Tăng cường chăm sóc vùng nguyên liệu mía

Xuân Hoàng 14/06/2022 06:34

(Baonghean) - Thời điểm này vùng mía nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con (Tân Kỳ) đang giai đoạn phát triển vươn lóng. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, bà con tích cực chăm sóc, đồng thời kiểm tra phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là đối tượng rệp xơ bông trắng đã xuất hiện trên một số diện tích.

Bám đồng chăm sóc mía

Niên vụ mía 2022 – 2033 người trồng mía đặt nhiều kỳ vọng sẽ giữ giá thu mua mía của nhà máy như năm vừa rồi. Do vậy, người trồng mía ở Tân Kỳ tích cực bám đồng chăm sóc mía từ lúc mới nảy mầm.

Năm nay thời tiết thuận lợi nên vùng mía nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Sông Con phát triển tốt. Ảnh: X.H

Thông tin từ Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết, do giá mía trong niên vụ vừa qua tăng cao, cùng với các chính sách hỗ trợ của công ty, nên người trồng mía có lãi; cùng đó, nhiều diện tích sắn bị sâu bệnh nên bà con nông dân trên địa bàn huyện Tân Kỳ chuyển đổi sang trồng mía. Theo đó, niên vụ 2022 - 2023, diện tích mía nguyên liệu của công ty tăng lên 3.200 ha, cao hơn năm trước; trong đó 1.560 ha trồng mới, trong khi đó diện tích mía trồng mới của niên vụ trước là 766 ha.

Ông Nguyễn Sỹ Hải - Trưởng ban Sản xuất nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết, hiện nay cây mía đang trong giai đoạn phát triển vươn lóng, là thời điểm thích hợp để bà con chăm sóc. Để cây mía tăng năng suất, chất lượng, mang lại lợi nhuận cho người trồng mía, bà con nông dân cần đầu tư chăm sóc hợp lý, đồng thời theo dõi sâu bệnh trên cây mía để kịp thời phòng trừ.

Thời điểm này mía nguyên liệu ở huyện Tân Kỳ đang giai đoạn vươn lóng. Ảnh: X.H

Theo đó, bà con cần thực hiện tốt quy trình chăm sóc mía: Sau khi trồng 10-15 ngày nếu gặp mưa nên xới phá váng. Làm cỏ lần 1 kết hợp với dặm, khi mía được 4-5 lá. Làm cỏ lần 2 và bón thúc đẻ nhánh, dùng cuốc hoặc trâu, bò cày sâu 10-15 cm vun nhẹ vào gốc. Thúc vươn lóng, kết hợp với vun gốc giúp mía phát triển thuận lợi, chống đổ ngã. Khi mía có lóng và cao trên 1m, nếu có chồi mới (mía mầm hoặc chồi nước) nên nhổ bỏ vì đây là những chồi vô hiệu sẽ cạnh tranh dinh dưỡng của những thân chính làm giảm chữ đường và là nơi trú ngụ và phát sinh sâu bệnh.

Đối với mía gốc, sau khi thu hoạch cần tổng vệ sinh đồng ruộng, vùi lấp hoặc đốt sạch lá khô để diệt mầm sâu bệnh, sau đó dùng cuốc thật sắc xén lại các gốc còn cao và các chồi mầm còn sót lại. Cày xả gốc hai bên hàng mía để bón phân đúng quy trình, kỹ thuật, sau đó lấp kín gốc, giữ cho mía nảy mầm, các giai đoạn tiếp theo chúng ta chăm sóc như mía tơ.

Tập trung phòng trừ rệp xơ bông trắng

Ông Nguyễn Sỹ Hải khuyến cáo, năm nay thời tiết thuận lợi hơn các năm, cây mía phát triển tốt, nhưng cũng đã xuất hiện rệp xơ bông trắng trên một số diện tích mía. Để kịp thời phòng trừ rệp cho cây mía, thời điểm này đội ngũ nông vụ của nhà máy tích cực bám địa bàn, nắm bắt tình hình từng thửa mía để thông tin kịp thời cho người trồng mía, không để rệp phát triển ra diện rộng.

Cán bộ nông vụ của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con thường xuyên bám vùng nguyên liệu để sớm phát hiện sâu bệnh trên cây mía. Ảnh: Xuân Hoàng

Rệp xơ bông trắng là một trong vài loài dịch hại nguy hiểm trên cây mía, chúng dễ phát triển hầu hết các vùng chuyên canh cây mía ở Tân Kỳ nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Triệu chứng là cả con trưởng thành và rệp non đều nằm tập trung ở mặt dưới của lá mía chích hút nhựa. Nếu nặng có thể làm lá mía bị vàng úa, cây mía sinh trưởng, phát triển kém, còi cọc, các lóng mía có thể bị ngắn lại. Ngoài việc gây thất thu năng suất nghiêm trọng, chúng còn làm giảm hàm lượng đường trong cây và giảm chất lượng nguyên liệu.

Nếu hom giống lấy từ ruộng bị rệp hại nặng sẽ mất khả năng mọc mầm hoặc mọc mầm rất yếu, mía gốc mất khả năng nẩy chồi hoặc nẩy chồi rất chậm, yếu ớt, ruộng mía mất khoảng nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến mật và sức khỏe của cây mía ở vụ mía lưu gốc kế tiếp...

Ngoài ra, chất bài tiết do rệp thải ra vẫn còn chứa nhiều chất đường mật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng (muội đen) phát triển phủ đen kín mặt lá làm giảm khả năng quang hợp tạo vật chất hữu cơ nuôi cây.

Đối với rệp non, dạng có cánh: Mới nở màu xanh đậm, tới tuổi 4 lưng ngực giữa dài ra. Ngực sau và lưng bụng có lớp sáp sợi dài, ngực giữa và ngực sau có mầm cánh. Râu đầu có 5 đốt. Dạng không có cánh: Mới nở màu vàng nhạt, sau chuyển thành màu xanh lục nhạt. Đến tuổi 4 trên lưng có nhiều lớp sáp trắng.

Cách nhận dạng, rệp cái đẻ con không có cánh: cơ thể dài 2mm, trên lưng phủ đầy sáp dạng sợi bông trắng. Thân màu vàng hoặc vàng xanh. Rệp cái đẻ con có cánh: cơ thể dài 2mm. Cánh dài 3,5mm, trong suốt che hết phần bụng, mạch cánh thoái hóa. Đầu màu đen. Ngực màu nâu tối. Bụng màu đen hoặc xanh đậm. Chân màu đen. Râu đầu ngắn nhỏ có 5 đốt.

Để hạn chế thiệt hại do rệp xơ bông trắng gây ra, bà con nông dân cần thực hiện một số biện pháp: Đối với những ruộng có mật độ còn thấp, cần bóc lá, làm cỏ cho thông thoáng; ngừng bón đạm, tăng cường bón phân kali; cắt bỏ ổ rệp để tiêu hủy. Đối với những diện tích bị nhiễm nặng cần tiến hành phun thuốc Victory 300EC, Anboom 40EC.

Thời gian tới với điều kiện nắng nóng và mưa rào xen kẽ như hiện nay, cây mía bước vào giai đoạn tích lũy đường, là điều kiện thuận lợi cho rệp phát sinh, lây lan nhanh, gây hại nặng. Vì vậy, bà con nông dân cần tích cực thăm đồng phát hiện và xử lý kịp thời không để rệp xơ bông trắng phát sinh thành dịch, làm ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất mía đường./.

Mới nhất

x
Tăng cường chăm sóc vùng nguyên liệu mía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO