Tăng cường công tác giám sát, cổ vũ, tạo bước đột phá phát triển

11/12/2014 07:23

(Trích phát biểu của đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy tại kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh)

(Baonghean) - …Trong năm 2014, được sự hỗ trợ có hiệu quả của Trung ương và sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, tỉnh ta đã giành được những kết quả hết sức quan trọng. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,29% (bình quân chung cả nước là 5,8%), đây là một chỉ tiêu có tính tổng hợp, thể hiện sự nỗ lực to lớn và cách làm hết sức năng động trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta. Thứ hai, là phấn đấu tăng thu ngân sách đạt 7.400 tỷ đồng, vượt 1.000 tỷ đồng, là chỉ số cao nhất từ trước đến nay. Quốc phòng - an ninh cũng được giữ vững…

TIN LIÊN QUAN

Tuy nhiên, với đà tăng trưởng ngân sách như hiện nay, thì phải 10 năm sau tỉnh mới cân đối được thu,

Đồng chí Hồ Đức Phớc.
Đồng chí Hồ Đức Phớc.
chi; trong khi mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra là đến năm 2020, Nghệ An phải trở thành một trong những tỉnh khá nhất của miền Bắc và là trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung bộ. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất cao để cân đối được thu - chi; đưa thu nhập bình quân đầu người ở mức khá, tỷ lệ đói nghèo phải giảm ở mức thấp nhất. Với chỉ tiêu đặt ra cho chúng ta là bình quân mỗi năm phải đạt mức tăng thu ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng, thì 5 năm sau chúng ta mới cân đối được thu - chi, đó là chưa kể vấn đề tịnh tiến chi tăng lên, nên với thời gian chỉ còn 6 năm, đòi hỏi chúng ta phải có đột phá trong thời gian tới.

Vấn đề nữa là thu hút đầu tư của chúng ta rất mạnh mẽ, trong năm vừa qua thu hút được 105 dự án với nguồn vốn 18.500 tỷ đồng. Điều khác biệt trong năm 2014 về thu hút đầu tư là các tập đoàn lớn trong nước đã triển khai đầu tư tại Nghệ An cụ thể kể đến các tập đoàn như Tôn Hoa Sen, Masan, Wincom ... và đầu tư với tiến độ rất nhanh. Nhưng để tạo ra sự đột phá trong thu hút đầu tư thì vẫn chưa có. Mô hình phát triển kinh tế của chúng ta là phát triển toàn diện. Điều đó có nghĩa là phát triển kinh tế gắn liền với phúc lợi xã hội.

Nếu chúng ta không đột phá trong thu hút đầu tư, thì chúng ta vẫn thuộc vùng “trũng” so với cả nước, hay nói cách khác, chúng ta vẫn không đạt được mục tiêu. Về vốn ODA, hiện nay tỉnh ta ký kết hiệp định được 28 dự án, với tổng mức vốn là 11.700 tỷ đồng, nhưng tiến độ triển khai rất chậm. Đối với nguồn vốn này, chỉ cần có khối lượng là sẽ giải ngân. Chúng ta có hai dự án lớn: Dự án Jica của Nhật Bản là 5.700 tỷ đồng đến nay vẫn chưa đấu thầu được, có nghĩa là chưa giải ngân được, chưa có khối lượng; điều đó cũng thể hiện năng lực trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Dự án WB của Ngân hàng thế giới đầu tư cho phát triển hạ tầng TP. Vinh với số vốn 2.500 tỷ đồng đến năm 2017 là kết thúc dự án, đến bây giờ mới tiến hành cải tạo Kênh Bắc, khối lượng chưa được bao nhiêu.

Về phát triển cơ sở hạ tầng, năm 2014 được xem là nhanh nhất và triển khai được nhiều dự án lớn, như triển khai xây dựng 6 cầu vượt, đã hoàn thành 4 cầu vượt giá trị gần 3.000 tỷ đồng, phấn đấu quý I năm sau sẽ hoàn thành thêm 2 cầu vượt lớn: Cầu vượt ngã ba Yên Lý và cầu vượt Quốc lộ 46. Sân bay, bến cảng không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Cảng Cửa Lò được nạo vét để tàu 2 vạn tấn vào ra được và bây giờ đã tìm kiếm được nhà đầu tư, chúng ta vươn ra biển làm tiếp bến số 5, số 6, để trong tương lai Cảng Của Lò đạt công suất 20 triệu tấn/năm. Sân bay Vinh là sân bay có tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, hiện đạt 1,2 triệu lượt khách/năm, đã có 6 tuyến bay và tiến hành đầu tư xây dựng nhà ga hàng không khoảng 3 triệu lượt khách, đang hoàn tất thủ tục đề xuất bộ GTVT, Tổng Công ty hàng không để Sân bay Vinh trở thành sân bay quốc tế, làm tiếp một đường băng 3.000m với mức đầu tư 1.300 tỷ đồng. Đây là điều kiện rất cần thiết để chúng ta phát triển công nghiệp phụ trợ.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã có 20 xã về đích; có trên 100 xã đạt được 13 tiêu chí. Năm 2015, phấn đấu đạt 20% số xã đạt nông thôn mới theo chỉ tiêu của Trung ương giao, tương đương 67 xã. Kết quả chúng ta đạt được trong thực hiện nông thôn mới là hết sức có ý nghĩa, hiệu quả như trong dồn điền, đổi thửa, xây dựng mô hình kinh tế ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp... Đặc biệt, chúng ta đã đột phá vào việc xây dựng 2 xã trở thành nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong quan hệ đối ngoại, đã mở rộng kết nghĩa giao lưu hợp tác đầu tư với 3 tỉnh của Lào: Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bolykhamxay, với tỉnh Côtes d’Amor Cộng hòa Pháp, tỉnh Gyeonggi - Hàn Quốc, tỉnh Ulianov - Liên bang Nga và quan hệ với các tổ chức tiền tệ quốc tế WB, ADB, Wbank, Cotra, Ngân hàng tái thiết Đức... để từ đó kéo được các dự án đầu tư vào trong tỉnh.

Trong lĩnh vực y tế, chúng ta đã hoàn thành Bệnh viện Đa khoa 700 giường, thực hiện công tác xã hội hóa tốt, đưa được các ứng dụng khoa học kỹ thuật y học vào khám, chữa bệnh, chẳng hạn như ghép tủy,… Hiện nay, lĩnh vực y tế của tỉnh, phần cơ sở hạ tầng đã rất tốt, cần tập trung vào hai nội dung chính là: vấn đề y đức và nâng cao trình độ chuyên môn, để bác sỹ của tỉnh có trình độ chuyên môn tiếp cận được với trình độ của các bác sỹ toàn quốc và khu vực, để người dân ít phải đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Singapore để khám, chữa bệnh. Chúng ta phải tiếp tục tích cực xã hội hóa y tế như Bệnh viện Phụ sản 400 giường sẽ đưa vào sử dụng trước Tết 2015 âm lịch, tiếp tục đẩy mạnh vấn đề hợp tác để xây dựng bệnh viện 600 giường. Chúng ta cũng đạt thành tích cao trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, xếp vào tốp đầu của cả nước.

Tôi đề nghị UBND tỉnh cùng với chính quyền các cấp huyện, xã dồn nguồn lực, sự quan tâm, quyết tâm để hoàn thành chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia trong năm 2015, để xứng đáng với một vùng đất học như Nghệ An. Những vấn đề khó đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo giải quyết, ví dụ như các diện tích đất… Bây giờ vấn đề là chất lượng và trang, thiết bị cần được tập trung hoàn thiện để đạt chỉ tiêu về giáo dục. Đồng thời giữ được thành tích cao trong đào tạo mũi nhọn và phát triển được toàn diện giáo dục. Trong năm qua, thực hiện thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, điểm thi đại học đầu vào trên 25 điểm vào các sở, ban, ngành, chúng ta thu hút nhiều nhất cả nước, với 70 em. Xuất khẩu lao động của tỉnh chiếm 11% của cả nước và cũng đứng cao nhất của cả nước, góp phần giải quyết việc làm, chuyển về nước một lượng ngoại tệ lớn. Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên.

Hiện nay, thế giới đã công nhận Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đây là niềm tự hào rất to lớn, nhưng với Nghệ An thì vẫn im lìm, chưa thấy băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền mạnh. Vì vậy, để Dân ca ví, dặm trường tồn, trước hết người dân, cán bộ trong tỉnh phải giữ gìn, phát huy, tránh cách nghĩ là thế giới giữ gìn vốn văn hóa cho chúng ta.

Nhân đây, tôi muốn chia sẻ với các đồng chí một vài định hướng trong thời gian sắp tới. Năm 2015, tiến hành tổ chức đại hội Đảng 3 cấp, là năm chúng ta dồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và bước sang nhiệm kỳ mới 5 năm. Vì vậy, năm 2015, chúng ta phải tạo ra được đột phá, nếu chúng ta không tạo được các đột phá về kinh tế, thì chúng ta thất bại. Điều kiện tỉnh ta có tiềm năng đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào và có nhiều người giỏi; nhiều tài nguyên khoáng sản, có rừng, có biển, có hàng không, có hải cảng. Nhìn ra các tỉnh bạn, như Thái Bình, Nam Định hoặc các tỉnh Nam Bộ, có một mỏm đá để làm đường đã khó, chứ đừng nói đến chuyện bến cảng hoặc khoáng sản, chẳng hạn như thiếc, gỗ…

Cần trăn trở làm thế nào để Nghệ An phát triển vượt lên? Người dân Nghệ An có truyền thống hiếu học, có tài nguyên thì phải bứt phá lên. Vậy lực cản ở đây là gì? Đó là tư tưởng, là tinh thần, trách nhiệm, hay đó là cách làm? Chúng ta đã nêu lên mục tiêu, xây dựng chiến lược, kế hoạch, tôi cho là đã tương đối đầy đủ, nhưng vấn đề là chúng ta phải tiến đến đích. Mà để tiến đến đích thì các đại biểu Hội đồng nhân dân trong kỳ họp này, các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân, chúng ta cùng phải nỗ lực để bứt phá, như thế mới đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị Quyết 26 của Bộ chính trị và Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra. Để thực hiện, theo tôi, chúng ra sẽ tập trung vào mấy việc:

Thứ nhất là tập trung vào vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng ta làm tốt sân bay quốc tế, làm tốt cảng, cửa khẩu, hệ thống đường giao thông, hệ thống khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thì chắc chắn đây là đường tắt để tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Thứ hai là tập trung thu hút đầu tư. Nếu trong năm 2015 chúng ta không đưa được VSIP 6 vào, thì có nghĩa chúng ta thất bại rất nhiều, là nghị quyết của chúng ta thất bại rất nhiều. Nếu đưa được VSIP 6 vào trong năm 2015, thì các năm 2016, 2017, chúng ta sẽ phát huy được hiệu quả, có nghĩa là các nhiệm kỳ sau sẽ có giá trị tăng thêm và tăng thêm rất nhiều lần. Ít ra là VSIP 6 sẽ đưa 400 - 500 doanh nghiệp vào, đưa ngân sách của chúng ta lên khoảng 20 ngàn - 30 ngàn tỷ đồng, giải quyết được hàng chục ngàn lao động. Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm đến Nghệ An và đã làm việc với ông Lý Hiển Long - Thủ tướng Singapore để đặt VSIP 6 tại Nghệ An. Hiện họ chỉ đạo làm thêm 3 VSIP nữa thôi: VSIP 6, VSIP 7 và VSIP 8. Vấn đề là chúng ta phải giải phóng mặt bằng để phối hợp với Becamex Bình Dương xây dựng hạ tầng, để cho Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đưa cơ sở hạ tầng tập đoàn kinh tế vào đây, thì chúng ta mới phát triển được. Và thu hút hạ tầng phải có trọng điểm, ví dụ như tôi vẫn nhắc các huyện về vấn đề phát triển giày da hoặc ngành Dệt may để giải quyết lao động là cân đối nguồn nhân lực. Một huyện vài nhà máy thôi, huyện nào nhiều cũng chỉ 3 nhà máy để đảm bảo việc làm cho lao động nông nhàn; nếu đưa nhiều nhà máy vào để cạnh tranh lao động với giá rẻ, thì chúng ta sẽ thất bại.

Tôi cũng xin thông báo với các đồng chí là các cơ chế, chính sách, Thủ tướng Chính phủ rất tạo điều kiện cho chúng ta. Ví dụ như các Khu công nghiệp Hoàng Mai - Đông Hồi, chúng ta có 1.200 ha, vừa rồi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định sáp nhập vào Khu kinh tế Đông Nam, có nghĩa là được hưởng chính sách như Khu kinh tế Đông Nam. 750 ha của xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) cũng sẽ được làm thủ tục nhập vào Khu kinh tế Đông Nam. Điều đó có nghĩa là cơ chế đã được mở, được ưu đãi, vấn đề là thu hút đầu tư vào và chúng ta quản lý như thế nào. Vấn đề nữa là công nghiệp xi măng. Bây giờ quy hoạch của công nghiệp xi măng đến 15 triệu tấn rồi, đến năm 2020 nếu chúng ta đẩy nhanh thì chúng ta có 12 triệu tấn xi măng. Hiện xi măng Đô Lương đã bàn giao cho Vissai và vừa rồi cũng được Thủ tướng Chính phủ cho nâng công suất lên 6 triệu tấn/năm.

Chúng ta cũng cần tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực và vấn đề nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, cải cách hành chính, cải cách cơ chế, chính sách và phát triển giáo dục, đào tạo. Mỗi một ngành như vậy, chúng ta chọn ra một, vài ba mũi đột phá để làm đầu tàu kéo ngành phát triển lên. Đối với đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta là đất học, sinh viên học đại học rất nhiều, nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bàn là chúng ta chuyển hướng đào tạo nghề để con em chúng ta người người, nhà nhà đều có việc làm, đều có thu nhập. Những em nào học giỏi thì vào đại học để phụng sự đất nước, phụng sự Tổ quốc; những em nào điều kiện, hoàn cảnh khó khăn hoặc sức học kém thì học trường nghề, đưa vào đào tạo và tạo việc làm cho các em trong các tập đoàn kinh tế, các công ty, tổng công ty.

Năm 2015, chúng ta tiếp tục giữ vững ổn định trật tự và xã hội, xây dựng nền quốc phòng - an ninh vững chắc. Như vậy, chiến lược, kế hoạch và các cánh cửa đã được mở. Mục tiêu đã được xác định rất rõ, vấn đề bây giờ là chúng ta lái được con thuyền cập bến hay không, đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, chính quyền các cấp, Mặt trận và các đoàn thể. Các đồng chí cùng giám sát, cổ vũ, động viên để đưa kinh tế tỉnh nhà chúng ta có bước đột phá, phát triển, nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Bắc Trung bộ; để Nghệ An xứng đáng là đất học, là quê hương của Bác Hồ, thực sự vượt lên nghèo nàn, lạc hậu…

(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.

Tăng cường công tác giám sát, cổ vũ, tạo bước đột phá phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO