Tăng cường tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi

09/02/2015 11:02

(Baonghean) - Tiết giao mùa Đông - Xuân là thời điểm mà các mầm bệnh do vi khuẩn, vi rút có điều kiện rất thuận lợi để phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ (trong đó có bệnh sởi). “Đón đầu” diễn biến tình hình dịch bệnh theo mùa đó, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch sởi trong cộng đồng.

Một trong những biện pháp nhằm chủ động tạo nền tảng miễn dịch rộng lớn trong cộng đồng (đặc biệt ở nhóm trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất từ 1- 14 tuổi), là triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella cho nhóm trẻ nói trên. Tại địa bàn TP. Vinh, với đặc thù dân cư đông, trong đó dân nhập cư chiếm con số khá lớn, nên khó kiểm soát các loại dịch bệnh. Bởi vậy, khi có chủ trương của ngành Y tế về việc triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella cho trẻ từ 1- 14 tuổi, thành phố đã huy động các hệ thống chính trị vào cuộc. Chiến dịch được chia thành 3 đợt, kéo dài từ ngày 1/11/2014 đến ngày 25/1/2015, kết quả đã có 97,5% trẻ từ 1- 14 tuổi trên địa bàn TP. Vinh được tiêm chủng sởi – rubella và đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ tại Trạm Y tế xã Chi Khê (Con Cuông).
Tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ tại Trạm Y tế xã Chi Khê (Con Cuông).

Theo thống kê, trong năm 2014, TP.Vinh ghi nhận có 241 trường hợp trẻ mắc sốt phát ban nghi sởi. Nhằm chủ động phòng, chống bệnh sởi, thời điểm này, bên cạnh triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella; thành phố đã triển khai văn bản chỉ đạo 25 trạm y tế tại các phường, xã thường xuyên tuyên truyền tại cộng đồng dân cư cách phòng bệnh cho trẻ; đồng thời, tăng cường giám sát dịch tễ để phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc, từ đó có các biện pháp xử lý kịp thời…

Trở lại “tâm” dịch sởi - huyện Tương Dương, tháng 10/2014 trên địa bàn huyện ghi nhận 48 trường hợp trẻ mắc sởi tại xã Mai Sơn, sau đó ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc tại xã Hữu Khuông. Là địa bàn dịch sởi vừa “đi qua” bởi vậy ngành Y tế huyện đặc biệt chú trọng triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella cho trẻ 1- 14 tuổi; chỉ hơn 1 tháng, chiến dịch đã hoàn thành tại 18 xã trên toàn huyện. Ở các xã, bản cách bản hàng chục km đường rừng, phải qua khe, suối nên ngành Y tế Tương Dương đã triển khai các điểm tiêm chủng ngay tại bản, để thuận lợi cho bà con đưa trẻ đi tiêm. Mỗi xã được bố trí 2-3 đoàn cán bộ y tế của huyện, phối hợp với y tế xã, thôn bản, tiến hành tiêm chủng cho trẻ. Với một số xã vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm huyện, ngành Y tế địa phương đã thành lập dây chuyền lạnh, tiếp đá lạnh kịp thời 1-2 lần trong mỗi đợt tiêm để đảm bảo việc bảo quản vắc-xin phục vụ cho công tác tiêm chủng. Trong chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella tháng 11/2014 vừa qua, trên địa bàn huyện Tương Dương đã có hơn 17 nghìn trẻ được tiêm chủng, đạt tỷ lệ 96,5%, chỉ còn lại một số trẻ không tiêm do nằm trong trường hợp chống chỉ định tiêm chủng. Theo ông Phạm Quốc Dương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương, ngoài ra, để chủ động phòng chống dịch sởi mùa Đông - Xuân, hiện tại địa phương đang triển khai tiêm vét mũi sởi cho số trẻ chưa đủ tháng để tiêm (dưới 1 tuổi) và tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi; đồng thời tăng cường tuyên truyền thông qua các băng rôn, áp phích tại nhà cộng đồng, trạm y tế các xã và đội ngũ y tế thôn bản tuyên truyền trực tiếp tới tận người dân về phương pháp vệ sinh phòng bệnh cho trẻ … Bên cạnh đó tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, thông tin hai chiều về tình hình dịch bệnh giữa đội ngũ y tế thôn bản, trạm y tế xã lên tuyến huyện định kỳ hàng tháng.

Việc tiêm đầy đủ vắc-xin sởi - rubella có thể giúp trẻ đáp ứng miễn dịch với bệnh đạt hiệu quả bảo vệ tới 95% và kéo dài suốt cuộc đời. Ông Trần Nguyên Truyền - Phó phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh có 19/21 huyện, thành, thị hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella cho trẻ từ 1- 14 tuổi. Tính chung toàn tỉnh có 95,6% trẻ được tiêm phòng mũi sởi – rubella. Trong đó hầu hết các huyện đều đạt tỷ lệ cao, từ 96% trở lên, chỉ còn lại 2 huyện Nam Đàn và Tân Kỳ đang tiến hành tiêm đợt cuối cùng, khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp đầy đủ vắc-xin thì các địa phương này sẽ hoàn thành; dự kiến đến ngày 15/2 tới sẽ kết thúc chiến dịch. Như vậy, sẽ có khoảng trên 760 nghìn trẻ sẽ được tiêm vắc-xin sởi – rubella trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Mặc dù từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chưa ghi nhận trường hợp nào mắc sởi. Nhưng trước đó, trong năm 2014 Nghệ An đã ghi nhận 844 trường hợp trẻ mắc sốt phát ban nghi sởi, rải rác ở một số địa phương như: Thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Yên Thành, Tương Dương … Mùa Đông - Xuân, với đặc điểm nhiệt độ thấp, ẩm kéo dài, là điều kiện phát sinh các loại dịch bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ, trong đó có bệnh sởi. Để chủ động phòng, chống bệnh sởi, song song với việc triển khai chiến dịch tiêm phòng vắc-xin sởi – rubella cho trẻ 1 -14 tuổi trên toàn tỉnh, Sở Y tế đã có Công văn 245/SYT-NVY ngày 2/2/2015 chỉ đạo các địa phương tập trung vào các nội dung: rà soát trang thiết bị, vật tư, hoá chất, thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và tại các cơ sở khám, chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi, kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân, triển khai xử lý ổ dịch triệt để, hạn chế mức thấp nhất số mắc và tử vong. Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế các huyện, thành, thị chỉ đạo việc thực hiện tiêm vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng, đảm bảo tất cả trẻ em đều được tiêm ngay vắc-xin sởi khi đủ 9 tháng tuổi, tránh tình trạng bị mắc sởi do tiêm muộn, đồng thời tiếp tục tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ em từ 1 - 14 tuổi đạt tỷ lệ trên 95%; thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét vắc-xin sởi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc tập trung tự nguyện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp trong đó có bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm vắc-xin sởi, chú ý việc tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng để người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Bệnh sởi lây qua việc tiếp xúc qua không khí hoặc trực tiếp với các dịch tiết mũi, họng của người mắc bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc-xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi. Để phòng chống bệnh sởi, các bâc phụ huynh cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc-xin sởi - rubella đầy đủ và đúng lịch; không trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; đảm bảo vệ sinh cho trẻ như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; chú ý tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo: Sởi là bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bởi vậy, tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phụ huynh phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời; không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Đinh Nguyệt

Mới nhất
x
Tăng cường tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO