Tân Thủ tướng Suga Yoshihide: 'Ngoại lệ' trong giới tinh hoa chính trị Nhật Bản

Lâm Vy 18/09/2020 09:17

(Baonghean.vn) - Trong một nền văn hóa mà chính trị vốn coi trọng nguồn gốc xuất thân, từ một người bình thường, ông Suga Yoshihide đã nỗ lực hết sức và không ngừng nghỉ để trở thành Thủ tướng Nhật Bản ở tuổi 71. Đây là một điều ngoại lệ, hiếm có ở xứ sở hoa anh đào.

Xuất thân khiêm nhường

Ông Suga Yoshihide sinh ngày 6/12/1948, tại một ngôi làng phủ đầy tuyết trắng ở tỉnh Akita thuộc khu vực miền Trung Nhật Bản. Gia đình ông vốn là nhà nông trồng dâu. Bố của ông Suga đã thành công trong việc nhân giống dâu có chất lượng cao, từng là Chủ tịch Công đoàn hợp tác xã dâu địa phương. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, cậu học sinh Suga nuôi chí vào đại học và Tokyo là đích đến của cậu với mong ước đổi đời.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (đứng). Ảnh: Kyodo
Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (đứng). Ảnh: Kyodo

Để hiện thực hóa giấc mơ của mình, chàng thanh niên Suga không nề hà bất cứ công việc nào, dù nặng nhọc nhất. Việc làm thêm đầu tiên của Suga ở Tokyo là nhân viên của một nhà máy sản xuất bìa cứng, rồi làm ở chợ cá nổi tiếng Tsukiji. Sau 2 năm bám trụ, năm 1969, Suga chính thức trúng tuyển Khoa Luật, Đại học Hosei. Để có tiền trang trải việc học, cậu sinh viên trẻ tuổi phải làm nhiều công việc khác nhau, từ bảo vệ, bán hàng cho đến trợ lý tòa soạn cấp thấp...

Sự kiên trì, bền bỉ và tinh thần làm việc hăng say đã đưa ông Suga thăng tiến từng bước vào chính trường Nhật Bản.

Vài năm sau khi tốt nghiệp và xin vào làm ở một công ty bảo trì điện, Suga bắt đầu quan tâm đến chính trị và trở thành thư ký cho một thành viên đảng Tự do Dân chủ (LDP), từ đó có cơ hội tìm hiểu những kiến thức sâu sắc về thương mại trong hơn 10 năm trước khi tranh cử thành công vào Hội đồng thành phố Yokohama năm 1987. Có câu chuyện từ đảng LDP kể rằng, để vận động tranh cử, ông đã đến từng nhà để vận động, bao gồm 300 nhà mỗi ngày, và vận động tổng cộng 30.000 người. Tính tới thời điểm cuộc bầu cử năm ấy diễn ra, ông đã đi mòn... 6 đôi giày. Cứ như vậy, sự kiên trì, bền bỉ và tinh thần làm việc hăng say đã đưa ông Suga thăng tiến từng bước vào chính trường Nhật Bản.

Lễ nhậm chức của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Từ trái qua: Nhật hoàng Naruhito, cựu Thủ tướng Abe Shinzo và tân Thủ tướng Yoshihide Suga. Ảnh: Kyodo
Lễ nhậm chức của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Từ trái qua: Nhật hoàng Naruhito, cựu Thủ tướng Abe Shinzo và tân Thủ tướng Yoshihide Suga. Ảnh: Kyodo

Năm 1996, ông giành được 1 ghế ở Hạ viện khi mới 47 tuổi - dấu mốc cho việc gia nhập nền chính trị quốc gia. Từ năm 2006 đến nay, ông nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong Nội các như Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ Tư nhân hóa Bưu chính, Bộ trưởng Phụ trách Nội các (làm nhiệm vụ cải cách phân quyền cho các địa phương), Tổng Cục trưởng chính sách bầu cử đảng LDP và là Chánh Văn phòng Nội các tại nhiệm lâu nhất, trước khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Dù ở cương vị nào, ông Suga luôn xây dựng hình ảnh của một người đàn ông tự lập, phương châm của ông là “ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”.

“Ngoại lệ” trong giới tinh hoa

Xuất thân của tân Thủ tướng Suga trái ngược hẳn với người tiền nhiệm Abe Shinzo và nhiều đồng nghiệp trong Nội các của ông. Ông Abe vốn là một chính trị gia “con nhà tông”, cha ông là cựu Ngoại trưởng và ông ngoại ông là cựu Thủ tướng. Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, là con trai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi. Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, là con trai của cựu Chủ tịch Hạ viện Yohei Kono. Mẹ của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso là con gái của cựu Thủ tướng thời hậu chiến Yoshida Shigeru... Tất cả những chính trị gia này đều xuất thân từ giới tinh hoa Nhật Bản, trong khi Suga rõ ràng là một ngoại lệ.

Ông Suga lần đầu tiên được bầu vào đại hội thành phố Yokohama năm 1987. Ảnh: Kyodo
Ông Suga lần đầu tiên được bầu vào Đại hội thành phố Yokohama năm 1987. Ảnh: Kyodo

Xuất thân khiêm nhường đã giúp ông Suga Yoshihide đồng cảm với những người thuộc tầng lớp lao động ở Nhật Bản.

Một số nhà quan sát tin rằng, xuất thân khiêm nhường đã giúp ông đồng cảm với những người thuộc tầng lớp lao động ở Nhật Bản, những người đang bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế từ đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Hồ sơ cá nhân của ông cũng được cho là một lựa chọn phù hợp để kết nối các cá nhân đang gặp khó khăn, những người trước đây cảm thấy bị tách rời khỏi các chính sách của giới tinh hoa chính trị Nhật Bản. Hơn nữa, trong hệ thống chính trị có tính cạnh tranh cao tại Nhật Bản, quá trình làm việc chăm chỉ và cống hiến hết mình của chính trị gia 71 tuổi cũng phần nào mang tính thuyết phục để ông được lựa chọn.

Nổi tiếng là một người “nghiện” công việc, lịch trình hàng ngày của ông Suga trong gần 8 năm làm Chánh Văn phòng Nội các được mô tả luôn đặc kín với công việc. Ông thức dậy lúc 5 giờ sáng, dành 1 giờ để đọc tin tức, bao gồm tất cả các tờ báo chính thống và Đài Truyền hình NHK, sau đó tập thể dục, ăn sáng và sau đó đến văn phòng lúc 9 giờ sáng. Trong ngày, ông tổ chức họp báo 2 lần mỗi ngày với tư cách là người phát ngôn hàng đầu của chính phủ và tham gia hơn 20 cuộc họp. Ông hiếm khi ngủ tại nhà riêng ở Yokohama, thay vào đó ông thường ở lại khu nhà công vụ của chính phủ gần văn phòng để có thể nhanh chóng ứng phó với mọi trường hợp khẩn cấp.

Ông Suga khi là Bộ trưởng Nội vụ Nhật Bản thăm Kashiwazaki sau một trận động đất năm 2007. Ảnh: Kyodo
Ông Suga khi là Bộ trưởng Nội vụ Nhật Bản thăm Kashiwazaki sau một trận động đất năm 2007. Ảnh: Kyodo

Kyodo News mô tả tân Thủ tướng Nhật là người đàn ông tự lập, không có di sản quyền lợi, không có khí chất quý tộc, chỉ là một “ông chú” niềm nở không kiểu cách. Giới trẻ Nhật Bản gọi ông một cách trìu mến là “Chú Lệnh Hòa” (Uncle Reiwa) sau khi ông là người được giao trọng trách công bố niên hiệu mới của triều đại “Reiwa” với sự tiếp quản của Thiên hoàng Naruhito vào tháng 4/2019.

Phép thử mới bắt đầu

Một số nhà quan sát nhận xét, ông Suga thiên về đàm phán hậu trường, giải quyết vấn đề hơn là vạch ra chiến lược. Vì thế, ông được coi là người “lấp khoảng trống quyền lực” đặc biệt, nếu cuộc bầu cử tiếp theo được tổ chức vào năm tới. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Lim Tai Wei, Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, trong bối cảnh văn hóa, chính trị, xã hội Nhật Bản, một nhà lãnh đạo lý tưởng là người xây dựng được sự đồng thuận - tổng hợp lợi ích của tất cả các bên liên quan, làm trung gian giữa các phe phái chính trị và nhóm lợi ích khác nhau, đáp ứng các lợi ích chính trị - xã hội. Và điều này hoàn toàn có ở tân Thủ tướng Suga.

Nhiệm kỳ gần đây nhất của ông với tư cách là Chánh Văn phòng - lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, mang lại cho ông một cái nhìn tổng thể về chính trị Nhật Bản, giới tinh hoa chính trị và bộ máy của nó. Trên thực tế, ông đã nhận được sự đồng thuận quan trọng từ các phe phái chính trị trong đảng của mình, bao gồm phe Hosoda gồm 98 thành viên lớn nhất và quyền lực nhất do cựu Chánh Văn phòng Nội các Hiroyuki Hosoda lãnh đạo. Ông cũng nhận được sự ủng hộ từ phe Taro Aso gồm 54 thành viên, là nhóm lớn thứ hai, cùng với phe Takeshita, trong đảng Dân chủ Tự do (LDP), chiếm đa số cơ bản.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và nội các mới. Ảnh Japan Times
Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và nội các mới. Ảnh: Japan Times

Trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Suga đã được giao sứ mệnh vượt qua hàng loạt thách thức đó để giữ cho Nhật Bản ổn định. Đây chính là một phép thử cho khả năng lãnh đạo của chính trị gia lão luyện này. Lợi thế lớn nhất là ông đang nhận được sự hậu thuẫn của các phe phái và bộ máy hành chính phía sau. Điều quan trọng là ông Suga phải tiếp tục duy trì sự ủng hộ đó để giúp chính phủ có thể dễ dàng triển khai các chính sách trong thời gian tới.

Mới nhất

x
Tân Thủ tướng Suga Yoshihide: 'Ngoại lệ' trong giới tinh hoa chính trị Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO