Tăng cường thu nợ thuế
Năm 2012, Cục Thuế Nghệ An thu hồi nợ thuế được trên 1.343 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2011 (953 tỷ đồng) góp phần hoàn thành dự toán được giao (103%), giảm 11% số nợ so với năm 2011, đưa số nợ cuối năm xuống còn 589 tỷ đồng (mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây). Tuy nhiên, bước sang năm 2013, mới 3 tháng đầu năm mà số tiền nợ thuế đã tăng đột biến (tăng 20,9%) so với cuối năm 2012. Trong lúc nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, việc thu nợ thuế càng khó khăn...
(Baonghean) - Năm 2012, Cục Thuế Nghệ An thu hồi nợ thuế được trên 1.343 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2011 (953 tỷ đồng) góp phần hoàn thành dự toán được giao (103%), giảm 11% số nợ so với năm 2011, đưa số nợ cuối năm xuống còn 589 tỷ đồng (mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây). Tuy nhiên, bước sang năm 2013, mới 3 tháng đầu năm mà số tiền nợ thuế đã tăng đột biến (tăng 20,9%) so với cuối năm 2012. Trong lúc nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, việc thu nợ thuế càng khó khăn...
Theo báo cáo, đến 31/3 tổng số nợ thuế của Nghệ An ở mức 712 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,5% số dự toán năm 2013, tỷ lệ này gần gấp 3 lần so với chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao (5%), tăng 2,5% so với năm 2012. Trong đó, khối doanh nghiệp nợ gần 685 tỷ đồng tương đương 95% tổng số nợ. Phân theo ngành thì ngành Xây dựng nợ gần 242 tỷ đồng, tương đương 34%; ngành Thương mại dịch vụ nợ trên 40 tỷ đồng, tương đương 5,6%. Tuy nhiên, được biết trong số 91% nợ có khả năng thu có nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh không dễ thu được, mặc dù cơ quan Thuế đã áp dụng các biện pháp như: tính phạt chậm nộp, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, cưỡng chế qua tài khoản tại ngân hàng...
Đơn cử như Công ty TNHH Tổng Công ty Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Lào nợ 20,1 tỷ đồng, trong đó 96,5% là nợ trên 90 ngày; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Miền Trung nợ 18,3 tỷ đồng trong đó 74,2% nợ trên 90 ngày, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 24 nợ 14,6 tỷ đồng, trong đó 67,3% nợ trên 90 ngày, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 30 nợ 13,9 tỷ đồng, trong đó nợ trên 90 ngày chiếm 77 %...
Cá biệt một số DN nợ thuế lớn, trong đó có khoản nợ từ năm 2006 đến nay như Công ty TNHH Tổng Công ty Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Lào (trên đường Nguyễn Sỹ Sách), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Miền Trung (trên đường Nguyễn Thái Học), Công ty CP Cầu đường Nghệ An (trên đường Phan Bội Châu), Công ty CP Gốm Vinh Viglacera (nay là Công ty CP gạch Nghi Hoa)... và nhiều DN có số thuế nợ không lớn nhưng vẫn cố tình chây ỳ, khi mời đến làm việc DN có cam kết thời hạn nộp nợ thuế nhưng vẫn không thực hiện. Có DN nợ thuế lớn hàng tháng vẫn nộp tờ khai thuế đều đặn nhưng không phát sinh doanh thu, chi phí và thuế, qua rà soát phát hiện DN đã ngừng kinh doanh nhưng không làm thủ tục theo quy định, không thể liên hệ được với giám đốc cho cơ quan thuế thu hồi nợ. Tình hình trên có thể thấy việc thu hồi được nợ là quá trình gian nan.
Chi cục Thuế TP Vinh cưỡng chế nợ thuế ở Công ty CP 757 phường Lê Lợi, TP. Vinh.
Song song với việc thực hiện các giải pháp khai thác nguồn thu, chống thất thu thì Cục Thuế Nghệ An đã tăng cường thực hiện các biện pháp thu hồi nợ đọng như: phối hợp giữa các đơn vị trong ngành cũng như các ngành liên quan để đôn đốc thu nợ; giao chỉ tiêu thu nợ cho từng đơn vị, cá nhân gắn với công tác thi đua hàng tháng, quý... . Riêng tại văn phòng Cục Thuế quý I/2013 đã ban hành 778 thông báo tính phạt chậm nộp số tiền 10,2 tỷ đồng, thu qua tài khoản ngân hàng 87 trường hợp số tiền gần 172 tỷ đồng, mời 21 DN đến cơ quan thuế yêu cầu cam kết nộp. Tuy vậy, cho đến nay nợ không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.
Thực tiễn quản lý cho thấy biện pháp cưỡng chế thu nợ qua tài khoản tại ngân hàng, kho bạc đã mang lại kết quả tích cực. Nhờ có Quy chế phối hợp giữa Cục Thuế, Ngân hàng và Kho bạc mà 4 tháng đầu năm Văn phòng Cục Thuế và Chi cục Thuế TP Vinh đã thu hồi trên 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu nợ thuế cần phải có sự phối hợp của các ngành như Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính, để trên cơ sở chức năng của từng ngành cùng phối hợp với cơ quan Thuế thu nợ.
Một hình thức cưỡng chế khác là kê biên tài sản để bán đấu giá thu hồi tiền thuế theo Điều 93 ,Luật Quản lý thuế. Đây là biện pháp có tính răn đe mạnh hơn, hiệu quả cao hơn, nhưng qua áp dụng vào thực tế tại TP Vinh thấy nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập như: chi phí cho các ngành tham gia trích từ tiền bán tài sản đấu giá (thực tế phải chi ngay khi cưỡng chế xong) nhưng sau đó không phải bán đấu giá tài sản do DN nộp đủ tiền thuế, vậy kinh phí lấy từ đâu? hoặc tài sản khác ở địa phương nơi cưỡng chế thì khó có sự phối hợp của các ngành khi tổ chức cưỡng chế. Chưa nói đến việc nhiều trường hợp tài sản đã thế chấp tại ngân hàng khi kê biên sẽ phát sinh tranh chấp.
Theo chỉ đạo của Cục Thuế tỉnh, dù có khó khăn phức tạp nhưng tới đây sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Theo đó, cơ quan Thuế sẽ trực tiếp kê biên tài sản bán đấu giá hoặc sẽ dùng quyền khởi kiện một số DN ra Toà án dân sự.
Dương Minh Đức (Cục Thuế Nghệ An)