Tăng giá điện: Kịch bản dựng sẵn?

07/08/2013 09:49

(Baonghean) - Mặc dù công bố với báo chí, năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãi 3.500- 4.000 tỷ đồng, nhưng EVN vẫn không ngần ngại giáng thêm một cú “đánh” vào người tiêu dùng và các doanh nghiệp khi từ 1/8/2013, giá điện lại tăng tiếp 5%. Và nhìn lại thấy việc tăng giá điện cứ “đều đặn” diễn ra...



Dây chuyền may tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên.

Theo báo cáo sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà chúng tôi có được, năm 2012, toàn Tập đoàn đã sản xuất được 117 tỷ kWh điện, trong đó sự đóng góp của thủy điện là 53 tỷ kWh, vượt 5,5 tỷ kWh, nhiệt điện than 22 tỷ kWh, tua bin khí 40,2 tỷ kWh, nhiệt điện dầu là 0,159 tỷ kWh, nhập khẩu 2,3 tỷ kWh. Năm 2012, Tập đoàn đã giảm sản lượng điện phát bằng dầu được 125 triệu kWh so với kế hoạch.

Trong cơ cấu về sản xuất điện của toàn quốc: sản lượng thủy điện chiếm khoảng 40%, nhiệt điện tua bin khí 33%, nhiệt điện than 22%, còn lại nhiệt điện dầu và điện nhập khẩu. Với cơ cấu đó, nhiệt điện than chiếm không nhiều, vì vậy ngành điện lấy lý do than tăng giá để tăng giá điện là không thỏa đáng.

Cũng trong năm 2012, Tập đoàn này đã giảm được tổn thất điện năng đạt 9%, thực hiện tiết kiệm đạt 1,67 tỷ kWh, bằng 1,5% tổng điện năng thương phẩm. Giá bán điện bình quân năm 2012 đạt 1.361 đồng/ kWh, doanh thu bán điện đạt 143.419 tỷ đồng. Công bố với báo chí, năm 2012, Tập đoàn lãi 3.500- 4.000 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân thắng lợi của Tập đoàn là nhờ thủy điện, trong đó Thủy điện Sơn La, vận hành từ cuối năm 2012, công suất 2.400 MW, nhà máy này đã cung cấp cho thị trường 8 tỷ kWh điện trong năm 2012.

Báo cáo của EVN trong năm 2012 khẳng định: Trong điều kiện khó khăn của đất nước, Tập đoàn đã đảm bảo được việc làm, tăng thu nhập và các quyền lợi cho CBCNV trong toàn Tập đoàn.

Còn theo Thông cáo báo chí của EVN về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm ngày 1/7/2013 vừa qua cho biết: Sản lượng toàn hệ thống trong 6 tháng đạt 64,121 tỷ kWh điện, tăng 10,48% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó điện thương phẩm trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 55,67 tỷ kWh, tăng 10,13% so với cùng kỳ năm 2012. Trong điện thương phẩm: điện cho các ngành kinh tế chiếm 58,2%, điện cho quản lý và tiêu dùng dân cư chiếm 36,6% . 6 tháng đầu năm Tập đoàn cân bằng được tài chính.

Với những con số ấn tượng đó: Người tiêu dùng và các doanh nghiệp dùng điện những tưởng được sử dụng giá điện rẻ hơn do Tập đoàn đã có lợi nhuận năm 2012 hay chí ít cũng không tăng giá điện, do mới tăng giá điện từ tháng 7/2012. Vậy mà, trong khi kinh tế vẫn đang hết sức khó khăn, danh sách số doanh nghiệp “ngắc ngoải” ngày một dài thêm, EVN lại thêm một cú đánh vào “đầu” doanh nghiệp và người tiêu dùng khi từ ngày 1/8/2013, giá điện lại tăng 71,85 đồng/kWh, lên 1.508,85 đồng/kWh (chưa thuế VAT); (giá trước đó 1.437 đồng/ kWh).

Nguyên nhân được Tập đoàn đưa ra: để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Giá than từ ngày 20/4/ 2013 đã tăng 37-41% tùy loại. Đồng thời bù đắp khoảng 1,34 tỷ kWh điện từ thủy điện do mực nước tích được ở các hồ thủy điện cuối năm 2012 thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường, tình hình khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên có khả năng trầm trọng trong năm 2013. Ngoài ra là khả năng thiếu khí cho phát điện ở miền Nam vào tháng 7 và tháng 9; dự kiến sẽ phải huy động 1,8-2,4 tỷ kWh chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam ….

Phân tích các con số mà EVN đưa ra cho thấy: Đối với mức sản lượng thiếu hụt 1,34 tỷ kWh điện do mực nước thấp ở các hồ thủy điện tích thiếu cuối năm 2012 thì EVN trong 6 tháng đầu năm 2013 đã tiết kiệm được 1,16 tỷ kWh điện nên khoản thiếu hụt này có thể nói chỉ còn 0,18 tỷ kWh.

Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo của EVN, “năm 2013, hệ thống điện sẽ được bổ sung thêm khoảng 3.000 MW so với năm 2012 từ các dự án mới”, (tương đương khoảng 10 tỷ kWh điện). Bởi riêng Thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW đã sản xuất được mỗi năm khoảng 10 tỷ kWh điện), trong đó EVN sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành 6 tổ máy với tổng công suất 1.440 MW, gồm: tổ máy 1,2 Nhiệt điện Nghi Sơn, 2 tổ máy thủy điện Bản Chát, nhiệt điện Quảng Ninh 2 công suất 600 MW, Thủy điện Hủa Na 180 MW … Bên cạnh đó là “nhiều công trình lưới truyền tải và phân phối điện được đưa vào vận hành, trong đó có các dự án tăng cường truyền tải Bắc Nam và chống quá tải một số khu vực trọng điểm”.

Sản lượng điện bổ sung 3.000 MW trong năm 2013 nếu theo đúng báo cáo của EVN, chắc chắn thừa bù đắp khoản huy động 1,8-2,4 tỷ kWh chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam do thiếu khí nói trên cùng với các lý do hạn hán khác…

Với giá than tăng thêm từ 15/9/2012 đã được EVN “đáp lời” bằng việc tăng giá điện vào thời điểm 22/12/2012 lên 5% . Và từ 20/4/2013, giá than lại tăng “dẫn lối” cho giá điện “leo thang”. Cứ đà này, than, điện rủ nhau tăng “dài dài” chứ không thấy “đi xuống” dù mang tiếng “ theo giá thị trường”. Đây là hai mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và đời sống nên việc tăng giá hai mặt hàng này ảnh hưởng nặng nề, sâu sắc đến kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp chưa hồi phục, đầu ra thị trường nhiều hàng hóa vẫn bế tắc. Doanh nghiệp nào cũng phải sử dụng điện. Than, điện rồi xăng… tăng giá, nhiều doanh nghiệp sẽ chỉ có nước “đóng cửa” là an toàn nhất.

Theo ông Đinh Quang Trí - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Tăng giá điện, EVN dự kiến thu thêm được 3.500 tỷ đến 3.600 tỷ đồng, trong khi đó chi phí than tăng phải chi thêm 5.000 tỷ đồng. Phần tăng thêm của giá điện không đủ bù lỗ do giá than và khí tăng. Nhưng chúng tôi phải điều hành giảm chi phí sản xuất, làm sao có khoản lợi nhuận bù cho chi phí than và khí tăng, đảm bảo năm 2013 không bị lỗ.

Tuy nhiên, trả lời trên truyền hình vào tối 1/8/2013, ông Đặng Huy Cường- Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực - Bộ Công thương cho biết: Do EVN đang nợ 3000 tỷ đồng của Tổng Công ty khí quốc gia, do chưa thu xếp được nguồn để trả nợ nên EVN buộc phải tăng giá điện! Rõ ràng, Bộ Công thương là cơ quan quản lý EVN, sẽ không thể hiểu sai bản chất vấn đề. Chỉ có điều người dân và doanh nghiệp không thể hiểu được là tại sao họ lại phải là người “trả nợ” vì những yếu kém trong quản lý để dẫn đến thua lỗ của EVN. Những gì EVN gây nên thì họ phải tự gánh chịu chứ không thể “bắt” các “thượng đế” phải trả tiền vì sự yếu kém của nhà cung cấp dịch vụ. Đó là điều cực kỳ phi lý. Việc tăng giá điện ngày 1/8 vừa qua của EVN cũng hết sức đột ngột, chưa “ trưng cầu ý dân” , khiến dư luận, doanh nghiệp bức xúc. Người dân và doanh nghiệp buộc phải chấp nhận dùng điện, chứ chẳng lẽ lại quay về thời nguyên thủy chịu cảnh tối tăm hay thắp đèn dầu như thời chiến tranh?.

Nhìn lại thấy rằng, đã 4 lần EVN tăng giá điện “một cách đều đặn”. Đó là ngày 20/12/2011, 1/7/2012, 22/12/2012 và mới nhất là ngày 1/8/2013. Đó thực sự là một “ kịch bản” đã dựng sẵn, chứ không phải lý do than, khí tăng giá.

------------------------------------------------------------------------------------
(Nguồn tham khảo: Báo cáo kết quả thực hiện KH năm 2012, mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 của EVN; Thông cáo báo chí của EVN về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013; Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ (tháng 7/2011).

Châu Lan

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Tăng giá điện: Kịch bản dựng sẵn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO