Tăng cường giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo
(Baonghean.vn) - Ngày 20/8, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2014 - 2016”.
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc - Phó chính ủy BĐBP Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An có Đại tá Nguyễn Văn Túy - Chính ủy BĐBP Nghệ An, thành viên Ban chỉ đạo và tổ thư ký đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2014 - 2016” tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An. |
Công tác triển khai đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” trong giai đoạn 1 (2014 - 2016) được thực hiện nghiêm túc, đa dạng, phong phú, phù hợp, bám sát kế hoạch và yêu cầu đề ra.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung có chiều sâu công tác tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo các kiến thức pháp luật thiết thực liên quan đến quyền, nghĩa vụ của bản thân trên khu vực biên giới, hải đảo như: Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hiệp định về hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị định 161 của Chính phủ về quy chế biên giới biển, Nghị định 34 về Quy chế biên giới đất liền...
Bộ đội Biên phòng Nghệ An phổ biến pháp luật cho đồng bào xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn. |
Trên địa bàn Nghệ An, việc thực hiện đề án đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, thành lập Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở, các địa phương, đơn vị chủ động lựa chọn những địa bàn làm điểm để nhân rộng trên toàn địa bàn.
Những nội dung tuyên truyền được thực hiện theo nhiều hình thức phong phú như: sân khấu hoá, trực quan, sinh động, tuyên truyền tập trung, đi sâu từng trường hợp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn, từng thành phần dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn biên giới, hải đảo.
Để đề án phát huy hiệu quả, các địa phương cần chú ý khắc phục những mặt tồn tại, tiếp tục lựa chọn, nhân rộng mô hình, cách làm hay. Tăng cường công tác tham mưu, đôn đốc kiểm tra thực hiện ở cơ sở một cách thường xuyên, chủ động việc biên soạn tài liệu, nhằm thực hiện tốt nhất cóng tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận người dân tại khu vực biên giới, hải đảo trong thời gian tới.
Hải Thượng