Tăng cường công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi
(Baonghean) - Để tăng cường công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ngày 8/8/2014, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thành phố Vinh tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; bám sát mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo Nghị định số 10-NQ/TU ngày 4/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh sự nghiệp phát triển y tế tỉnh Nghệ An đến năm 2020; xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện đồng bộ về tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; đưa các nội dung phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi vào kế hoạch hoạt động hàng năm của ngành mình, cấp mình.
2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung cũng như tầm quan trọng của công tác phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
3. Sở Y tế phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo hàng năm tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình suy dinh dưỡng trẻ em trong tỉnh theo đúng quy định; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng chương trình công tác phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi cụ thể để tham mưu chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
4. Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tổ chức giáo dục về dinh dưỡng rộng rãi trong nhân dân, chú trọng hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ, tổ chức bữa ăn hợp lý cho trẻ; tăng tỷ lệ trẻ ăn bán trú, cải thiện điều kiện về cơ sở vật chất, mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tăng cường hệ thống nhà trẻ tại cơ sở; cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường; phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm... nhằm tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe và phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn.
5. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh kinh phí cần thiết để góp phần đảm bảo công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt.
6. Thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em. Các ngành, các cấp quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và vận động cá nhân, tổ chức trong, ngoài tỉnh, ngoài nước ủng hộ trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; tiếp tục quan tâm thực hiện chế độ, chính sách phụ cấp, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác trẻ em cấp cơ sở, nhất là vùng nông thôn, miền núi.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức, đoàn thể xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các ngành có liên quan để phổ biến kiến thức về dinh dưỡng cho các đoàn viên, hội viên; tuyên truyền giáo dục cho các đoàn viên, hội viên nhận thức rõ việc phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em là nhiệm vụ của toàn xã hội; mỗi đoàn viên, hội viên phải có trách nhiệm thực hiện tốt công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em và vận động mọi người cùng thực hiện.
8. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương có kế hoạch, biện pháp triển khai cụ thể để triển khai Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng và cả năm báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện (qua Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo).