Tăng cường xử lý xe quá khổ, quá tải
(Baonghean) - Từ ngày 4/9 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các loại xe quá khổ, quá tải nhằm lập lại kỷ cương an toàn giao thông.
Tuyến QL 7 dài trên 250 km từ huyện Diễn Châu lên Kỳ Sơn có Cửa khẩu Nậm Cắn và Cửa khẩu Tam Hợp, lưu lượng gỗ từ nước Lào chở qua các cửa khẩu này là rất lớn. Con đường lên Cửa khẩu Tam Hợp được Nhà nước đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhưng hàng trăm chuyến xe chở gỗ “cày xới” khiến tuyến đường này hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, đoạn từ Nậm Cắn đến huyện Anh Sơn đã được đầu tư nâng cấp gần 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên xe chở gỗ quá tải, xe chở vật liệu xây dựng lên phục vụ cho các dự án Thủy điện Khe Bố, Thủy điện Nậm Mô, Thủy điện Nậm Nơn đã làm lún sụt và xuống cấp các cầu cống trên tuyến.
Anh Nguyễn Đức Vinh - Đội phó Đội KSGT 1-7 cho biết: Các loại xe chở gỗ từ Lào về chủ yếu chạy vào thời điểm từ 2-3 giờ sáng, đi theo đường Hồ Chí Minh hoặc QL 7. Đội đã bố trí lực lượng bám các điểm chốt yêu cầu đưa xe về tại trụ sở đơn vị để hạ tải. Đến thời điểm này, Đội đã xử lý trên 100 xe ô tô quá khổ quá tải, trong đó có 90 trường hợp xe quá tải, trên 10 xe quá khổ.
Hạ tải xi măng ở Đội cảnh sát giao thông 1-5
Được biết, trước sự quyết liệt của lực lượng công an, nhiều xe chở gỗ đã tạm nghỉ, tuy nhiên một số xe chở vật liệu xây dựng, các thiết bị máy móc phục vụ cho các công trình thủy điện hầu hết đang vi phạm lỗi quá tải. Đội KSGT 1-7 đang tích cực kiểm tra và kiên quyết xử lý bắt hạ tải mới cho lưu thông.
Trên tuyến QL 1A, lưu lượng xe “siêu trường”, “siêu trọng” lâu nay khá nhiều, đã làm cho nhiều đoạn bị lún sụt thảm hại. Như đoạn từ Cầu Cấm (Nghi Lộc) đến xã Diễn An (Diễn Châu), cả tuyến đường lồi lõm “lượn sóng”, không ít xe ô tô lao trúng ổ trâu, ổ voi này bị tai nạn. Có mặt tại trụ sở của Đội cảnh sát giao thông 1-5, chúng tôi thấy chen chúc nhau là các loại xe đang chờ hạ tải. Đến thời điểm này, Đội đã xử lý 305 xe vi phạm quá tải, buộc hạ tải 110 xe, nạp ngân sách Nhà nước trên 700 triệu đồng. Tuy nhiên, một số lái xe tải sau khi yêu cầu đưa xe về trụ sở thì bỏ đi, để xe ven đường không hợp tác với lực lượng công an.
Thượng tá Cao Minh Phượng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh cho biết thêm: Xử lý xe quá khổ, quá tải, lực lượng cảnh sát giao thông phải chịu không ít áp lực, bởi sự phản ứng, kêu ca của các doanh nghiệp vận tải, thậm chí có những lái xe chưa chịu hợp tác để hạ tải. Chưa kể là các đội chưa có bến, hoặc bến quá chật chội để tạm giữ xe quá khổ quá tải; chưa được trang bị trạm cân hoặc cân xách điện tử để xác định khối lượng phương tiện vận chuyển; lực lượng còn mỏng. Nhiều xe quá tải đã chạy đêm, tạm lánh vào các đường dân sinh để chờ cơ hội “thoát” nên khó xử lý, phát hiện.
Bên cạnh đó, hiện nay, mức xử phạt xe quá khổ, quá tải theo Nghị định 34/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn thấp nên chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, như xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có báo hiệu kích thước của hàng theo quy định xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng, vì vậy mà các chủ phương tiện chấp nhận nộp phạt nhanh để tiếp tục chở hàng.
Trước thực trạng trên, để xử lý tận gốc xe quá khổ, quá tải, ngoài việc tuần tra kiểm soát, xử lý của lực lượng công an, ngành Giao thông Vận tải cần phải xây dựng thêm các trạm cân, bến bãi ở các địa điểm để hạ tải; tăng cường công tác tuyên truyền đối với các chủ phương tiện, kiểm tra phương tiện ngay từ khi vào địa bàn. Ngoài lực lượng mũi nhọn là công an thì rất cần sự phối hợp đồng bộ với các địa phương và các ngành chức năng liên quan trong kiểm tra, xử lý.
Văn Trường