Tản mạn mùa cưới
(Baonghean) - Cuộc đời con người có những dấu mốc quan trọng mà ai cũng phải trải qua “tậu trâu, hỏi vợ, dựng nhà”. Những tưởng chuyện “mua trâu”, “dựng nhà” hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình, nghĩa là ai có nhiều tiền thì mua trâu đẹp, dựng nhà to, thế nhưng chuyện “hỏi vợ”… cũng vậy. Mùa cưới đến, được mời đi ăn cỗ cưới, chứng kiến ngày vu quy của đôi lứa, lại nhớ đến những đám cưới xưa…
Đám cưới nay
Không thể phủ nhận ngày cưới là ngày thiêng liêng nhất, ngày quan trọng nhất của mỗi con người. Ngày đó, không những cả gia đình đều hoan hỉ mà cả dòng họ đều mừng vui vì con trai đã trưởng thành sang làm rể nhà người ta, con gái đã khôn lớn để có thể đảm đương làm dâu lo việc đại sự. Vì thế việc các phụ huynh lo lắng làm thế nào để tổ chức ngày vui cho hai con trọn vẹn, rồi khách mời gồm những ai, nên đặt nhà hàng hay khách sạn, nên tổ chức tại Nhà văn hóa xóm hay về quê… cũng là lẽ đương nhiên.
Anh Lê Xuân Tám ở Nam Xuân, Nam Đàn – người vừa tổ chức đám cưới cho con trai đầu, cũng là con trai duy nhất cho biết: Trước khi tổ chức đám cưới cho con, vợ chồng anh cũng suy tính nhiều lắm, nếu mời hết bạn bè gần xa, trong làng, trong xóm cũng xấp xỉ hơn 100 mâm. Sống ở quê “đất có lề, quê có thói”, đám cưới con người ta họ mời mình, đến ngày đám cưới con mình mà mình không có lời mời e không tiện. Rồi anh bàn với chị: Mình là cán bộ văn hóa, suốt ngày tuyên truyền người dân cưới theo nếp sống mới, gọn nhẹ, tiết kiệm chả lẽ đến cưới con mình lại mời tràn lan, dân họ nhìn vào, bàn tán thì còn tuyên truyền cho ai. Ban đầu chị cũng chưa thuận, cuối cùng hai vợ chồng đi đến thống nhất chỉ làm gọn lại, chủ yếu mời họ hàng trong dòng tộc và những người thật sự thân thiết.
Sau đám cưới, cũng có người gặp anh nói rằng sao đám cưới con trai đầu mà tổ chức gọn nhẹ thế, anh chỉ cười… Dù Nhà nước tuyên truyền đám cưới theo nếp sống mới, quy định mỗi gia đình chỉ từ 30 – 50 mâm, thế nhưng có mấy ai thực hiện. Nói đâu xa, ngay tại Nam Xuân quê anh, xác định đám cưới – chuyện vui của cả cuộc đời vì thế người ta tổ chức to lắm: nhà ít cũng 100 mâm, nhà nhiều thì 150 – 200 mâm. Tùy theo hoàn cảnh, mối quan hệ của từng gia đình để người ta mời khách. Nhiều gia đình đã tổ chức to ở thành phố, khi về quê gọi là liên hoan nhưng cũng dọn đến hàng trăm mâm.
Đám cưới ngày nay được tổ chức linh đình, tốn kém. |
Anh Lê Quyết Thắng, cán bộ văn hóa xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, vừa tổ chức đám cưới cho con gái đầu lòng, cho biết: Vì con gái anh đi xuất khẩu lao động rồi lập gia đình bên đó luôn nên ở nhà vợ chồng anh chỉ tổ chức liên hoan, gặp mặt, báo hỷ cho hàng xóm, láng giềng và hai họ. Do điều kiện kinh tế ngày càng khấm khá, nên các gia đình hầu hết đều tổ chức mời rất đông, hầu như đám cưới nào cũng mời cả làng, bạn con, bạn bố, bạn mẹ… Nhưng đám cưới thời nay to thì to thật nhưng vẫn thấy thiêu thiếu tình cảm vì việc gì cũng thuê: từ mâm bàn, bát đũa, nấu nướng, dựng rạp, quần áo cô dâu, chú rể… người nhà, hàng xóm muốn giúp đám cưới cũng không có việc gì để giúp. Chẳng bù cho ngày xưa…
Ở thành phố, thời điểm này các khách sạn, nhà hàng đang thi nhau nở rộ dịch vụ khuyến mại nhân ngày cưới. Ví như khách sạn Hữu Nghị sẽ giảm 1 triệu 500 nghìn đồng cho các đám cưới từ 200 khách trở lên; giảm 2 triệu 500 nghìn đồng cho đám cưới từ 300 khách trở lên; giảm 3 triệu 500 nghìn đồng cho đám cưới từ 400 khách trở lên…
Anh Võ An Huy – Phó giám đốc khách sạn Sài Gòn – Kim Liên cho biết: Ở quê đám cưới thường thuê người đến nấu tại nhà, còn ở thành phố, hầu hết các gia đình đều đặt tại khách sạn. Nắm bắt thị hiếu đó, những năm gần đây, hầu hết đến mùa cưới ngoài mở đợt khuyến mại, nhân viên khách sạn kiêm luôn vai trò MC, xây dựng kịch bản, dàn nhạc, trang trí… theo yêu cầu của từng gia đình. Ngày cưới, các gia đình chỉ việc đến đúng giờ, còn mọi việc đã có khách sạn lo, đỡ vất vả cho cả hai họ. Thế nhưng không thể phủ nhận đám cưới ngày nay đẹp hơn, hoành tráng hơn nhưng lại không đầm ấm, tình cảm bằng đám cưới ngày xưa…
Nhớ đám cưới xưa
Anh Lê Quyết Thắng kể rằng: Ngày xưa tục quê anh (xóm 3 Hưng Đạo) rước dâu phải đi buổi tối, để nếu cô dâu có khóc trong ngày cưới cũng không phải xấu hổ với hàng xóm, bạn bè. Ngày đó, lễ rước dâu diễn ra từ 19h30 sau đó tổ chức tiệc ngọt gồm kẹo, nước chè xanh, thuốc lá, trầu cau… tại sân nhà chú rể đến khoảng 21h thì kết thúc. Ngày đó, vai trò của đoàn thanh niên rất quan trọng, bất kể một đám cưới nào cũng do đoàn thanh niên đứng ra tổ chức: từ huy động mượn bàn ghế, che rạp cưới, tiếp khách, trang trí giường cưới… Còn gia đình lo việc nấu nướng, chợ búa, phân công rõ ràng: các bà têm trầu, các chị, các mẹ đi chợ, các cụ ông chỉ đạo xem còn những việc gì chưa hoàn thành… riêng đám thanh niên trai tráng lo việc mổ lợn từ chiều hôm trước cho kịp để chế biến thành giò, thành mọc… mỗi người một tay cả xóm vui như tết.
Một đám cưới xưa. Ảnh: Internet |
Còn với bác Nguyễn Thị Sâm (65 tuổi) ở Nam Thanh, Nam Đàn kể lại: Đám cưới xưa so với bây giờ thì thiếu thốn thật nhưng vui và tình cảm lắm. Bác Sâm lập gia đình năm 1977, hồi đó hòa bình vừa lập lại, bản thân bác Sâm là thanh niên xung phong, sau đó đi học ở Đại học ngoại ngữ Hà Nội. Vừa lập gia đình, vừa theo học nên đám cưới được tổ chức vào dịp hè, ở quê chồng Nam Nghĩa (Nam Đàn). Cả hai bên gia đình đều nghèo nên mọi việc hầu như hàng xóm, anh em, đoàn thanh niên giúp đỡ. Kể cả bộ quần áo cưới của bác cũng do đoàn thanh niên mua tặng. Rạp cưới là những tấm ri đô đủ màu sắc do bạn bè huy động từ các gia đình, bàn ghế cũng mượn… đến cả tấm ảnh cưới cũng không hề có…Thế mà hai ông bà vẫn sống vui, sống khỏe, hạnh phúc bên nhau.
Nếu so sánh đám cưới xưa – đám cưới nay là sự so sánh khập khiễng, bởi đất nước đã đổi mới mấy chục năm, đang trên đường hội nhập, phát triển, nhà nhà phát triển kinh tế, người người thi đua học hành thành đạt… thì không có lý gì những thủ tục cũ, những phong tục xưa không thể không thay đổi. Thế nhưng dù thay đổi như thế nào cũng đừng quên: chúng ta là con cháu người Việt, hãy gìn giữ bản sắc văn hóa người Việt. Vẫn biết ngày cưới là ngày đại hỷ, nhưng làm sao để vừa vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm lại là điều đáng bàn. Đó cũng là trăn trở của cán bộ văn hóa trong tuyên truyền đám cưới theo nếp sống mới. Bởi chuyện cưới là chuyện riêng của gia đình, mỗi gia đình có mối quan hệ riêng, đặc thù công việc khác nhau… để đi đến một sự thống nhất là cả một vấn đề.
Một mùa cưới nữa lại đến, thiết nghĩ, trước ngày cưới các gia đình nên cân nhắc, tính toán làm thế nào để sau ngày cưới không phải nghe những lời dị nghị bởi điều quan trọng nhất của đám cưới đó là “cô dâu chú rể sống hạnh phúc bên nhau đến ngày đầu bạc”.
Thanh Hiền