Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên động vật

21/06/2014 13:12

(Baonghean.vn) - Từ đầu năm đến nay, bệnh dại đã xảy ra tại 9 tỉnh, thành phố trên cả nước, đã có 160.731 người bị chó cắn, phải đi điều trị dự phòng và có 28 người tử vong. Trước tình hình đó, ngày 19/6/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Công điện số 14/CĐ.UBND về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên động vật gửi chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, thủ trường các đơn vị liên quan.

Nội dung công điện như sau:

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng, hàng năm có gần 4.000 người bị chó cắn và phải đi điều trị dự phòng. Riêng 5 tháng đầu năm 2014 có 2.586 người. Tổng số người tử vong do bệnh dại từ năm 2012 đến nay là 16 người (năm 2012 là 05 người, năm 2013 là 10 người, 5 tháng đầu năm 2014 là 01 người). Một số địa phương liên tục nhiều năm có bệnh nhân tử vong do bệnh dại gồm: Quỳnh Lưu 17 ca, Anh Sơn 07 ca, Nghĩa Đàn 04 ca, Thanh Chương 03 ca, TX. Thái Hòa 03 ca, Kỳ Sơn 02 ca, Quỳ Hợp 02 ca. Nguyên nhân chủ yếu do đàn chó nuôi không được tiêm phòng bệnh dại triệt để, tỷ lệ tiêm phòng hàng năm chỉ đạt 30 - 40%. Hiện tượng chó nuôi thả rông, không được quản lý còn phổ biến ở các địa phương dẫn đến nhiều người bị chó cắn không đến các cơ sở y tế để tiêm phòng, bị phát bệnh dại và tử vong. Nguy cơ bệnh dại xẩy ra và lây lan là rất cao.

Để chủ động phòng chống bệnh dại có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất bệnh dại phát sinh và lây lan, nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công điện số 03/CĐ-BNN-TY ngày 11/6/2014 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên động vật, tập trung các nội dung sau:

1.Chủ tịch UBND các huyện, thành thị:

- Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống bệnh dại được quy định tại Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ; Thông tư số 48/2009/TT-BNN ngày 04/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; quy chế phối hợp giữa các cơ quan thú y và y tế của địa phương trong phòng, chống bệnh dại tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013; Chỉ thị số 04/2014/CT-UBND ngày 101312014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 25851QĐ-UBND ngày 11/6/2014 V/v sửa đổi điểm b, khoản 8 Chỉ thị số 0412014!CT-UBND ngày 10/3/2014 của UBND tỉnh.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tổ chức, triển khai, thực hiện nghiêm các giải pháp sau:

+ Tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh của xã, xóm về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó nghi mắc bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Đặc biệt tuyên truyền nhân dân giám sát, phát hiện và báo cáo chính quyền, cơ quan thú y các trường hợp chó, mèo động vật khác nghi mắc bệnh dại để xử lý; đồng thời yêu cầu chủ vật nuôi phải tổ chức quản lý chó, không nuôi thả rông; khi đưa chó ra ngoài phải có dây xích, đeo rọ mõm và có người dắt; tiêm phòng vác xin dại cho chó, mèo; hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho người, ngăn ngừa tử vong do chó dại cắn.

+ Rà soát số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn và kết quả tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trong vụ xuân vừa qua, tổ chức các đợt tiêm phòng bổ sung nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt 100% diện phải tiêm. Trường hợp chủ nuôi chó, mèo không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

+ UBND cấp xã phối hợp với Trạm Thú y cấp huyện tổ chức bắt giữ, tiêu hủy chó, mèo thả rông tại địa phương theo quy định.

+ Trong trường hợp dịch bệnh dại xảy ra tại địa phương, cần báo cáo ngay cho các cơ quan chuyên môn (Thú y, Y tế dự phòng...) và UBND huyện để tập trung mọi nguồn lực nhằm tổ chức dập tắt dịch nhanh chóng.

2.Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Phối hợp với Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại tại các địa bàn trọng điểm.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, UBND cấp huyện tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán chó, mèo theo quy định; ngăn chặn triệt để việc nhập lậu chó, mèo qua biên giới và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cung ứng đầy đủ vắc xin dại cho các địa phương để tiêm phòng; giám sát, cảnh báo bệnh dại ở động vật trên địa bàn toàn tỉnh.

3.Sở Y tế: Đảm bảo đầy đủ số lượng vắc xin, kháng huyết thanh, thuốc phòng bệnh dại để tiêm phòng kịp thời cho người nghi bị chó, mèo dại cắn. Tổ chức mạng lưới y tế cơ sở tiêm phòng bệnh dại đáp ứng yêu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, phối hợp với ngành thú y điều tra dịch tễ bệnh dại trên đàn vật nuôi tại các địa bàn có liên quan với bệnh nhân.

4.Sở Thông tin và truyền thông, Đài PT và TH tỉnh, Báo Nghệ An: Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Thú y tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống.

5.Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Thú y chủ động tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh dại động vật.

6.Công an tỉnh: Chỉ đạo công an các huyện hỗ trợ cơ quan Thú y và các ngành có liên quan tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại để đảm bảo an toàn cho nhân viên thực hiện nhiệm vụ và an ninh trật tự tại địa phương.

7.Đối với chủ vật nuôi:

- Chấp hành kế hoạch tiêm phòng bệnh dại định kỳ, tiêm bổ sung của cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Chủ vật nuôi phải cất giữ giấy chứng nhận tiêm phòng và xuất trình giấy chứng nhận khi có yêu cầu của cơ quan kiểm tra.

- Phải thường xuyên nuôi, nhốt vật nuôi trong nhà, không được thả rông, để cắn người.

- Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu đông dân cư khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm (đối với chó) và có người dắt.

- Khi phát hiện vật nuôi có các biểu hiện khác thường như: bỗng nhiên trở nên hung dữ, cào cấu, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, hàm trễ, tru lên từng hồi, cắn người hay động vật khác thì chủ vật nuôi phải khai báo ngay với trưởng thôn hoặc Cơ quan Thú y gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành liên quan khẩn trương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh dại trên động vật. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, khó khăn các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, trình UBND tỉnh giải quyết kịp thời./.

Mới nhất
x
Tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên động vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO