Tăng viện phí tạo đà nâng chất lượng khám, chữa bệnh

12/07/2012 16:20

Dự kiến từ 1/8/2012, giá viện phí mới sẽ được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương. Tại Nghệ An, từ đầu tháng 5, liên ngành Y tế - Tài chính- Bảo hiểm xã hội đã thành lập tổ xây dựng đơn giá viện phí theo từng danh mục kỹ thuật. Theo đó, mức đề nghị tăng trung bình khoảng trên 70% so với mức tăng tối đa của Thông tư 04.

(Baonghean) - Dự kiến từ 1/8/2012, giá viện phí mới sẽ được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương. Tại Nghệ An, từ đầu tháng 5, liên ngành Y tế - Tài chính- Bảo hiểm xã hội đã thành lập tổ xây dựng đơn giá viện phí theo từng danh mục kỹ thuật. Theo đó, mức đề nghị tăng trung bình khoảng trên 70% so với mức tăng tối đa của Thông tư 04.

Tính đến nay, đã 17 năm khung giá viện phí ở tỉnh ta cũng như trên cả nước được áp dụng theo Thông tư 14/TTLT ngày 30/09/1995 của liên bộ Y tế - Tài chính – LĐTBXH - Ban Vật giá Chính phủ. Không phải đến bây giờ, khung giá trên mới được xem là lỗi thời, Bộ Y tế cũng đã không dưới 10 lần có ý định tăng viện phí song đã vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận nên vẫn đành áp dụng khung giá này. Tuy nhiên, quyết tâm tăng giá viện phí của Bộ Y tế vào năm ngoái đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bộ, ngành và có tiếng nói quyết liệt từ tất cả các bệnh viện, trong đó, nhiều bệnh viện cho rằng: Nếu không tăng viện phí thì bệnh viện (tuyến huyện) phải “đóng cửa” và việc “giẫm chân” bấy lâu của giá viện phí là vô cùng phi lý, khôi hài... Theo tìm hiểu, lãnh đạo các bệnh viện, cả công lẫn tư trên địa bàn tỉnh đều cho rằng: Tăng viện phí là một đòi hỏi chính đáng và đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu. Có nhiều dịch vụ tại bệnh viện “làm càng nhiều càng lỗ”: Khám bệnh với mức tối đa áp dụng ở bệnh viện tỉnh là 3.000 đồng/lượt, bệnh viện hạng 3 là 2.000 đồng/ lượt thì “không đủ tiền giấy, mực”; tiền giường bệnh từ 8.000-18.000 đồng/ngày thì cũng chỉ đáp ứng phần nhỏ tiền điện, nước, chi phí vệ sinh; một loạt các thủ thuật sản, ngoại khoa khác cũng nằm trong tình trạng phải bù lỗ. Các bệnh viện tuyến huyện, ngay như tại BV Nghi Lộc sát gần với thành phố thì cũng có tới trên 120 danh mục chịu lỗ.



Nhiều ca phẫu thuật đang phải bù lỗ tại các bệnh viện công.

Tuy vậy, không ít ý kiến người dân tỏ ra lo lắng với việc tăng giá viện phí và đặt câu hỏi về chất lượng các dịch vụ y tế sau khi được tăng giá. Theo ngành Y tế, thì việc này đã được tính toán kỹ; trong khung giá mới được đưa ra trình tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này đã có những phân tích chi tiết, hợp lý, không ảnh hưởng tới quyền lợi đông đảo bộ phận người dân. Trong 7 yếu tố cấu thành giá viện phí là tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư phục vụ trực tiếp cho người bệnh; tiền điện, nước, các chi phí bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế; tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế; chi phí đầu tư xây dựng bệnh viện; chi phí mua sắm trang thiết bị có giá trị lớn; chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học thì hiện mới tính 3 yếu tố chi phí trực tiếp (được nêu đầu tiên ở trên) chứ chưa tính đến các yếu tố khác. Do đó, giá viện phí mới chỉ tính theo nguyên tắc thu một phần viện phí có hướng đến tính đúng, tính đủ chứ chưa thực sự tính đúng, tính đủ. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này mới chỉ giúp các bệnh viện nâng cao khả năng đáp ứng dịch vụ y tế cho người bệnh chứ chưa nâng cao thu nhập của y bác sĩ như nhiều người suy luận, bởi việc xây dựng giá viện phí chưa tính tới yếu tố này.

Mục tiêu điều chỉnh viện phí lần này là để các bệnh viện có kinh phí triển khai việc khám chữa bệnh theo đúng các quy định của Bộ Y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế với các lý do được đưa ra: Điều chỉnh viện phí lần này là yêu cầu rất bức thiết vì giá dịch vụ y tế ban hành từ nhiều năm mà đều chỉ tính một phần, chứ chưa tính đủ. Trong khi đó, lương cơ bản đã tăng 6,9 lần, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành Y tế cũng đều tăng theo thị trường. Điều này làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng khám, chữa bệnh khi mà với mức thu hạn hẹp, người bệnh phải mua thêm thuốc và một số chi phí khác trong khi đó mức đóng cũng đã tăng lên theo sự tăng lương hàng năm (3% lên 4,5%/năm). Chính chất lượng dịch vụ y tế thấp nên không khuyến khích người dân tham gia BHYT. Cũng do giá chỉ tính một phần nên Nhà nước bao cấp không chỉ cho người nghèo, mà cả người giàu. Thu không đủ, cơ sở y tế không có tiền để mua sắm trang thiết bị, làm ảnh hưởng đến thái độ nhiệt tình của cán bộ.

Như vậy, khi tăng giá viện phí kéo theo việc chi trả của bệnh nhân và của quỹ BHYT sẽ tăng. Theo đó, khi áp dụng viện phí mới, BHYT sẽ chi trả toàn bộ, người bệnh không phải nộp thêm bất cứ khoản chi phí nào khác ngoài khoản cùng chi trả BHYT (tùy theo từng đối tượng BHYT) cho bệnh viện như hiện nay. Hơn nữa, khi khám bệnh tại trạm y tế xã cũng được BHYT chi trả 100%, khám bệnh từ tuyến huyện trở lên mới phải đồng chi trả 5%. Thực tế, viện phí tăng sẽ khiến khoản cùng chi trả này tăng theo và người bệnh ít nhiều bị ảnh hưởng.

Việc tăng viện phí lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đối tượng là những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa bởi Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ. Cụ thể, Chính phủ đã hỗ trợ mua BHYT cho người nghèo là 95%, cận nghèo 70%, đồng chi trả là 5%. Ngoài ra, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 14 điều chỉnh quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Đối tượng người dân tộc thiểu số nghèo, sống ở vùng khó khăn mà mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được hỗ trợ một phần tiền ăn, đi lại, chữa bệnh. Còn những đối tượng khác, đã nằm trong diện BHYT chi trả.

Việc điều chỉnh giá viện phí lần này sẽ có tác động nhất định đến quỹ khám chữa bệnh BHYT. Việc này đã được Chính phủ dự báo và đã có phương án để khắc phục. Tại Nghệ An, theo lãnh đạo ngành Y tế, ngành sẽ có hướng dẫn triển khai cụ thể, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về thực hiện đơn giá viện phí nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đảm bảo đúng quyền lợi của người bệnh, chống lạm dụng thẻ BHYT (sử dụng thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh...); tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014.

Trước khi dự thảo tăng viện phí của liên ngành được thông qua, hơn lúc nào hết, người dân trông chờ những bước chuyển biến mới của ngành Y tế, tạo niềm tin cho người dân. Có như vậy, chính sách tăng viện phí mới thực sự thuyết phục và nhận được ủng hộ cao hơn từ dư luận.


Thùy Vinh

Mới nhất

x
Tăng viện phí tạo đà nâng chất lượng khám, chữa bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO