Tân Sơn, 30 năm đổi mới và phát triển

16/09/2011 10:28

(Baonghean.vn). Tân Sơn, vùng đất bán sơn địa được bao bọc giữa các dãy Hòn Sương, Ba Xanh, Ba Quanh. Nơi đây, ba mươi năm qua, từ một vùng đồi hoang vu những người con Quỳnh Lưu đã tìm về khai đất, lập thôn tạo thành một vùng quê giàu có, trù phú...

Con đường trải nhựa phẳng lỳ khiến cho quãng đường dài hơn 5km từ Ngã ba Tuần về xã Tân Sơn thật dễ dàng. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng nhiều màu sắc lấp ló giữa màu xanh của núi và rừng. Anh Hồ Sỹ Hao, cán bộ xã Tân Sơn nói đầy tự hào: Tân Sơn là huyện miền núi nhưng bây giờ có nhiều cái "nhất" lắm, đây là thửa rau lớn của huyện Quỳnh Lưu, là xã đi đầu về phong trào trồng rừng và còn là xã miền núi đầu tiên của cả huyện có 3 trường đạt chuẩn Quốc gia về giáo dục...


Một góc xã Tân Sơn


Tân Sơn trước kia, vốn là vùng núi hoang vu lại xa trung tâm huyện lỵ nên hầu như không có người sinh sống. Từ năm 1964, theo chủ trương của huyện Quỳnh Lưu người dân các xã ven biển và một số xã có đông dân cư đã tình nguyện di dân lên đây để phát triển kinh tế.

Chỉ thị 100 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 13/1/1981 về khoán sản phẩm có ý nghĩa đặc biệt với người dân Tân Sơn, bởi chỉ sau đó 10 tháng Hội đồng bộ trưởng đã kí quyết định tách xã Quỳnh Tam thành 2 xã Quỳnh Tam và Tân Sơn. Chỉ hơn một tháng sau ngày thành lập dù xã nhà còn hết sức khó khăn, không có trường học, các công trình giao thông hầu như chưa có nhưng ngay trong Đại hội Đảng bộ đầu tiên, Đảng uỷ đã xác định chương trình hành động cụ thể: Toàn Đảng, toàn dân ra quân làm thuỷ lợi, nắn lại kênh mương, bồi trúc đê đập, coi trọng đẩy mạnh sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp... Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những vườn rau đang vào vụ thu hoạch tươi tốt, ông Đậu Phi Châu - Chủ tịch UBND xã khẳng định: Nếu không có những chiến lược đúng đắn ngay từ đầu của các thế hệ lãnh đạo đi trước thì Tân Sơn không thể phát triển nhanh chóng được như hôm nay. Đó là kết quả của một sức mạnh tổng hợp từ ý chí, con người, đường lối đúng đắn và tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của toàn thể nhân dân.


Nhờ đó, Tân Sơn đã có bước phát triển vượt bậc. Ít ai ngờ rằng vùng quê "đất cằn sỏi đá" trước kia, vốn không có nước để tưới nay đã có một hệ thống kênh đập kiên cố. Tân Sơn trở thành vùng chuyên canh rau xanh với diện tích lớn nhất huyện Quỳnh Lưu, là một vựa lúa với hơn 95% diện tích được trồng bằng lúa lai. Đây cũng là vùng có diện tích cây rừng được phủ xanh khá nhất của huyện với 1662 ha rừng trồng và rừng chăm sóc.

Tân Sơn còn nổi tiếng là vùng đất nuôi hươu "mát tay" với hơn 1000 con hiện đang được nuôi tại các gia đình. Xã có đến 50 xe vận tải và vận chuyển hành khách, là phương tiện chính để hàng ngày chuyên chở rau xanh của xã đi tiêu thụ khắp toàn tỉnh. Nhờ kinh tế phát triển nên văn hóa, giáo dục, y tế của xã cũng được chính quyền và người dân quan tâm. Hiện 3 trường mầm non, tiểu học, THCS và trạm y tế xã đã được chuẩn Quốc gia, trong 5 năm qua đã có 117 học sinh đậu vào các trường cao đẳng, 147 học sinh vào đại học. Công tác đền ơn đáp nghĩa, quản lý, cấp phát các chế độ chính sách kịp thời, đầy đủ; công tác xoá đói giảm nghèo được quan tâm; nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương luôn được chú trọng; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự được Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân quan tâm.


Những kết quả đã đạt được trong ba mươi năm qua, là động lực để Đảng bộ và nhân dân xã Tân Sơn bước vào giai đoạn tiếp theo để xây dựng quê hương Tân Sơn trở thành xã giàu của toàn tỉnh.


Đạm Phương - Mỹ Hà

Mới nhất
x
Tân Sơn, 30 năm đổi mới và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO