Tàn phá dưới danh nghĩa cải tạo ruộng nước

28/09/2012 14:05

Lâu nay, nước suối Huồi Nguyên, khe Ch’Hạ chảy qua các xã, Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Thắng (huyện Tương Dương) luôn đục ngầu bởi hoạt động khai thác vàng. Lòng suối, ruộng lúa nước tan hoang vì bị đào bới. Từ khi xuất hiện những chiếc máy múc khai thác vàng, cua cá dưới suối cũng dần vắng bóng…

(Baonghean) - Lâu nay, nước suối Huồi Nguyên, khe Ch’Hạ chảy qua các xã, Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Thắng (huyện Tương Dương) luôn đục ngầu bởi hoạt động khai thác vàng. Lòng suối, ruộng lúa nước tan hoang vì bị đào bới. Từ khi xuất hiện những chiếc máy múc khai thác vàng, cua cá dưới suối cũng dần vắng bóng…

Chủ tịch UBND xã Yên Na, ông Lô Hoài Thâm cho biết, hoạt động khai thác vàng trên các con suối này đã có từ 3 năm nay, diễn biến rất phức tạp và ngoài tầm kiểm soát của chính quyền xã. Trữ lượng vàng lớn đến mức nào thì không biết, nhưng vẫn thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm đến đào bới. Hàng chục cây số lòng suối bị máy múc tìm vàng cày nát một cách không thương tiếc.

Tại bản Bón, bản Na Pu (Yên Na – Tương Dương) có một đội máy múc hoạt động riết róng từ sáng sớm đến tận khuya. Tại khu vực ruộng lúa nước của bản Bón, máy múc cào tới sát gần chân cột điện bên chân ruộng. Anh Lương Văn Tấn, trú ở bản Bón, cho biết: Những chủ thầu đào vàng đã tìm đến hỏi mua những diện tích đất này, mỗi mét vuông 120.000 đồng. Họ “hướng dẫn” những hộ dân ở đây làm tờ trình xin chính quyền xã cho “cải tạo” ruộng nước để hợp thức hóa việc khai thác vàng trên đất nông nghiệp của địa phương. Với chiêu thức này, cùng với việc nhiều bà con chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt được cầm tiền triệu trong tay, thêm nữa số diện tích ruộng nước này lại thường xuyên bị ngập trong mùa mưa lũ, nên những đối tượng đào vàng đã dễ dàng mua lại phần ruộng nước ven khe của xã Yên Na.

Anh Tấn cho biết thêm: Cũng có những nhà không đồng ý cho người khai thác vàng đào bới ruộng nước nhà mình, nhưng ban quản lý thôn bản đã tìm đến “vận động” nên những hộ dân này đành nghe theo. Gia đình anh cũng là bị “vận động” nên bán khoảng 200m2 cho môt doanh nghiệp có tên là Trung Tín đóng tại TP .Vinh.



Nền nhà cũng bị đào lên để tìm vàng. Ảnh: H.Vi

Sau một thời gian ngắn “cải tạo”, nhiều diện tích ruộng nước chỉ còn trơ lại một bãi đá không thể canh tác được. Ở bản Na Pu (Yên Na) có khoảng 9200m2 ruộng nước bị đào xới chưa thể phục hồi sản xuất. Những doanh nghiệp vào khai thác vàng còn hứa với các hộ dân thường xuyên bị ngập úng khi mùa mưa lũ rằng họ sẽ đầu tư để kè bờ suối, tôn nền nhà giúp tránh lũ, đổi lại, những hộ dân này phải dời đi để máy múc đào nền nhà tìm vàng. Khi chúng tôi tiếp cận địa bàn bản Na Pu (Yên Na) thì có 1 chiếc máy múc đang đào nền nhà bà Vi Bá Hợi. Trước đó, cụ bà ngoài 70 tuổi này đã dời đến ở nhà con trai ở phía trên một chút. Một máy múc khác đang đào nền nhà bà Lương Thị Đắm ngay cạnh nhà bà Hợi. Có 2 hộ khác cũng đang dỡ nhà để máy múc đào vàng. Trong khi chờ những doanh nghiệp khai thác vàng thực hiện lời hứa của họ, những hộ dân này phải dựng lán tạm để ở. Bà Vi Bá Hợi cho hay, năm nào nhà dân cũng bị lũ ngập nên khi một doanh nghiệp có lời hứa “giúp đỡ” là bà con đồng ý ngay. Còn ông Vi Văn Minh, trưởng bản Na Pu cho biết: “Xã không có nguồn nào để giúp dân gia cố nền nhà tránh lũ quét, khi doanh nghiệp đào vàng đề nghị phương án này, chính quyền địa phương đã đồng ý”.

Một điều đáng nói nữa là điểm khai thác vàng cũng nằm sát cạnh điểm Trường Tiểu học Yên Na 2 – bản Na Pu. Các cháu học sinh và thầy, cô giáo cũng đang phải sống chung với tiếng ồn của động cơ máy múc khai thác vàng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và giảng dạy của nhà trường. Và một khi những chiếc hố đào vàng ngày càng mở rộng tiến sát ngôi trường, thì không khó để nhận thấy nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn cho thầy và trò ở đây.

Trong khi những nhà dân đang phải ở lán tạm chờ những doanh nghiệp thực hiện “lời hứa “ngàn vàng” của họ, thì lòng suối vẫn tiếp tục được mở rộng và vô hình trung hành động này đang tiếp tay cho "thủy thần" trong mùa mưa lũ.

Trước khi chúng tôi thực hiện bài viết này ít ngày, một trận lũ quét đã tràn qua vùng khai thác vàng này, gây thiệt hại cho xã Yên Na trên nửa tỷ đồng. Trên đường liên xã từ Yên Hòa đi Thủy điện Bản Vẽ, có một điểm sạt lở được gắn biển “NGUY HIỂM” tại bản Na Pu, nó chỉ cách những chiếc máy múc đang khai thác vàng chưa đầy 10m.

Việc khai thác vàng bừa bãi như trên đang gây nguy hại đến môi trường. Cư dân sống dọc các con suối không thể sử dụng nước ở những con khe lớn và phải dựa hoàn toàn vào các công trình nước tự chảy vẫn thường bị tắc nghẽn khi có mưa lũ. Một người dân cho biết: “Trước đây, những con suối lớn ở Yên Na có nhiều cá mát lắm. Khi suối lớn bị vẩn đục, đàn cá vốn chỉ sống được ở vùng nước trong đã bỏ đi hết”.

Một điều khó hiểu là dường như chính quyền địa phương tỏ ra không quan tâm đến những hoạt động khai thác vàng này. Điểm đào bới sôi động nhất tại bản Bón, tiếng máy múc ồn ã suốt ngày đêm cách nhà ông Chủ tịch UBND xã Yên Na chỉ vài chục mét. Trao đổi với chúng tôi, vị chủ tịch xã cho biết, việc khai thác vàng trên địa bàn xã nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của chính quyền xã, vì đơn vị cấp phép cho những doanh nghiệp này hoạt động là cấp trên và “chúng tôi không thể làm được gì cả”(!).


H. Vi – H. Lài

Mới nhất
x
Tàn phá dưới danh nghĩa cải tạo ruộng nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO