Tăng cường kiểm tra việc tự in, phát hành, sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, việc giao quyền tự chủ cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp in, phát hành và sử dụng hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ đã phát huy những hiệu quả tích cực, góp phần phục vụ cho công tác quản lý thu thuế. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số bất cập cần sớm được khắc phục.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, việc giao quyền tự chủ cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp in, phát hành và sử dụng hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ đã phát huy những hiệu quả tích cực, góp phần phục vụ cho công tác quản lý thu thuế. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số bất cập cần sớm được khắc phục.
Ảnh minh họa: M.P
Theo ghi nhận từ phía cơ quan quản lý thuế, trước tiên, doanh nghiệp được tự in hóa đơn sẽ gây khó cho cơ quan thuế trong việc phân biệt hóa đơn thật, giả. Bởi nếu như trước đây, khi sử dụng hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành, việc phân biệt thật giả chỉ cần dựa vào các dấu hiệu của Tổng cục Thuế có trên hóa đơn. Còn bây giờ, cơ quan thuế chỉ căn cứ vào thông báo phát hành và dấu pháp nhân trên hóa đơn để phân biệt nên vừa mất nhiều thời gian, mà tính chặt chẽ không cao. Điều đáng nói hơn, đối với những doanh nghiệp làm ăn không chân chính sẽ lợi dụng chủ trương này để in hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn không theo thứ tự từ nhỏ đến lớn trong quá trình trao đổi hàng hóa.
Đặc biệt, thời gian qua đã phát hiện một số doanh nghiệp thành lập ra chỉ có nhiệm vụ chuyên mua bán hóa đơn. Chính điều này đã gây thất thu thuế, thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế. Tuy cơ chế tự in hóa đơn đã tạo sự thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; song, hiện nay, có nhiều đơn vị lợi dụng cơ chế, cố tình vi phạm về hóa đơn trong kinh doanh để vừa chiếm dụng tiền thuế Nhà nước, vừa gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Để cơ quan quản lý thuế các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc in, phát hành, quản lý và sử dụng hoá đơn ngày càng hoàn thiện tốt hơn, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 64/2013/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 với một số nội dung mới, quy định rõ, tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp.
Cụ thể, về nội dung trên hóa đơn đã lập quy định cụ thể hơn trước như: Về ký hiệu phân biệt hóa đơn bằng hệ thống chữ cái tiếng Việt và 02 chữ số cuối của năm. Đối với hoá đơn đặt in, 02 chữ số cuối của năm là năm in hoá đơn đặt in. Đối với hoá đơn tự in, 02 chữ số cuối là năm bắt đầu sử dụng hoá đơn ghi trên thông báo phát hành hoặc năm hoá đơn được in ra.
Về liên hóa đơn giao cho người mua quy định rõ đối với các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan có thẩm quyền tạo, phát hành hoá đơn có từ 3 liên trở lên, trong đó, giao cho người mua 2 liên: liên 2 “giao cho người mua” và một liên dùng để đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng chỉ tạo hoá đơn 2 liên thì tổ chức, cá nhân mua tài sản thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng (ô tô, xe máy…) với cơ quan có thẩm quyền mà liên 2 của hoá đơn phải lưu tại cơ quan quản lý đăng ký tài sản (ví dụ: cơ quan công an…) được sử dụng các chứng từ sau để hạch toán kế toán, kê khai, khấu trừ thuế, quyết toán vốn ngân sách nhà nước theo quy định: Liên 2 hoá đơn (bản chụp có xác nhận của người bán), chứng từ thanh toán theo quy định, biên lai trước bạ (liên 2, bản chụp) liên quan đến tài sản phải đăng ký.
Về tên tổ chức nhận in hoá đơn, tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử: trên hoá đơn đặt in, hoá đơn tự in, hoá đơn điện tử phải thể hiện tên, mã số thuế của tổ chức nhận in hoá đơn, tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử, bao gồm cả trường hợp tổ chức nhận in tự in hoá đơn đặt in, tự cung ứng phần mềm tự in hoá đơn, tự cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử.
Ngoài ra, Thông tư mới còn quy định thêm đối với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn với số lượng lớn, chấp hành tốt pháp luật thuế, căn cứ đặc điểm hoạt động kinh doanh, phương thức tổ chức bán hàng, cách thức lập hóa đơn của doanh nghiệp và trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, Cục Thuế xem xét và có văn bản hướng dẫn hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “dấu của người bán”.
Đáng chú ý, về nguyên tắc tạo hóa đơn, quy định rõ hơn đối với trường hợp tổ chức kinh doanh được tự in hoá đơn để sử dụng cho việc bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ nếu có đủ các điều kiện: Là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán và có phần mềm tự in hoá đơn bảo đảm định kỳ hàng tháng dữ liệu từ phần mềm tự in hoá đơn phải được chuyển vào sổ kế toán để hạch toán doanh thu và kê khai trên Tờ khai thuế GTGT gửi cơ quan thuế.
Đặc biệt, để hạn chế việc mua bán hóa đơn tràn lan, Thông tư mới cũng cũng định về việc bán hoá đơn do Cục Thuế đặt in quy định cho tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh (bao gồm cả hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài, ban quản lý dự án); hộ, cá nhân kinh doanh.
Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh là các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.
Tổ chức, cá nhân mua hoá đơn do cơ quan thuế phát hành phải tự chịu trách nhiệm ghi hoặc đóng dấu: tên, địa chỉ, mã số thuế trên liên 2 của mỗi số hoá đơn trước khi mang ra khỏi cơ quan thuế nơi mua hoá đơn.
Về việc bán hoá đơn do Cục Thuế đặt in quy định cho tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh (bao gồm cả hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài, ban quản lý dự án); hộ, cá nhân kinh doanh.
Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh là các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.
Tổ chức, cá nhân mua hoá đơn do cơ quan thuế phát hành phải tự chịu trách nhiệm ghi hoặc đóng dấu: tên, địa chỉ, mã số thuế trên liên 2 của mỗi số hoá đơn trước khi mang ra khỏi cơ quan thuế nơi mua hoá đơn.
Như vậy, chủ trương trao quyền tự in hóa đơn đã mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp trong thời gian qua có thể nhận thấy rõ. Tuy nhiên, nếu các ngành chức năng quản lý không chặt chẽ thì các doanh nghiệp sẽ có điều kiện, cơ hội in hóa đơn bất hợp pháp, gây thất thu nguồn ngân sách của Nhà nước. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là việc cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, theo dõi hoạt động tự in, phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ của các doanh nghiệp để có thể quản lý, hạn chế sai phạm. Cùng với việc những nội dung mới thay đổi bổ sung tại Thông tư số 64/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ hy vọng sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập trong thời gian qua./.
Theo ĐCSVN – LH