Tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp

07/04/2014 18:43

(Baonghean) - Hiện nay, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn Nghệ An nói riêng đang diễn ra phổ biến. Hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép trái phép, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở khắp mọi nơi. Phổ biến là xâm phạm về kiểu dáng công nghiệp, các loại hàng hoá bị xâm phạm là thuốc tân dược, mỹ phẩm, hàng điện tử, xe máy, hàng may mặc, lương thực, thực phẩm… gây tác hại không nhỏ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh chân chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng tại Trung tâm QLTT. Ảnh: T.H
Tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng tại Trung tâm QLTT. Ảnh: T.H

Vi phạm phổ biến

hảo sát thị trường trên địa bàn Thành phố Vinh có thể nhận thấy, các phố bán quần áo sầm uất trên đường Đặng Thái Thân, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong bày bán các sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như D&G, Levis, Armani… Tuy nhiên, khi nói về nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng này, chủ các cửa hàng đều thành thực trả lời đa số hàng hóa của họ được lấy từ Trung Quốc. Một số cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại Chợ Vinh và đường Phan Đình Phùng, chủng loại hàng hóa hết sức đa dạng, cao cấp có, bình dân có nhưng phần lớn sản phẩm đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Tại vỉa hè các tuyến phố: Trần Phú (bên cạnh Quảng trường Hồ Chí Minh), Lê Hồng Phong (gần Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Quang Trung (trước chung cư Dầu khí)… có rất nhiều cá nhân kinh doanh quần áo, giày dép không gắn nhãn mác, hoặc giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng của một số hãng Adidas, Nike, Puma… giá rẻ thu hút người tiêu dùng.

Tại một số huyện như: Nam Đàn, Quế Phong, Tương Dương, Anh Sơn, Tân Kỳ… bày bán rất nhiều sản phẩm xâm phạm quyền nhãn hiệu của Sunsilk, Dove, Closeup… và nhiều loại sản phẩm khác. Và gần đây Công ty kinh doanh vận tải xe buýt Đông Bắc cũng là nạn nhân của hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ các chủ xe khác khi màu sắc thương mại của các xe này giống hệt màu xe của họ, gây nhầm lẫn cho nhiều hành khách.

Sản phẩm hàng hóa bị xâm phạm thường nằm trong những lĩnh vực khó quản lý như lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng, hàng điện tử, vật liệu xây dựng, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng,… với những vi phạm chủ yếu là nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 lực lượng thực thi quyền SHCN đó là: UBND các cấp, thanh tra sở KH&CN, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Hải quan, Toà án. Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu báo cáo hàng năm của các lực lượng kiểm tra cho thấy trong 5 năm qua (2008-2013) chưa có nhiều vụ vi phạm liên quan đến SHCN được phát hiện và xử lý; một số lực lượng có trách nhiệm chưa thực sự vào cuộc trong vấn đề này. Chỉ có một số vụ việc liên quan đến vấn đề xâm phạm SHCN được phát hiện và xử lý như: xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tập thể Ngói Cừa, xâm phạm quyền SHCN Ke chống bão Định Nhàn, xâm phạm nhãn hiệu thuốc tân dược Cavinton, hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu cưa máy Husqvarna… Lực lượng quản lý thị trường chiếm ưu thế trong đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền SHCN: năm 2010 phát hiện và xử lý hơn 900 triệu đồng giá trị hàng hóa, năm 2011 là 800 triệu đồng, năm 2013 hơn 1,1 tỷ đồng.

Chủng loại sản phẩm hàng hóa xâm hại quyền SHCN tại tỉnh Nghệ An khá phong phú, nhưng nhiều nhất là hành vi xâm phạm chủ yếu với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Nghiêm trọng hơn, ngoài các cơ sở có hành vi xâm phạm do vô ý còn tồn tại rất nhiều các hành vi xâm phạm do cố ý với mục đích đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà bất chấp quyền lợi của chủ thể quyền hợp pháp, sức khỏe người tiêu dùng. Các hành vi xâm phạm này bị phát hiện và xử lý phần lớn là do chủ sở hữu quyền hoặc các đại diện hợp pháp có đơn yêu cầu xử lý mà ít có cơ quan chức năng chủ động phát hiện.

Tăng cường quản lý

Để ngăn chặn triệt để các hành vi xâm phạm quyền SHCN, người tiêu dùng có vai trò quan trọng hàng đầu bởi người tiêu dùng chính là đối tượng sử dụng, là đích đến của hàng giả, hàng nhái. Tìm hiểu tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng ở Nghệ An cho thấy, phần lớn người tiêu dùng có thói quen mua sắm đơn giản, không cần hóa đơn, tìm hiểu không nhiều về mặt hàng cần mua, đã mua (như nguồn gốc, chất lượng, nhãn hàng…). Ít khi kiểm chứng, xác thực các thông tin có trên sản phẩm; việc lựa chọn hàng hóa chủ yếu theo cảm tính, thói quen và thị hiếu đám đông. Cái mà người tiêu dùng chú trọng nhất là vấn đề giá cả. Trong khi đó, giá cả của hàng giả, hàng nhái lại rẻ từ 1/3 - 1/10 giá trị của sản phẩm thật. Kiến thức của người tiêu dùng tại Nghệ An liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHCN, cơ quan quản lý về SHCN, quyền lợi của người tiêu dùng… còn rất hạn chế. Nhận thức và hành động đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng… còn yếu. Qua điều tra đối với các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng về khái niệm quyền SHCN có đến 538/605 người (88,9%) chưa bao giờ nghe nói đến khái niệm này, những người còn lại có hiểu biết về vấn đề này chủ yếu qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo khảo sát, đại đa số người dân, thậm chí chủ các cơ sở kinh doanh không ý thức được hành vi xâm phạm quyền SHCN, từ đó dẫn đến mù mờ về các khái niệm. Người bán hàng chỉ cần biết bán được sản phẩm càng nhiều càng tốt, càng rẻ càng thu hút được nhiều khách hàng. Người tiêu dùng vừa lòng khi mua được sản phẩm rẻ và vừa mắt.

Hoạt động bảo vệ quyền SHCN đã được UBND tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo. Trong các quyết định ban hành quy định công tác quản lý nhà nước về SHCN trên địa bàn tỉnh, đã phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về SHCN trên địa bàn tỉnh thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp tăng cường xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ… Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về SHCN chính là giải pháp tăng cường thúc đẩy xác lập quyền SHCN và đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền trên địa bàn tỉnh.

Đối với các cơ sở kinh doanh, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về SHCN cho doanh nghiệp, từ đó thay đổi nhận thức của họ về vai trò của quyền SHCN đối với hoạt động quản lý kinh doanh.

Đối với người tiêu dùng, cần tuyên truyền để người dân nhận thức đúng đắn vấn đề sử dụng hàng hoá bị xâm phạm cũng như những thiệt hại đối với bản thân, gia đình và nền kinh tế. Để từ đó nói không với hàng giả, hàng nhái. Hướng dẫn người dân cách nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHCN. Có thái độ tích cực phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền.

Đối với lực lượng thực thi quyền, cần nâng cao năng lực và vật lực trong đấu tranh phòng chống hành vi xâm phạm quyền SHCN. Cần có sự phối kết hợp giữa các lực lượng để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các hành vi vi phạm quyền. Sở Khoa học và Công nghệ cần tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các đề tài, chương trình khoa học công nghệ liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp và đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này.

Mạnh Hà - Hải Yến

Mới nhất

x
Tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO