km đường cấp phối toàn xã, làm mới được 10 km đường bê tông. Bình quân một gia đình góp 2,5 triệu đồng chưa kể ngày công để làm đường. Theo tính toán của chủ tịch xã này, đã huy động trên 3 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công của nhân dân làm đường, còn ngân sách xã chi ra 175 triệu đồng, huyện hỗ trợ 90 triệu đồng. Kết quả, trước mắt chúng tôi, những con đường ở Kỳ Tân đẹp và chắc hơn ở Thị trấn Tân Kỳ.


Không chỉ các xã Đồng Văn, Kỳ Tân, mà Tân Hợp, Nghĩa Hành, Tiên Kỳ, bà con cũng chia thành các tổ liên gia đảm trách phần đường trước cửa nhà mình. Các xóm 1,2, 6, 13,14 của xã Nghĩa Hành góp mỗi nhà 500 ngàn đồng mua vật liệu sửa đường. Các nhà thầu nắng lên cũng đã vào cuộc thi công cầu treo Tân Thanh Hồng, đường nguyên liệu mía Nghĩa Hành... Nhà máy đường Sông Con cũng đã giúp bà con Tiên Kỳ, Tân Hợp, Đồng Văn... đổ đá những đoạn đường ách yếu, tổng chi phí gần 1,3 tỷ đồng.


Từ hiệu quả của việc huy động sức dân làm đường cho thấy rõ, cấp chính quyền nơi nào biết vận động, vì dân và trách nhiệm với dân thì sức dân hãy còn lớn lắm.


Châu Lan

Mới nhất
x
Tân Kỳ: Những con đường nặng sức dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO