Tăng định biên, giảm giờ làm cho giáo viên mầm non: Bài toán khó?

07/01/2013 17:34

(Baonghean) Tại cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh với cử tri thời gian gần đây, vấn đề được cử tri quan tâm, đề cập là việc thực hiện định biên, giảm giờ làm cho giáo viên mầm non còn những bất cập.

Phần lớn giáo viên mầm non làm việc căng thẳng về giờ giấc, bình quân trên 10h mỗi ngày, bắt đầu từ 6h30 phút sáng đến 17h chiều, chưa kể, phụ huynh đón muộn, giáo viên cũng phải ở lại trông trẻ. Bên cạnh áp lực về thời gian, giáo viên mầm non còn chịu áp lực về khối lượng công việc. Có lớp hiện nay số trẻ lên đến trên 40 cháu, với 100% bán trú nhưng chỉ có 1,5 giáo viên đứng lớp.



Giờ học vẽ của các cháu mầm non Hưng Dũng 2. Ảnh: Huy Đức.

Đối với bậc mầm non không chỉ có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mà theo chương trình giáo dục mới phải tìm tòi các tài liệu liên quan, làm đồ dùng giảng dạy, nhất là giáo viên phụ trách nhóm trẻ 5 tuổi đòi hỏi phải tổ chức nhiều hoạt động, làm sổ sách phổ cập. Mặc dù Nhà nước đã có quy định về định mức biên chế, 1 giáo viên/1 lớp trẻ từ 20 – 25 cháu không bán trú; 2 giáo viên/1 lớp trẻ từ 25 – 30 cháu bán trú 100%; nếu mỗi lớp mẫu giáo tăng thêm 10 cháu thì được bố trí thêm 1 giáo viên (theo Thông tư liên tịch số 71/2007 của Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Nội vụ); quy định giờ làm cho giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập là 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần (theo Thông tư 48/2011/TT –BGDĐT), song thực tế các trường mầm non trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được.

Cử tri Nguyễn Thị Liễu, giáo viên nhóm 5 tuổi, Trường Mầm non Diễn Hoàng (Diễn Châu), phản ánh: “Hiện tại số giáo viên đứng lớp ở trường tôi chưa đủ định biên theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Nếu có giáo viên ốm đau hay nghỉ thai sản là không có người dạy thay, hoặc có nghỉ cũng phải nghỉ không lương để dành nguồn trả cho người hợp đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên”. Cô Liễu cũng đưa ra so sánh, giáo viên các bậc học khác được nghỉ một số tiết dạy trong tuần, còn mầm non thì đi suốt từ đầu tuần đến cuối tuần, trực trưa không được hưởng một chế độ nào cả. Công việc nhiều, thiếu giáo viên so với quy định, dẫn đến áp lực về giờ làm là tình trạng chung của các giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Trường Mầm non Diễn Hoàng (Diễn Châu) có quy mô 9 nhóm trẻ với 290 cháu, trong đó giáo viên trực tiếp đứng lớp gồm 17 người, bình quân 1,5 cô giáo/lớp. Hiệu trưởng Trần Thị Luyên cho biết: Số trẻ đông, bán trú 100%, biết giáo viên quá tải về công việc và giờ làm nhưng nhà trường cũng không biết làm thế nào. Hiện tại nhà trường chỉ mới hợp đồng 4 cô nuôi, 2 giáo viên, 1 bảo vệ, mỗi tháng nhà trường đã phải bỏ ra 10 triệu đồng để trả lương cho 7 hợp đồng này, khiến nguồn của trường cũng đã “âm” nhiều rồi. Cô Luyên kiến nghị tỉnh cần tăng thêm định biên cho các trường mầm non đủ theo quy định của Trung ương nhằm giảm bớt áp lực cho giáo viên; đồng thời có định biên cô nuôi cho các trường mầm non.

Để chăm lo cho đội ngũ giáo viên mầm non, tỉnh đã tiến hành chuyển đổi 353 trường mầm non bán công sang công lập và tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, xóa phòng học tạm, phòng học mượn, xuống cấp, xây dựng phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ... Chỉ tính riêng năm 2012, bậc học này đã ưu tiên ngân sách đầu tư 101 tỷ đồng để xây dựng 5 trường mầm non; xóa 107 phòng học tạm mượn, xuống cấp… Về chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên, từ chỗ không có biên chế nào trong Nhà nước đến nay đã có 5.684 cán bộ, giáo viên mầm non vào biên chế được hưởng chế độ tiền lương theo thang bảng lương, ngạch bậc quy định của Nhà nước, các khoản phụ cấp lương theo quy định, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Có thể nói rằng, mặc dù đã có những nỗ lực, cố gắng nhưng so khối lượng công việc, thời gian của đội ngũ giáo viên mầm non với quy định thì vẫn còn nhiều bất cập. Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo, đại biểu HĐND tỉnh, cho rằng: Về quy định 6 giờ làm việc/ngày của giáo viên mầm non, chính sách đưa ra là như vậy nhưng chưa thực hiện được. Giải pháp để giải quyết căn bản vấn đề giờ làm cho giáo viên là tăng cường các dịch vụ hỗ trợ ngoài giờ nhằm huy động xã hội hóa và trách nhiệm của phụ huynh, đảm bảo chế độ làm việc, thực hiện các dịch vụ ngoài giờ mà giáo viên mầm non thực hiện cho con em mình. Vừa qua, Sở GD-ĐT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai mô hình trường mầm non chất lượng cao cũng là với mục đích đưa các dịch vụ ngoài giờ vào, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đáp ứng nhu cầu thực tế của phụ huynh, đồng thời tháo gỡ các khó khăn đang đặt ra như cử tri đã phản ánh.

Rõ ràng, từ phía phụ huynh, đó là muốn nhà trường đón nhận trẻ sớm, cho trẻ ăn sáng, chăm sóc và cho trẻ nghỉ trưa tại trường... để thuận lợi trong công việc của mình. Vấn đề là cần phải nghiên cứu cách áp dụng như thế nào vừa đảm bảo chế độ cho giáo viên, vừa tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, để hệ thống giáo dục mầm non Nghệ An ngày càng phát triển !


Mai Hoa

Mới nhất
x
Tăng định biên, giảm giờ làm cho giáo viên mầm non: Bài toán khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO