Tân Kỳ - Những gam màu sáng
(Baonghean) - Vượt lên những khó khăn về điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt và giao thông còn nhiều trở ngại, đồng bào các dân tộc ở huyện Tân Kỳ đã đoàn kết, sôi nổi thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi mạnh mẽ giống cây trồng, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị; bên cạnh đó mở ra tiềm năng mới về tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng tạo nền tảng phát triển...
Những mô hình hiệu quả
Đợt hạn hán đỉnh điểm trong năm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của huyện Tân Kỳ. Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng trở lại, màu xanh của mía đã bát ngát khắp các thung đồi; ven bờ bãi sông Con ngô và đậu cũng bắt đầu lên xanh. Và nữa là những đậu, sắn, keo mướt mát… Ở các xã Tân An, Đồng Văn, Hương Sơn, dưới những chân lèn đá, đất được khai hoang phục hóa xới lên toàn sỏi cuội, nhưng nhiều hộ dân vẫn có thu nhập từ mía đạt gần trăm triệu đồng/năm.
Sản xuất gạch ngói bằng công nghệ mới ở Tân Kỳ. |
Nay ở Tân Kỳ, những suối, khe được người dân tận dụng để nuôi cá, làm đập dự trữ nước hoặc đầu tư tưới cho trang trại. Trong điều kiện đất đai, thổ nhưỡng không thuận lợi cho thâm canh nông nghiệp, người dân Tân Kỳ đã phát huy sự năng động, cần cù phát triển các mô hình chăn nuôi dê, nuôi gà trại, lấy nghề rừng làm nghề chính. Nhờ vậy đến nay Tân Kỳ đã có 820 ha rừng được khoanh nuôi, trồng mới được 1.735 ha rừng keo, mét, đạt 121% KH; tiếp tục bảo vệ 28.265 ha rừng. Toàn huyện có tới 47 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & PTNT theo Thông tư 127/2011, có thu nhập từ 100 đến 700 triệu đồng/năm/trang trại. Hôm nay lên với Tân Kỳ, dễ dàng gặp những mô hình nông nghiệp hiệu quả ở khắp các xã: Trồng bí xanh trên đất 2 lúa, trồng rau sạch, trồng sắn dây ở xã Nghĩa Hợp, trồng táo đại quả ở xã Kỳ Sơn, thâm canh nâng cao năng suất mía, cánh đồng mẫu lúa, cánh đồng ớt, mô hình chăn nuôi bò Úc, nuôi bò sinh sản, nuôi lợn trên đệm sinh học, chế biến gỗ bóc ở xã Nghĩa Dũng, phát triển cây vụ đông tăng vụ trên đất 2 lúa ở các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Phúc; chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Kỳ Tân…
Phát huy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Xác định công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả, có thuận lợi về đầu ra, khai thác được tiềm năng trên địa bàn, nhiều năm qua huyện Tân Kỳ luôn quan tâm có cơ chế, chính sách dành phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Đối với cơ sở công nghiệp, điểm nhấn trên địa bàn là Nhà máy đường Sông Con công suất 5.000 tấn mía cây/ngày, huyện có chương trình khuyến nông, đồng hành với nhà máy, vùng nguyên liệu ngày một phát triển và được chăm lo, tạo nên sự hợp tác ngày càng bền chặt giữa “3 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông).
Tân Kỳ cũng quy hoạch, chú trọng đầu tư cho làng nghề gạch, ngói trên địa bàn; xây dựng thương hiệu, uy tín cho sản phẩm địa phương, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ mới ở các làng nghề, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy gạch tuynel, ngói cao cấp, đầu tư đường vào cụm công nghiệp Nghĩa Hoàn; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ Nhà máy gạch tuynel tại xã Kỳ Sơn; từ đó tạo thành một trung tâm sản xuất gạch, ngói có uy tín trong cả tỉnh. Huyện cũng thực hiện cấp phép đầy đủ cho các bến khai thác cát, sỏi trên địa bàn, tạo thêm nguồn thu ngân sách mỗi năm 3 tỷ đồng. Năm 2014, các sản phẩm công nghiệp của Tân Kỳ có mức tăng khá như: sản phẩm đường kính tăng 24,7%; khai thác vật liệu xây dựng như cát tăng 12,6%, sỏi tăng 11,1% so với năm 2013...
Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng
Hạ tầng giao thông, thủy lợi nhiều năm qua là trăn trở lớn của Đảng bộ, chính quyền các cấp ở huyện Tân Kỳ. Nhận thức rõ cơ sở hạ tầng yếu kém sẽ kìm hãm sự phát triển, không thể tạo được thế cạnh tranh trong phát triển chung, những năm gần đây, Tân Kỳ đã thu hút, tranh thủ nguồn đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, kênh mương, trường học, tạo bước đột phá trong phát triển, cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống của nhân dân.
Làm đường giao thông ở xã Nghĩa Thái. |
Huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng: Cầu treo Tân Hồng, đường vào trung tâm xã Tân Hợp - khu du lịch sinh thái Thung Khiển, đường Giai Xuân - Tân Phú, đường dẫn vào cầu treo đò Rô, xã Nghĩa Đồng, đường bê tông theo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện đã có gần 400 km đường nhựa và bê tông, trong đó năm 2014 được đầu tư 36 km từ các chương trình, dự án; có 287 km kênh mương bê tông, nâng diện tích tưới ổn định lên 6.437ha, tăng 900 ha so với năm 2010; tu sửa đập Vình, đập Bỉ, đập Giai Xuân, đập Bãi Quyền. Hiện đang triển khai các công trình: Đường vào trung tâm xã Tiên Kỳ, hồ Khe Ngang xã Nghĩa Dũng, hồ Bãi Quyền xã Nghĩa Phúc, đường vào trung tâm xã Phú Sơn; đường nội thị thị trấn, hệ thống điện chiếu sáng trên địa bàn Thị trấn Tân Kỳ…
Khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước
Trong phong trào thi đua yêu nước xây dựng quê hương, ở Tân Kỳ xuất hiện hàng trăm tấm gương tiêu biểu. Điển hình như cô giáo Phạm Thị Thúy Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Kỳ đã tự nguyện đi làm các ngày Chủ nhật trong tuần để góp phần hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chung của nhà trường, tiết kiệm trong chi tiêu để ủng hộ cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn, tranh thủ thời gian để bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh học lực yếu. Ông Nguyễn Viết Học, cán bộ xã Tân Long đã tự nguyện mở lớp dạy học miễn phí tại nhà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ lớp 6 đến lớp 9, tiết kiệm chi tiêu bản thân để mua sắm, sửa chữa trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động của lớp học đặc biệt này, đồng thời để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/em, thưởng cho các em đạt điểm 10 từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng để khuyến khích tinh thần học tập. Ông còn nhận nuôi, đỡ đầu 1 cháu ăn học tại nhà trong 3 năm học THCS; chủ động xây dựng quỹ tiết kiệm để giúp đỡ gia đình các cháu bị bệnh hiểm nghèo, các em khi đau ốm với số tiền từ 100.000 đến 800.000 đồng. Chi bộ Trạm Y tế xã Hương Sơn mỗi đảng viên tiết kiệm 30.000 đồng/tháng mua vở tặng học sinh nghèo vượt khó của Trường Tiểu học Hương Sơn; mỗi cán bộ, đảng viên trong cơ quan làm thêm ngày thứ Bảy của tuần thứ 3 hàng tháng, đến tận gia đình khám và tư vấn sức khoẻ cho những người trên 80 tuổi. Các cấp hội phụ nữ trong huyện trong 5 năm qua đã tiết kiệm được: 250.204.000 đồng, 44.488 kg gạo, 15.770 ngày công, xây mới và sửa chữa 62 "Mái ấm tình thương"...
Giai đoạn 2010 - 2015, huyện Tân Kỳ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 10,1%; Thu nhập bình quân đầu người được nâng lên gấp đôi, đạt 22,6 triệu đồng vào năm 2015; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 32,4 tỷ đồng năm 2015; Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm từ 32,7% (năm 2010) xuống còn dưới 10% năm 2015; Giải quyết việc làm cho hơn 1.200/KH 1.000 lao động; Tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 75% vào năm 2015. |
Bài, ảnh: Châu Lan