Tăng giải pháp, nâng hiệu quả phòng ngừa tham nhũng

KL 25/11/2022 08:56

(Baonghean.vn) - Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, giai đoạn 2012-2022, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh từng bước được thực hiện toàn diện, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Với phương châm “phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện xử lý là quan trọng, cấp bách”, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan hành chính Nhà nước đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Trong đó, chú trọng công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị theo các quy định pháp luật; xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt…

Toàn cảnh họp phiên thứ nhất của Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Ảnh tư liệu: Thành Duy

UBND tỉnh và các đơn vị cũng thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, thanh tra công vụ, qua đó, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trên toàn tỉnh. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Qua thống kê, cơ quan điều tra 2 cấp đã thụ lý, điều tra 78 vụ/197 bị can; Viện Kiểm sát 2 cấp thụ lý giải quyết 59 vụ/166 bị can; truy tố, chuyển Tòa án nhân dân các cấp thụ lý xét xử sơ thẩm 59 vụ/166 bị cáo.

UBND tỉnh và ngành chức năng đồng thời quan tâm, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCTN; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2021, đã xử lý trách nhiệm 9 người đứng đầu tại 3 cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách (Trạm Y tế xã Diễn Kỷ; UBND xã Phúc Thành (Yên Thành); Trường THCS Nghi Vạn (Nghi Lộc); đồng thời, xử lý trách nhiệm 14 người đứng đầu tại 8 cơ quan, đơn vị khi để xảy ra các sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai. Qua công tác điều tra đã khởi tố 51 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính Nhà nước về tội danh tham nhũng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ. Ảnh tư liệu: Đức Vũ

Trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó, có Văn bản số 1846/UBND-TD ngày 23/3/2022 về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, tồn đọng bức xúc trong nhân dân; Văn bản số 1890/UBND-NC ngày 23/3/2022 tăng cường triển khai Kế hoạch số 800/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 60-KH/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế liên quan đến cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Kiểm tra việc niêm yết thủ tục hành chính tại xã Mường Lống ( Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Trong năm, ngành chức năng đã tích cực xác minh và khởi tố nhiều vụ việc tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị đã tăng cường việc giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ tại đơn vị mình. Chuyển biến thấy rõ là qua công tác tự kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Ví như qua công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm xảy ra ở xã Đại Đồng (Thanh Chương), cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với công chức địa chính - nông nghiệp; khiển trách đối với Phó Chủ tịch UBND xã này. Đồng thời, Công an huyện Thanh Chương ban hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng là công chức địa chính - nông nghiệp UBND xã Đại Đồng và thôn trưởng thôn Vinh Ân, xã Đại Đồng.

Đặc biệt, dấu mốc quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Nghệ An năm 2022 là vào ngày 30/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã có Quyết định số 1150 thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gồm 15 thành viên, do đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo. Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo diễn ra vào ngày 5/7/2022, đồng chí Thái Thanh Quý đã yêu cầu cơ quan thường trực nghiên cứu, tham mưu đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, trách nhiệm vào cuộc của cấp ủy các cấp; đồng thời nhấn mạnh, các thành viên của Ban Chỉ đạo cần phải dày công, dành thêm nhiều thời gian, công sức để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tăng cường phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 8988/UBND-TD ngày 14/11/2022 về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. Trong đó, UBND tỉnh giao cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân.

Cùng với đó, đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công bố các thủ tục đối với bị can Nguyễn Văn Hiếu - nguyên Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh tư liệu: Trần Trần

Rà soát, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là pháp luật liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, xây dựng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... và trên các lĩnh vực mà các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã kiến nghị, đề xuất; kịp thời khắc phục ngay những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tang vật chuyên án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra ở thị xã Thái Hoà mà cơ quan công an thu giữ. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ xử , giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Rà soát, lựa chọn, phân công cán bộ có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất của UBND tỉnh.

Đoàn công tác HĐND tỉnh giám sát chuyên đề công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là cơ quan Thanh tra Nhà nước, cơ quan điều tra, thi hành án ở các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa xử lý kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật đoàn thể và xử lý hình sự, nhất là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tăng cường phối hợp với Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp các cấp, cơ quan truyền thông báo chí và đề cao vai trò giám sát của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài Nhà nước.

“Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã bám sát các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để bổ sung các nhiệm vụ cụ thể về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kế hoạch công tác hằng năm vàtriển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ, nghiêm túc theo đúng nội dung, nhiệm vụ được giao”, UBND tỉnh nhấn mạnh trong Văn bản số 8988.

Mới nhất

x
Tăng giải pháp, nâng hiệu quả phòng ngừa tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO