Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng
(Baonghean) - Sau khi Báo Nghệ An làm rõ các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân Tỏi Tâm Đức, mới đây, Chi cục Quản lý thị trường thông tin, trong năm 2014, Đội Quản lý thị trường số 4 đã xử lý một số vụ việc liên quan đến thực phẩm chức năng. Như vậy có thể thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng đang bị lợi dụng, cần quản lý chặt chẽ...
TIN LIÊN QUAN
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra một nhà thuốc trên địa bàn Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu). |
Những vi phạm đã bị xử lý
Vụ việc liên quan đến thực phẩm chức năng mà Đội Quản lý thị trường số 4 xử lý vừa khép lại ngày 28/12. Ông Nguyễn Tùng Sơn - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 cho biết: Ngày 18/11, đội được cơ sở báo tin, sẽ có một phương tiện vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc di chuyển từ Hà Nội vào Nam. Xác định tin báo có cơ sở, Đội 4 đã báo cáo lãnh đạo chi cục và đề nghị UBND huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp kiểm tra phương tiện vận tải này. Cùng với các chiến sỹ cảnh sát giao thông, các cán bộ Đội Quản lý thị trường số 4 đã "đón lõng" suốt đêm 18/11, đến 1h30 ngày 19/11 thì phương tiện vận tải mà cơ sở mô tả xuất hiện. Đó là xe ô tô mang biển kiểm soát 29B.11264 do lái xe Nguyễn Hoàng Anh, (sinh năm 1968, trú tại 79 Hàng Gà, P. Hàng Bồ, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển.
Qua kiểm tra phát hiện trên xe có một lô hàng lớn không có chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ; trong đó có một số mặt hàng liên quan đến thuốc tân dược, thiết bị vật tư y tế và thực phẩm chức năng (20 lọ Herbalife) trị giá khoảng 80 triệu đồng. Làm việc với lực lượng chức năng, Nguyễn Hoàng Anh khai nhận chở lô hàng này từ Hà Nội của một người không quen biết. Người giao hàng chỉ lấy số điện thoại lái xe, rồi yêu cầu chở hàng đến địa điểm cố định, sau đó sẽ có người liên lạc lại để nhận hàng, vì vậy anh ta không biết cụ thể chủ hàng thực sự là ai. Sau 7 ngày tạm giữ, Đội Quản lý thị trường số 4 đã thông báo trên các phương tiện truyền thông, yêu cầu chủ hàng đến làm việc, xử lý theo quy định nhưng chủ hàng vẫn không xuất hiện. Sau 30 ngày tạm giữ theo quy định, đội đã ra quyết định tịch thu toàn bộ lô hàng, lập hồ sơ và chuyển về Chi cục Quản lý thị trường.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 4 đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ 3 vụ việc. Vụ đầu tiên vào ngày 5/3/2014 đối với ô tô vận tải mang biển kiểm soát 43C - 03726 do lái xe Đinh Văn Cánh (sinh năm 1971, trú tại số nhà 198/50 Quang Trung, P. Thanh Bình, Q. Hải Châu, TP. Đã Nẵng) điều khiển. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe có 3 bịch chứa 30 lít dung dịch Cellpack - PK và 20 kg VitaminE Acetatf đóng trong bao thiếc. Tất cả những mặt hàng này đều có nhãn hiệu nước ngoài, lái xe chỉ có một hóa đơn giá trị gia tăng phô tô, một phiếu xuất kho không số của Công ty TNHH Công nghệ y tế Anh Kiều. Lái xe Đinh Văn Cánh, cho rằng, anh không biết chủ hàng; chỉ nhận chở thuê từ một người không quen, vào bến xe Đà Nẵng thì sẽ có người tới nhận.
Vụ tiếp theo vào ngày 9/10/2014, đối với phương tiện ô tô vận tải mang biển kiểm soát 74B - 00075 do Trần Bình Trọng (sinh năm 1975, trú tại An Hưng, Thị trấn Cam Lộ, Quảng Trị). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có rất nhiều mặt hàng có liên quan đến thực phẩm chức năng như 10 hộp All Natul, 2 hộp Trile Royal.Jelly, 40 hộp Sky rop Rrawos, 10 hộp Dta - Liqui Elcakium Vitamin, 30 lọ Juvit D3, 5 hộp Premium Omega3... Tất cả các mặt hàng này có nhãn mác thể hiện do nước ngoài sản xuất nhưng không có chứng từ, hóa đơn; lái xe không biết chủ hàng…
Theo ông Nguyễn Tùng Sơn, toàn bộ những vụ việc có liên quan đến thực phẩm chức năng bị Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra, tạm giữ sau đó đều được thông báo nhưng không có người nhận là chủ sở hữu. Vì vậy, Đội Quản lý thị trường số 4 lập hồ sơ, chuyển số hàng đã bắt giữ về Chi cục để xử lý theo quy định.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có chủ sở hữu. |
Tăng cường công tác quản lý
Xem xét những lô hàng thực phẩm chức năng hiện được Chi cục Quản lý thị trường thu giữ, dù trên bao bì có nhãn mác thể hiện do nước ngoài như Nhật, Mỹ, châu Âu sản xuất, giới thiệu công năng "rất kêu" bằng tiếng Việt nhưng rất khó để xác định chất lượng thực sự ra sao. Theo ông Nguyễn Văn Thủy - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ - xử lý, Chi cục Quản lý thị trường thì: “Nếu thực là hàng được sản xuất tại Nhật, Mỹ, hay các nước châu Âu thì không bao giờ có chất lượng bao bì, in ấn kém đến như vậy. Và với những loại hàng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không có chủ sở hữu này, Chi cục sẽ có báo cáo lên UBND tỉnh, phối hợp với các cơ quan chức năng để thành lập hội đồng tổ chức tiêu hủy”.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường cho biết, đơn vị đã cử cán bộ lên xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương để nắm bắt các thông tin liên quan đến doanh nghiệp tư nhân Tỏi Tâm Đức. Qua đó xác định, với cơ sở vật chất kém như vậy thì doanh nghiệp Tỏi Tâm Đức không thể đủ điều kiện để sản xuất thực phẩm chức năng. Cán bộ trực tiếp đi cơ sở cũng cho hay, doanh nghiệp tư nhân Tỏi Tâm Đức cũng đã tháo dỡ biển hiệu, ngừng các hoạt động sản xuất; trang web Tỏi đen Tâm Đức hiện cũng đã gỡ bỏ một số thông tin có liên quan đến quảng bá, kinh doanh tỏi đen.
Được biết mới đây, Phòng Y tế huyện Thanh Chương cũng đã có văn bản báo cáo về việc kiểm tra tại doanh nghiệp tư nhân Tỏi Tâm Đức. Theo đó, dù doanh nghiệp này có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phiếu kết quả thử nghiệm của 1 mẫu tỏi đen, giấy xác nhận có kiến thức về an toàn thực phẩm, tuy nhiên cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, làm bằng phương pháp thủ công là chính; chỉ có một tủ để ủ lên men có công suất khoảng 50 kg tỏi tươi để trong một căn nhà xây bằng gạch rộng chừng 5 - 6m2. Sau khi kiểm tra, đoàn công tác đã yêu cầu doanh nghiệp tư nhân Tỏi Tâm Đức dừng ngay việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo và thu hồi sản phẩm cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền cấp đầy đủ giấy phép theo quy định hiện hành.
Để thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém phẩm chất không len lỏi vào thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
Ngày 24/11/2014, Bộ Y tế đã có Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định về các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công bố sản phẩm, ghi nhãn và hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học, kể cả thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Thông tư số 43, Bộ Y tế đã có những quy định rất chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm chức năng. Điểm mới đáng chú ý nhất trong Thông tư 43 là tại Điều 4, quy định về báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của thực phẩm chức năng đối với nhà sản xuất. Trong đó nêu ra các tình huống bắt buộc phải thử nghiệm hiệu quả về công dụng thực phẩm chức năng. Các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, đạt chất lượng, có hiệu quả, công dụng đúng như công bố mới được cấp Giấy xác nhận công bố hợp quy và phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Sau ngày 15/1/2015, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng bắt buộc phải định lượng các hoạt chất chính trong sản phẩm. Cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm. Nếu trong quá trình thanh tra, kiểm tra (hậu kiểm), doanh nghiệp thực hiện không đúng như tự công bố trong hồ sơ thì bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền, hoặc yêu cầu thu hồi sản phẩm, thậm chí thu hồi giấy phép, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết. |
Nhật Lân - Việt Long