Tạo cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ

04/06/2015 09:47

(Baonghean) - Những năm gần đây, hệ thống cửa hàng bách hóa phát triển khá nhiều ở khu vực nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng nhu yếu phẩm của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập xung quanh hệ thống phân phối; thị trường tiềm năng nhưng doanh nghiệp chưa tận dụng cơ hội để phát triển...

Kênh phân phối hàng hóa hiệu quả

Đã hơn 10 năm nay, tại xóm Tân Xuân, xã Xuân Thành (Yên Thành), bà Liễu gắn bó với một cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Ở cửa hàng này, hầu như mọi hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như bánh xà phòng, mì chính, cái kim, sợi chỉ đến dụng cụ nhà nông cuốc, xẻng…

Bà Liễu cho biết:  “Trước đây, gia đình thường phải vào Vinh hoặc đi Diễn Châu để nhập hàng. Khoảng 3 năm lại nay, đã có xe tải chở đến nhập tại cửa hàng. Thiếu hàng gì, số lượng bao nhiêu, có thể ngồi ở nhà gọi điện và được phục vụ tại chỗ. Không chỉ nhà tôi mà trên địa bàn các xã lân cận, khá nhiều cửa hàng tạp hóa được mở, nhờ vậy phục vụ khá tốt nhu cầu đa dạng của người dân quanh vùng”.

Cửa hàng bách hóa ở Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn).
Cửa hàng bách hóa ở Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn).

Xã Xuân Thành có 12 xóm, phần lớn người dân làm nông, thu nhập của nông dân chưa cao song đã được nâng lên so với trước và quan niệm tiêu thụ đã thay đổi rất nhiều. Là xã nằm gần kề thị trấn nhưng tính ra nhiều xóm cách trung tâm Thị trấn Yên Thành từ 5 - 10 cây số, nên nếu mua sắm ở thị trấn vừa mất thời gian lại tốn tiền xăng xe. Vì thế, hệ thống cửa hàng như của bà Liễu rất tiện ích.

Về Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) dịp 30/4 vừa qua, thấy nhiều du khách chọn biển Quỳnh làm điểm nghỉ dưỡng. Điều đáng nói, dọc tuyến đường xuống biển, có khá nhiều hàng quán hàng hóa phong phú, được bố trí, sắp xếp ngăn nắp. Hỏi chuyện một người bán hàng tại một siêu thị mini ở xã Quỳnh Nghĩa, được biết, gần đây, cuộc sống người dân biển đã có nhiều đổi thay. Nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động, người ở nhà thì thu nhập từ biển cũng khá, do đó, nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường, xã đã có siêu thị mini phục vụ, do giá cả nhập khối lượng nhiều nên đã giảm giá bởi vậy càng hút người dân đến mua sắm.

Theo thống kê của Phòng Công Thương Quỳnh Lưu, đến nay, ngoài hệ thống chợ thì cửa hàng bách hóa nông thôn đã phủ 100% số xã và thị trấn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong ngành lưu thông phân phối thương mại, mạng lưới lưu thông thị trường nông thôn đang được hình thành.

Tương tự, ở Nghĩa Đàn, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều đổi thay của vùng đất đỏ bazan. Tại Nghĩa Bình, nhiều cửa hàng, cửa hiệu mọc lên, người bán, người mua nhộn nhịp. Khá nhiều đại lý hàng hóa của các thương hiệu được xây dựng.

Hỏi chuyện anh Nguyễn Văn Phú - một người dân đang mua đồ điện, phụ tùng xe máy, được anh cho biết trước đây mua đoạn thép về làm giàn phơi hay cái quạt người dân ở đây phải lên thị trấn để mua, nhưng gần đây hàng hóa về địa bàn ngày một phong phú, nhất là hàng Việt, giúp người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp.

Thị trường nông thôn vẫn là mảnh đất màu mỡ cho hàng giả hàng nhái phát triển
Thị trường nông thôn vẫn là mảnh đất màu mỡ cho hàng giả hàng nhái phát triển

Hiện nay tại hầu khắp các huyện, thị, thì trung tâm thị trấn huyện và các cửa hàng, cửa hiệu, các đại lý là “cầu nối” cho sản xuất và tiêu thụ. Người dân tiếp nhận hàng hóa của các doanh nghiệp khắp mọi nơi, đồng thời tập kết nông sản hàng hóa của người dân về với vùng xuôi.

Hiện nay, mạng lưới phân phối của các nhà sản xuất đã từng bước thâm nhập sâu hơn vào thị trường nông thôn. Mạng lưới thu mua hàng hóa được sản xuất trên các địa bàn qua các doanh nghiệp, các đại lý, thương lái, hộ kinh doanh đã phát triển đến các làng xã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm của người dân. Cùng với đó, sự phát triển nhanh và đa dạng của loại hình cửa hàng bán lẻ tư nhân trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy và đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân. Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị của nhiều huyện không quá xa. Thế nên, người tiêu dùng nông thôn cũng đang phát triển những nhu cầu tiêu dùng mới không khác gì ở thành thị, theo đó, hệ thống hạ tầng thương mại khu vực nông thôn đang có những chuyển biến tích cực.

Bà Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Gần đây, với sự xuất hiện của cửa hàng tiện lợi đã giúp người dân có điều kiện mua sắm hàng trong nước sản xuất đúng giá, bảo đảm chất lượng. Hạ tầng cơ sở thương mại tại khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh được quan tâm phát triển, các doanh nghiệp chú trọng đầu tư các kênh phân phối nên người dân được tiếp cận hàng hóa nói chung và hàng Việt Nam phong phú hơn. Thị trường nội địa còn cơ hội và tiềm năng rất lớn, thế nhưng, chúng ta cần tính toán để tổ chức lại.

Khai thác tiềm năng các vùng nông thôn

Về các xã vùng biển huyện Quỳnh Lưu như Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Sơn Hải, chúng tôi thấy hệ thống cửa hàng, cửa hiệu mọc lên sầm uất. Lên Tương Dương, vì địa bàn vùng núi dân cư thưa thớt, chợ xa, và không phải ngày nào cũng họp nên cửa hàng tạp hóa là nơi dân bản tìm đến. Thị trường nông thôn vẫn là tiềm năng đối với mọi doanh nghiệp nhưng chưa nhiều doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, vì đời sống người dân miền núi còn khó khăn, việc sử dụng hàng hóa chất lượng giá cao nhiều khi vượt ngoài khả năng của người dân. Thế nên, đây là mảnh đất “màu mỡ” cho không ít hàng giả, hàng nhái tung hoành…

Vấn đề này theo bà Hoàng Thị Mỹ Hà, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương thì: Hệ thống cửa hàng ở nông thôn đang ngày một phát triển, và đây là hướng đi đúng mà ngành đang khuyến khích. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng mặc dù cơ hội là đã rõ ràng nhưng có không nhiều doanh nghiệp nắm bắt được. Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, doanh nghiệp thì chính người dân phải là người tiêu dùng thông thái để bảo vệ quyền lợi của mình.

Việc xuất hiện hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ ở các địa phương đã giúp người dân nông thôn tiếp cận các sản phẩm tiêu dùng hiệu quả hơn. Dù đây là phân khúc thị trường rất tốt để phát triển nhưng hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp tại khu vực nông thôn chưa được chú trọng đầu tư, có những nơi còn bị bỏ quên. Như với nhiều địa bàn miền núi đất rộng, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, nên việc phân phối và bán hàng gặp không ít trở ngại. Nghệ An có hơn 3 triệu dân và phần lớn người tiêu dùng ở nông thôn nhưng có không nhiều doanh nghiệp để mắt đến thị trường nông thôn, phần lớn vẫn đang bỏ ngỏ thị trường đầy tiềm năng này do còn thiếu thông tin và các nghiên cứu kỹ lưỡng về thói quen tiêu dùng nơi đây. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để hệ thống thương mại phát huy được hiệu quả, kết nối cung cầu. Cùng với đó, cần sự phát triển đồng bộ cả sản xuất, chế biến và tiêu thụ; từ các kênh phân phối: chợ bán lẻ, đầu mối và cửa hàng đại lý phân phối sản phẩm.

Thu Huyền

Mới nhất
x
Tạo cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO