Tăng viện phí - hướng tới chi phí thực
Theo dự kiến, từ 1/10 này, Nghệ An sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới trong các cơ sở y tế. Theo đó, mức tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh ở tỉnh ta tăng trung bình ở tất cả các danh mục là 73% so với mức tối đa được đề nghị, trong đó nhóm xét nghiệm tăng cao nhất (gần 80%). Về phía ngành Y tế khẳng định: Việc tăng là cần thiết và sẽ “đôi bên cùng có lợi”, điều quan trọng nhất là viện phí mới sẽ hướng tới chi phí thực.Người dân lo!
(Baonghean) Theo dự kiến, từ 1/10 này, Nghệ An sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới trong các cơ sở y tế. Theo đó, mức tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh ở tỉnh ta tăng trung bình ở tất cả các danh mục là 73% so với mức tối đa được đề nghị, trong đó nhóm xét nghiệm tăng cao nhất (gần 80%). Về phía ngành Y tế khẳng định: Việc tăng là cần thiết và sẽ “đôi bên cùng có lợi”, điều quan trọng nhất là viện phí mới sẽ hướng tới chi phí thực.
Người dân lo!
Trước dự kiến tăng giá viện phí lần này, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người không có thẻ bảo hiểm y tế. Vì thế, cách lựa chọn của ông Thái Văn Thuận (Đô Lương) sau khi được Bệnh viện K (Hà Nội) kết luận bị ung thư vòm họng và phải phẫu thuật là... hoãn phẫu thuật để chờ làm thẻ. Ông cho biết: “Vẫn biết mổ sớm ngày nào hay ngày đó, hơn nữa ra đây cũng “sắp hàng” mãi mới đến lượt được mổ. Tôi cứ chờ làm thẻ xong rồi mới ra mổ”.
Nỗi lo của ông Thuận cũng là nỗi lo chung của 30% người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế ở tỉnh ta.
Vấn đề nữa mà nhiều người dân băn khoăn là chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế sau khi giá viện phí mới được áp dụng. Chị Nguyễn Thị Như, một bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết, chị cũng như các bệnh nhân khác đều phải chịu cảnh nằm đôi, nằm ba 1 giường ngoài hành lang, thậm chí còn tràn cả xuống sân, vườn của bệnh viện vì cơ sở vật chất của bệnh viện này không đáp ứng nổi nhu cầu của đông đảo bệnh nhân. “Không biết việc tăng viện phí có cải thiện được việc nằm đôi nằm ba ngoài trời như hiện nay không? Thật vô lý nếu chúng tôi trả viện phí cho giường nằm trong phòng 1 người bằng với giá 3 người ngoài trời như thế này”.
Anh Phan Văn Thụ (T.P Vinh) đưa vợ đi sinh tại Bệnh viện tỉnh cũng chia sẻ: Vợ tôi có biểu hiện đau đẻ đã 2 ngày nhưng sau khi khám bác sỹ nói “chưa sinh ngay được đâu”. Vì bệnh nhân trong khoa quá đông, các giường đều chật nên bác sỹ khuyên đưa vợ đi dạo hành lang để... chờ đẻ. Có thể các bác sỹ là người có chuyên môn nên họ biết được tình trạng của vợ tôi đang diễn biến bình thường, nhưng gia đình nội ngoại và cả vợ tôi đều lo lắng. Cô ấy cứ băn khoăn hay tại vì tôi chưa đưa “chi phí phụ” vào cho y, bác sỹ? Anh cũng cho hay, nếu viện phí tăng thì người dân có phải lo đến chuyện “phụ phí” không?
Đâu là giá thực?
Việc tăng viện phí sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với bệnh nhân nghèo bị bệnh mãn tính, bệnh nan y phải điều trị lâu dài có bảo hiểm nhưng phải đồng chi trả và đặc biệt là đối với bệnh nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, việc tăng giá sẽ chẳng là bao so với chi phí thực mà bệnh nhân phải chi trả như hiện nay. Đơn cử như với một ca sinh mổ theo giá viện phí được thanh toán là 450.000 đồng, nhưng sản phụ sẽ chỉ được khâu loại chỉ thường, có thể gây sẹo lồi và phải đến cắt chỉ, vì vậy sản phụ phải chi trả thêm 180.000 đồng cho 3 sợi chỉ loại tốt, mua thêm bông, băng gạc, thuốc gây mê... và chi phí thực của ca mổ lên tới hơn 1 triệu đồng.
Hay một ca sinh khó có giá viện phí được bảo hiểm chi trả là 150.000 đồng, trên thực tế sản phụ phải chi trả thêm tiền gây mê là 200.000 đồng, nếu muốn khâu chỉ tốt và khâu luồn không phải cắt chỉ, không để lại sẹo lồi thì phải tự mua chỉ với giá 60.000 - 80.000 đồng nữa, đó là chưa kể một số chi phí thuốc men, vật tư y tế mua ngoài. Hay với dịch vụ chụp thận UIV, theo giá cũ sẽ được bảo hiểm thanh toán 40.000 đồng nhưng bệnh nhân phải mua phim, mua thuốc rửa... gần 200.000 đồng nữa…
Một bệnh nhân cũng cho hay, ông phải sinh thiết hạch, nếu theo mức giá viện phí cũ thì chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng bệnh viện đã đề nghị ông dùng loại kim sinh thiết chỉ dùng có một lần với giá vài trăm ngàn đồng một chiếc. Theo giải thích của bác sỹ, sở dĩ có giá chênh lệch này là vì trước đây việc sinh thiết hạch phải làm thủ công, dùng kim chung cho nhiều bệnh nhân, mài đi mài lại. Còn bây giờ, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, bệnh viện đề nghị ông mua loại kim mới. Thêm vào đó, ông còn phải thực hiện siêu âm, chụp cắt lớp vi tính để xác định chính xác vị trí cần sinh thiết.
Như vậy, bên cạnh phần đa người dân lo vì “hội chứng tăng giá”, thì cũng có những người tỏ ra bình tĩnh hơn đón nhận tin tăng giá viện phí: Tăng hay không tăng thì chi phí thật lại là chuyện khác. Bấy lâu nay, khá nhiều người dân đã phải chịu sự tăng giá khi chấp nhận đi khám dịch vụ để đón nhận thái độ tốt hơn của nhân viên y tế và không phải chen chúc chờ đợi. Không ít bệnh nhân thường xuyên phải chịu trả giá viện phí cao hơn nhiều lần so với quy định, vì phải dùng tới các máy móc xét nghiệm kỹ thuật cao, những máy móc được mua dưới dạng “xã hội hóa”. Cũng không ít người chấp nhận vượt tuyến, trái tuyến (dù phải trả mức chi phí cao hơn nhiều so với đúng tuyến) và đến nằm ở bệnh viện tư nhân vì tin rằng, tới những cơ sở này mình sẽ không phải trả những khoản phụ phí khác tính ra sẽ cao hơn nhiều với giá viện phí chênh lệch. Thậm chí có người còn bộc lộ quan điểm: Tiền nằm viện có đáng là bao so với các khoản “phụ phí”, “bồi dưỡng” khác, bên cạnh những vật tư, thiết bị “nằm tại hóa đơn riêng” thì có những khoản “nằm ngoài hóa đơn” nữa. Các bệnh nhân vẫn truyền tai nhau về tiền bồi dưỡng cho 1 ca đẻ tại bệnh viện lên tới hàng triệu đồng, hay những chi phí cho một ca mổ với một khoản tiền không hề nhỏ.
Hướng tới chi phí thực
Áp dụng giá viện phí mới, 1 ca mổ đẻ sẽ là khoảng từ 1.350.000 đồng đến 1.400.000 đồng, ca sinh khó khoảng 470.000 đồng, cắt amidal là 580.000 đồng, chụp thận UIV là 340.000 đồng... tương đương với những chi phí thực hiện nay bệnh nhân đang phải trả.
Điều rõ ràng là với giá viện phí cũ gần 20 năm không đổi thì nó đã quá lạc hậu và phi lý không chỉ so với thế giới mà còn so với chính thực tế cuộc sống. “Một bác sỹ học 6 năm ra trường, muốn chuyên khoa thì phải thêm vài năm nữa, muốn thành thạo cũng mất thêm vài năm thực tế, ấy vậy mà khám bệnh chỉ với 2.000 - 3.000 đồng/lượt, không bằng người bơm xe đạp thì quá khôi hài”- Bác sỹ Lê Văn Tiệc - Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vinh đã từng chia sẻ. Viện phí “giẫm chân”, nhiều bệnh viện tuyến huyện chịu cảnh “càng làm càng lỗ”, còn các bệnh viện khác không biết lấy đâu ra nguồn để duy tu, bảo dưỡng máy móc thiết bị, sửa sang cơ sở vật chất nên đành “cào cấu” để chỗ nọ bù chỗ kia. Bác sỹ phải khám hàng trăm bệnh nhân một ngày, 1 điều dưỡng phải phụ trách mấy phòng bệnh, xoay như chong chóng, trong khi giá khám bệnh không đủ tiền giấy bút thì rất khó để niềm nở với người bệnh. Tất cả những điều trên không chỉ làm cho hình ảnh bệnh viện xấu đi, mà bệnh nhân cũng chịu thiệt thòi.
Tăng viện phí, các cơ sở y tế sẽ có cơ hội đầu tư, mua sắm trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu người bệnh.
Bác sỹ Bùi Đình Long- Giám đốc Sở Y tế cho hay: Nhiều người bệnh cho rằng, tăng viện phí thì mọi vấn đề về thuốc men cũng sẽ tăng theo và đời sống của cán bộ y tế cũng được cải thiện.
Trên thực tế, mức điều chỉnh viện phí không làm tăng giá thuốc mà giá thuốc được thực hiện thông qua đấu thầu. Tăng viện phí cũng không phải để tăng thu nhập cho y, bác sỹ mà chỉ mới tính đến việc nâng cao khả năng đáp ứng dịch vụ y tế của bệnh viện. Khi điều chỉnh viện phí, BHYT sẽ thanh toán đầy đủ các chi phí của dịch vụ nên người bệnh chỉ phải chi trả các khoản theo luật định (cùng chi trả 5% hoặc 20% tùy theo đối tượng) chứ không còn phải thanh toán những thiếu hụt mà bệnh viện bị “lỗ” do bảo hiểm không thanh toán như trước kia. Mức viện phí mới đã tính theo lối hướng tới chi phí thực để bệnh nhân có bảo hiểm không phải bỏ tiền túi khi đi khám chữa bệnh. Ngành Y tế cũng giải trình và quyết tâm thực hiện: Khi đã tăng giá thì tất cả những dịch vụ nào đã kết cấu vào giá bệnh viện không được yêu cầu người dân mua thêm, trừ vật tư đặc biệt thì phải ghi rõ là chưa bao gồm vật tư này.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho hay: “Tăng viện phí chắc chắn các bệnh viện sẽ có thêm nguồn tái đầu tư cũng như duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, giúp bệnh viện tăng cường các dịch vụ kỹ thuật cao điều trị cho người bệnh. Trần bảo hiểm y tế thanh toán nâng lên giúp người bệnh được chi trả nhiều dịch vụ kỹ thuật cao hơn. Chất lượng dịch vụ y tế công sẽ được cải thiện”.
Bác sỹ Nguyễn Hoàng Cát - Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An cũng chia sẻ: “Do không có nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ đối với người bệnh, dễ dẫn đến tình huống bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng thêm tiền hoặc không thực hiện được dịch vụ mà yêu cầu người bệnh đến thực hiện dịch vụ tại cơ sở khác, làm giảm hoặc hạn chế quyền lợi, gây phiền hà cho người bệnh có thẻ BHYT. Nếu được áp theo mức giá mới, tin rằng những phiền hà bấy lâu sẽ giảm”.
Để thực hiện tốt lộ trình tăng viện phí, đảm bảo quyền lợi người bệnh, Giám đốc Sở Y tế Bùi Đình Long cũng cho biết: "Sở sẽ phối hợp thực hiện tốt vai trò giám sát tại các cơ sở y tế, đồng thời từng bước chỉ đạo việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Và một yêu cầu đặt ra cho các cơ sở y tế trong tỉnh là: Tăng giá dịch vụ phải đồng nghĩa với tăng chất lượng dịch vụ.”
Thùy Vinh