Tăng sức cạnh tranh cho nông sản
(Baonghean) - Trong lần thăm và làm việc mới đây tại Nghệ An, nguyên Trưởng đại diện Jica Nhật Bản tại Việt Nam cung cấp một thông tin khiến nhiều người ngạc nhiên và khâm phục, đó là giá 1 kg cam ngon sản xuất tại Nhật Bản đưa sang bán tại Việt Nam là khoảng 20.000 VNĐ, không kể vụ chính hay trái vụ; tương tự, một chai nước cam ép đến từ Nhật (qua chế biến) nếu được bán tại Việt Nam thì giá vẫn không quá đắt.
Nước Nhật được đánh giá là thị trường khó tính, thu nhập, đời sống người dân khá cao, quỹ đất hạn hẹp nhưng với nền sản xuất nông nghiệp công nghệ tiên tiến đã cho ra đời sản phẩm ngon, chất lượng và rẻ nên sức cạnh tranh rất cao. Thế nhưng, tại Việt Nam hay Nghệ An nói riêng, với tiềm năng lớn về đất đai, công lao động rẻ nhưng giá thành các nông sản quá đắt so với đời sống, thu nhập của người dân hiện nay.
Mỗi kg cam hiện nay, nếu là cam có nguồn gốc gen từ Xã Đoài (Nghi Lộc) hay cam V2 Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp), cam Yên Khê (Con Cuông)… có giá phổ biến khoảng 50 - 60 nghìn đồng/kg; nếu cam trái vụ (thu hoạch vào sát Tết Nguyên đán) thì mức giá còn cao hơn, 80 - 90 nghìn đồng/kg, thậm chí như cam Xã Đoài có giá 70 nghìn đồng/quả mua tại vườn mà không có để mua. Tương tự, giá một số loại cây trái thế mạnh khác như bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), Năm Roi (miền Nam) giá mỗi quả từ 100 - 150 ngàn đồng… Rõ ràng, với mức giá như trên thì không chỉ làm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam ra thế giới đánh mất lợi thế, mà còn quá cao so với thu nhập của người dân. Theo các bà nội trợ cho biết: Các năm trước, để chuẩn bị mâm ngũ quả ngày Tết thì chỉ vài, ba trăm nghìn đồng, nay tăng gấp 2 - 3 lần (khoảng 700 nghìn đến 1 triệu đồng) là quá cao.
Không chỉ sản phẩm cây trái mà một số loại thực phẩm khác như trứng vịt, trứng gà, thịt gia súc ở ta cũng không hề rẻ. Hiện nay, nếu trứng gà, vịt giống thuần không ăn thức ăn có chất tăng trọng thường đắt gấp rưỡi đến gấp đôi trứng gà công nghiệp. Mặt khác, do trứng gà, vịt và một số loại cá của chúng ta giá quá cao, nên có thời gian mỗi khi trứng, cá được nhập từ nước ngoài về, giá rẻ, nên bị người tiêu dùng nghi ngờ là trứng, cá giả hoặc không đảm bảo chất lượng (dĩ nhiên là cũng có trường hợp hàng giả; nhưng về thực chất trứng gia cầm, cá của nước ngoài xuất bán rẻ là do năng suất cao và chi phí đầu vào thấp).
Từ thực tế trên, nhận thấy rằng, nông sản của chúng ta khó tiêu thụ và sức cạnh tranh thấp một phần là do giá quá đắt chủ yếu do chi phí đầu vào cho sản xuất quá cao và chăn nuôi quy mô nhỏ, manh mún, năng suất thấp. Nuôi tôm, gia cầm theo hướng công nghiệp thì có lãi, nhưng chi phí thức ăn quá lớn khiến người nuôi chịu nhiều áp lực và luôn muốn bán với giá cao để thu hồi vốn. Đối với các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt nhỏ thường là vậy, nhưng có những vùng sản xuất nông phẩm lớn sau giai đoạn thiết kế cơ bản, thu hồi vốn đầu tư tương đối, thay vì có lộ trình giảm giá để tăng tính cạnh tranh và động viên sức mua trên thị trường nội địa, thì các nhà sản xuất lại chỉ nghĩ đến chuyện tăng dần để thêm lãi chứ không giảm giá. Dễ thấy nhất là sản phẩm cam và bưởi; ví dụ một số vùng trồng cam ở tỉnh ta mấy năm trước khi diện tích còn nhỏ, sản phẩm chưa được nhiều người biết đến thì giá chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg, nay quy mô lớn hơn, có vùng lãi mỗi năm hàng tỷ đồng/ha, thay vì giảm giá, thì năm sau tăng hơn năm trước từ 30 - 50%, khiến người dân dù muốn cũng không đủ tiền để ăn.
Thiết nghĩ, để nông sản chúng ta tăng sức cạnh tranh, một mặt các nhà sản xuất cần có phương án nâng cao năng lực, tiết kiệm, giảm các chi phí đầu vào; mặt khác, phải xây dựng phân khúc tiêu thụ sản phẩm phù hợp với thu nhập thực tế của người dân; có lộ trình giảm giá để kích thích tiêu dùng của người dân đối với sản phẩm; không nên vì lợi nhuận mà đưa ra giá bán quá cao khiến nông phẩm ra thị trường lớn khó khăn mà còn không khai thác được sức mua thị trường trong nước.
Phương Hà