Tăng cường quản lý hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm
(Baonghean) - Dưới vỏ bọc là người của các công ty, nhiều đối tượng “mò” về tận từng khối, xóm mở “hội thảo” rồi bán sản phẩm. Chiêu trò cũ mèm, thế nhưng không ít người dân vẫn cứ tin để rồi phải mua hàng kém chất lượng với giá “cắt cổ”. Báo Nghệ An từng đăng tải nhiều bài viết về vấn đề này, thế nhưng để hạn chế tình trạng đó, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Về tận xóm bán hàng
Người dân xã Đồng Văn (Thanh Chương) vẫn chưa hết xôn xao chuyện lực lượng công an xã bắt quả tang nhân viên Công ty CP phát triển khoa học và công nghệ Toàn Cầu bán hàng trái phép trong đêm 3/6 tại nhà văn hóa xóm Luân Sơn. Mặc dù trong công văn chấp thuận của Sở Công thương và phòng Công thương huyện Thanh Chương, chỉ đồng ý cho phép công ty này tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm là chảo đa năng nhưng thực chất, công ty này còn kèm theo bán thực phẩm chức năng. Ông Hoàng Văn Biểu, xóm trưởng xóm Luân Sơn chứng kiến vụ việc cũng hết sức bất ngờ cho biết: “Tôi thấy có giấy tờ của cấp trên nên đồng ý cho mượn hội trường và phát giấy mời cho bà con trong xóm đến tham dự. Chỉ đến khi công an xã vào và thông báo công ty bán hàng khi chưa được cấp phép thì mới ngã ngửa. Nói thật là người dân như chúng tôi thì làm sao mà biết được họ làm đúng hay sai”.
Không phải vô cớ mà chính quyền xã Đồng Văn lại “mạnh tay” xử lý hành vi bán hàng trái phép như của Công ty CP phát triển khoa học và công nghệ Toàn Cầu. Ông Nguyễn Quốc Chương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, số lượng các công ty, đơn vị được giới thiệu về xã với mục đích là tổ chức hội thảo, khám bệnh miễn phí nhưng thực chất là bán hàng rất nhiều. Qua phản ánh của người dân thì các đơn vị này sau ít phút diễn thuyết thì tập trung vào việc bán hàng với những lời lẽ hoa mỹ về sản phẩm đưa đến. Họ không bận lòng chứng kiến cảnh người dân nghèo, quanh năm bám ruộng, chắt chiu được ít tiền đã bị những đối tượng này lừa gạt nên chính quyền xã đã tổ chức kiểm tra và ngăn chặn nhiều trường hợp.
Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT) kiểm tra hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Công ty CP Công nghệ Thiện Thanh tại Nhà văn hóa khối 2, phường Đội Cung (Thành phố Vinh). |
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có trách nhiệm với người dân như chính quyền xã Đồng Văn. Bởi tình trạng các công ty “núp bóng” hội thảo, khám bệnh để bán hàng xảy ra ở rất nhiều huyện, thành phố, thị xã và tận các khối, xóm trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian gần đây, Báo Nghệ An liên tục nhận được phản ánh qua đường dây nóng về tình trạng các công ty “đội lốt” hội thảo để bán sản phẩm. Mới đây nhất là vụ việc Công ty CP phát triển công nghiệp và khoa học kỹ thuật Bách Khoa về các trường học trên địa bàn Thành phố Vinh giới thiệu và bán máy sục khí ozone.
Cùng với một quy trình, sau khi xin Sở Công thương tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm, công ty này “rải quân” khắp các trường học tiểu học, THCS để tập huấn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và giới thiệu công nghệ. Nhưng đó chỉ là cái cớ, mục đích chính của những người này là gây sự lo lắng, hoang mang cho các giáo viên về tình trạng nhiễm chất độc trong thực phẩm để giới thiệu máy sục khí ozone với lời quảng cáo có thể khử được 99% chất độc. Như đánh trúng tâm lý, các thầy cô giáo tại nhiều trường học không ngần ngại bỏ ra 1,8 triệu đồng để được sở hữu chiếc máy được gọi là “thần kỳ”. Tiếp đà “thành công”, nhân viên công ty này còn vào đặt vấn đề với xã Nghi Kim để xin được tổ chức hội thảo. Ông Cao Huy Tý, Chủ tịch UBND xã Nghi Kim không một chút ngần ngại đồng ý. Và rồi hôm đó, những nhân viên này còn bán được gần 20 chiếc máy sục khí ozone cho các cán bộ ủy ban xã, người dân ngay tại trụ sở UBND xã.
Còn rất nhiều công ty, tổ chức khác cũng vào các địa phương và thực hiện một mô típ cũ nhằm bán hàng, “qua mặt” cơ quan chức năng. Tất cả đều lợi dụng tâm lý cả tin của người dân để bán hàng với giá đắt, trong khi không xuất trình hóa đơn chứng từ. Bán xong sản phẩm, những nhân viên này rút lui mà không để lại một dấu vết. Cuối cùng, những hệ quả là người dân phải gánh chịu.
Đùn đẩy “quả bóng” trách nhiệm
Xảy ra tình trạng trên thì câu hỏi đầu tiên mà nhiều người đặt ra là chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ở đâu trong khi các công ty, tổ chức này “tung hoành” như vậy?
Sau khi thẩm định hồ sơ, Sở Công thương có công văn trả lời đồng ý về việc tổ chức trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ. Có được “bảo bối” này trong tay, các công ty tỏa đi các huyện, xã, xóm để hoạt động mà không gặp một trở ngại nào. Nhưng không có công ty nào thực hiện đúng như nội dung trong tờ trình, công văn. Trước câu hỏi, vì sao lại có tình trạng như vậy? Bà Võ Thị An, Phó giám đốc Sở Công thương lý giải: Theo Điều 118, Luật Thương mại 2005 thì các doanh nghiệp được tổ chức trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ mà không cần sự chấp thuận của Sở Công thương. Tuy nhiên, khi các công ty này gửi hồ sơ đến thì bắt buộc Sở phải có công văn trả lời. Sở cũng đã nhận được nhiều phản ánh về việc các công ty lợi dụng hội thảo để bán hàng. Theo quy định việc bán hàng như vậy là sai.
Sản phẩm kém chất lượng thế nhưng nhiều người dân vẫn cứ tin để rồi phải mua hàng kém chất lượng với giá “cắt cổ”. |
Cũng theo bà An, bên cạnh gửi công văn trả lời cho các công ty thì Sở cũng gửi công văn về cho các địa phương, Chi cục QLTT để kiểm tra, giám sát hoạt động của công ty. “Vậy tại sao việc bán hàng công khai và rầm rộ ở nhiều địa phương nhưng cơ quan chức năng chưa phát hiện và xử lý được trường hợp nào (ngoại trừ vụ việc tại xã Đồng Văn)?”. Bà An cho biết rằng, trách nhiệm chính trong kiểm tra, giám sát là chính quyền địa phương từ cấp huyện đến cấp xã. Còn đối với lực lượng QLTT thì do lực lượng mỏng, trong khi địa bàn rộng, các công ty hoạt động không có lịch cụ thể nên rất khó để kiểm tra và giám sát. “Sở cũng đã giao trách nhiệm cho Chi cục QLTT phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra giám sát. Nhưng khi lực lượng QLTT đến kiểm tra thì họ (công ty - PV) hoạt động đúng quy định. Khi không có lực lượng chức năng thì mới bán hàng. Cái quan trọng nhất để kiểm tra, giám sát là ở chính quyền cấp xã. Bên cạnh đó là ý thức của doanh nghiệp và sự phát giác của người dân. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, việc phối kết hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan chức năng là chưa tốt, công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế”, bà An cho biết.
Mặc dù được Sở Công thương giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty khi vào hoạt động trên địa bàn nhưng cho đến thời điểm này Chi cục QLTT chưa bắt và xử lý được một trường hợp nào. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục phó Chi cục QLTT cho biết rằng: “Các công ty này hoạt động lén lút, không có lịch trình cụ thể. Khi nhận được tin báo, chi cục đã chỉ đạo các đội đến kiểm tra nhưng công ty đã rút đi. Bên cạnh đó, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên rất khó để kiểm tra, giám sát (???)”. Cũng theo ông Thắng thì để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi bán hàng trái quy định thì trách nhiệm quan trọng là chính quyền địa phương. Khi các công ty, tổ chức đến đăng ký hoạt động trên địa bàn thì chính quyền phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an và Chi cục QLTT nhằm phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ…
Trong khi cơ quan chức năng “kêu” khó thì chính quyền địa phương các huyện chưa làm tròn trách nhiệm. Khi các công ty này đăng ký, Phòng Công thương huyện đã cấp một công văn và giao phó cho các xã. Chính quyền địa phương các huyện chưa phối hợp với lực lượng công an, QLTT để giám sát hoạt động của công ty. Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Công thương huyện Thanh Chương cho rằng, các doanh nghiệp vào hoạt động có giấy tờ đầy đủ và quy định cho phép nên phòng phải tạo điều kiện giới thiệu về cho các xã. Tương tự, ông Thái Huy Dũng, Trưởng phòng Công thương huyện Hưng Nguyên cũng cho rằng, phòng có công văn giới thiệu về các xã và yêu cầu tổ chức giám sát, kiểm tra hoạt động của các công ty này. Nhưng do lâu nay các xã quản lý không tốt nên còn để xảy ra nhiều vấn đề. Trong thời gian tới, phòng sẽ có công văn gửi về các xã phải giám sát chặt chẽ và khi có hình thức bán hàng không đúng quy định thì phải ngăn chặn và báo cho các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.
Trở lại vụ việc tại xã Đồng Văn (Thanh Chương), trong khi các địa phương khác “buông” quản lý thì sự vào cuộc kịp thời của xã được xem là ánh sáng lóe lên trong một bức tranh đầy màu xám về quản lý các công ty tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên địa bàn.
Phạm Bằng