Tăng cường phòng chống dịch LMLM gia súc

20/11/2013 10:10

Hiện nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc type A đã xẩy ra trên địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện dịch LMLM gia súc type A tại xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, làm 5 con trâu bò mắc bệnh. UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố dịch LMLM type A tại xã Diễn Thái và các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp.

Nguyên nhân: Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, 11 đã làm ngập úng nhiều địa phương, gây ô nhiễm môi trường, thức ăn khan hiếm, thời tiết thay đổi bất thường làm sức đề kháng của gia súc giảm. Mặt khác, Nghệ An là tỉnh có nhiều chợ buôn bán vận chuyển gia súc lớn; công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển gặp nhiều khó khăn, trong khi đó tại một số tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị đã xẩy ra dịch LMLM type A và đang có chiều hướng lây lan ra diện rộng.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, không để dịch lây lan sang các địa phương khác, UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở; thủ trưởng các ban ngành liên quan thực hiện nghiêm Công điện số 35/CĐ-UBND ngày 01/11/2013 của UBND tỉnh "Về việc tập trung phòng, chống dịch LMLM gia súc", đặc biệt khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

1- Đối với huyện Diễn Châu:

- Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh.

- Tập trung lực lượng để khống chế dịch trong trong thời gian nhanh nhất.

- Tiêu hủy gia súc mắc bệnh LMLM type A khi dịch đang ở diện hẹp.

- Thiết lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các trục đường giao thông chính để ngăn chặn gia súc, sản phẩm gia súc vận chuyển ra ngoài xã có dịch.

- Tổ chức triển khai tiêm phòng vắc-xin LMLM đa type cho đàn trâu bò các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp và xã có dịch.

- Triển khai công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại xã có dịch và các xã vùng vành đai dịch; các chợ buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc...

Sử dụng nguồn hóa chất do Trung ương hỗ trợ. UBND huyện, xã hỗ trợ kinh phí mua vôi bột để khử trùng đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng. Người chăn nuôi tự bỏ kinh phí mua vôi bột khử trùng chuồng trại chăn nuôi của gia đình.

2. Các địa phương chưa xẩy ra dịch:

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh LMLM type A trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo UBND cấp xã, Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế), trạm thú y huyện, các phòng, ban, tổ chức, cá nhân có liên quan ở địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM type A trên địa bàn huyện.

- Lập chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại vùng trọng điểm, phối hợp với lực lượng chức năng kiểm soát nghiêm ngặt không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa bàn.

- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của dịch LMLM type A. Khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi.

- Vận động các tổ chức, cá nhân chăn nuôi khi phát hiện bệnh phải báo ngay cho thú y cơ sở, chính quyền địa phương; để cơ quan thú y lấy mẫu bệnh phẩm gửi xác định type vi rút.

Thực hiện "5 không": Không dấu dịch; Không mua gia súc bệnh; Không vận chuyển gia súc bệnh ra khỏi vùng dịch; Không bán chạy gia súc bệnh; Không vứt bừa bãi xác gia súc bệnh ra môi trường.

- Chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các phòng, ban, đơn vị liên quan trên địa bàn quản lý: Triển khai các biện pháp phòng dịch theo quy định tại Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành quy định phòng, chống bệnh LMLM gia súc và các văn bản hiện hành khác; Chuẩn bị nhân lực, vật tư, kinh phí cần thiết để ứng phó khi dịch xẩy ra.

- Tiêm vắc-xin phòng bệnh LMLM tại các huyện chưa có dịch:

+ Phạm vi tiêm phòng: Các xã tiếp giáp tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh; các xã có chợ buôn bán gia súc lớn của tỉnh (chợ Ú, chợ Nam Nghĩa, chợ Dinh, Sy,...); xã nằm trên trục đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ,...

+ Loại vắc-xin tiêm phòng: Tiêm vắc-xin LMLM đa type (O, A, Asia 1).

+ Nguồn vắc-xin: UBND tỉnh hỗ trợ vắc-xin, địa phương và người dân trả tiền công tiêm phòng. Các chủ trang trại chủ động mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn gia súc của trại.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, chỉ đạo các hoạt động phòng, chống bệnh LMLM type A trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. - Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh LMLM type A trên gia súc tại cơ sở.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phòng chống bệnh LMLM type A trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn chuyên môn và các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM type A; Thực hiện kiểm tra, kiểm dịch nghiêm ngặt việc vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch về kinh phí đảm bảo cho công tác phòng, chống bệnh LMLM type A trên gia súc.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN và PTNT đề nghị hỗ trợ kỹ thuật, vắc-xin, hóa chất cho công tác phòng, chống bệnh LMLM type A trên đàn gia súc của tỉnh.

- Duy trì thực hiện tốt chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh LMLM type A gia súc theo quy định.

4. Các cơ quan thông tin và truyền thông:

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh LMLM type A, để người dân nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

5. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí phục vụ kịp thời công tác phòng, chống bệnh LMLM type A trên địa bàn tỉnh.

6. Công an tỉnh: Phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vận chuyển trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, trình UBND tỉnh có biện pháp giải quyết kịp thời.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. Chủ tịch

Phó Chủ tịch:

Đinh Viết Hồng

Mới nhất

x
Tăng cường phòng chống dịch LMLM gia súc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO