Tạo đột phá, phát triển trên nền tảng giá trị truyền thống và hiện đại

16/02/2015 08:40

Nguyễn Xuân Đường

(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)

(Baonghean) - Năm 2014 là năm Nghệ An ghi dấu với nhiều thành tích vượt bậc về mọi mặt: thu ngân sách, sản lượng lương thực, thu hút đầu tư đạt cao nhất từ trước đến nay; diện mạo mới về hạ tầng giao thông với hệ thống cầu vượt, sân bay, bến cảng và đường quốc lộ hiện đại; học sinh giỏi quốc gia đứng thứ 2 cả nước; thực hiện điều trị ung thư vú bằng phương pháp ghép tế bào gốc; dân ca ví, giặm xứ Nghệ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại,...

Đó là những thành quả đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực, đồng thuận và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân tỉnh nhà. Đồng thời, cũng là nền tảng, là bước lấy đà chuẩn bị cho giai đoạn nước rút đưa Nghệ An vươn lên thành trung tâm kinh tế của Bắc Trung bộ theo mục tiêu Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường tặng quà cho cán bộ, công nhân thi công cầu vượt QL 46 nối đường Đặng Thai Mai, điểm giao cắt  với Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam vào đêm 17/1/2015.Ảnh: thành duy
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường tặng quà cho cán bộ, công nhân thi công cầu vượt QL 46 nối đường Đặng Thai Mai, điểm giao cắt với Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam vào đêm 17/1/2015. Ảnh: Thành Duy

Hiện nay, có thể thấy Nghệ An đã đạt đến mức phát triển tương đối ổn định trong các lĩnh vực trụ cột cơ bản như kinh tế, văn hoá, giáo dục,... Đây là điều kiện cần và cũng là môi trường, thời cơ mà câu hỏi về những bước phát triển đột phá được đặt ra, khi chúng ta đã đi gần hết quãng đường của một nhiệm kỳ, chuẩn bị bước sang giai đoạn mới với những mục tiêu ở tầm cao hơn và sâu hơn.

Trên tinh thần chủ trương chỉ đạo, xác định 4 trụ cột chính của nền kinh tế trong thời gian sắp tới sẽ là: đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó đặc biệt chú trọng vùng miền Tây; tiếp tục đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng; tăng cường cải cách hành chính, điều chỉnh cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư cởi mở và lành mạnh; chú trọng phát triển các ngành kinh tế mềm như du lịch, dịch vụ, thương mại. Tầm nhìn chiến lược dài hạn đó sẽ là sự hội tụ, gắn kết và nối dài của những hành động, giải pháp cụ thể. Tư tưởng và thực tiễn phải luôn song hành, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau để phát huy hiệu quả tối ưu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trước hết, để thúc đẩy sự phát triển chung của cả tỉnh, cũng như tạo mối liên kết và phối hợp trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng kinh tế, chúng ta đã xác định 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là miền Tây Nghệ An; Vinh - Cửa Lò, Khu kinh tế Đông Nam và vùng Hoàng Mai - Đông Hồi. Đây sẽ là giá đỡ vững chắc trên cơ sở phát triển các ngành công nghiệp nặng như vật liệu xây dựng và công nghiệp năng lượng. Hướng đi này không mới, nhưng đã và vẫn đang có hiệu quả tích cực đối với phát triển kinh tế nền tảng, tận dụng được lợi thế về tài nguyên, diện tích tự nhiên và con người của tỉnh Nghệ An. Trong đó, “cột trụ” đáng lưu ý là vùng miền Tây Nghệ An, bởi nơi đây có truyền thống và tiềm năng dồi dào để phát triển nông nghiệp.

Chúng ta không quên rằng nông nghiệp là mặt trận truyền thống quan trọng, gắn liền với tư duy nhận thức và văn hoá của địa phương mình. Trong thời kỳ đổi mới, cơ cấu tỷ lệ ngành có thể giảm xuống nhưng vị thế của nông nghiệp sẽ phải được củng cố bằng việc nâng cao giá trị gia tăng và chú trọng phát triển bền vững. Năm 2014, nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ được triển khai đã giúp các tổ chức, doanh nghiệp và các địa phương đẩy nhanh quá trình phát triển. Hình thành và đưa vào sản xuất ổn định các vùng nguyên liệu, phục vụ cho các dự án, doanh nghiệp lớn như Nhà máy sản xuất ván sợi MDF, Nhà máy sữa TH, Nhà máy sản xuất than sạch... Tạo được thói quen chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất hàng hoá thương phẩm như cam, chanh leo, gừng, khoai sọ, vịt bầu, lợn đen, gà đồi...

Đó là những mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước áp dụng các tiến bộ KHKT, tăng hàm lượng của ngành Nông nghiệp mà chúng ta cần tiếp tục nhân rộng. Sắp tới, cần tiến thêm một bước xa hơn nữa, đi từ nhà nông đến doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua xây dựng mô hình vệ tinh phục vụ đầu vào và dịch vụ đi kèm; quan tâm mở rộng thị trường, tạo thương hiệu bền vững. Để làm được điều đó, các ngành cần hạn chế những đề tài mang tính “hàn lâm”, gắn kết hơn nữa với thực tiễn để phục vụ hiệu quả mặt trận nông nghiệp tỉnh nhà. Chung quy lại, phát triển kinh tế theo ngành dọc nhưng phải củng cố các mắt xích liên kết theo chiều ngang để tạo chuỗi sản xuất khép kín, lồng ghép được nông nghiệp với công nghiệp, truyền thống và hiện đại, thực tiễn với lý thuyết.

Thứ hai, đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, bởi đây là nền tảng cứng không thể thiếu để thực hiện công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Trong quá trình triển khai cụ thể, cần chia ra làm hai hướng thực hiện: xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và cơ sở hạ tầng gắn với đô thị hoá. Năm 2014, toàn tỉnh đã xây dựng được 33 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, nhưng ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc xây dựng nông thôn mới còn khó khăn. Do vậy, cần phải linh hoạt trong chỉ đạo, chưa xây dựng được xã đạt nông thôn mới thì chỉ đạo xây dựng các làng, bản đạt tiêu chí nông thôn mới. Có nghĩa là ở những nơi mà điều kiện, con người không cho phép, chúng ta tuỳ thuộc vào tình hình thực tiễn để đặt ra mục tiêu phù hợp, khả thi. Cần xác định, không có mục tiêu, nhiệm vụ nào là không quan trọng. Ngay cả những nhiệm vụ nhỏ nhất, nếu hoàn thành tốt sẽ tạo đà, tạo động lực và “trải thảm” cho chúng ta hướng tới những mục tiêu lớn hơn, cụ thể và gần nhất trước mắt là hoàn thành chỉ tiêu năm 2015 thêm ít nhất là 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới (phấn đấu đạt 81 xã).

Bên cạnh những thành tựu trong công cuộc phát triển nông thôn, năm 2014 vừa qua cũng là một năm thắng lợi của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Kết thúc năm 2014, đã cơ bản hoàn thành Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An; đưa vào sử dụng các cầu vượt ở cửa ngõ thành phố. Kế thừa nền tảng của năm 2014, đầu năm 2015 này sẽ khánh thành Sân bay Vinh được xây mới, nâng cấp thành sân bay quốc tế; khởi công Dự án mở rộng Cảng Cửa Lò, tăng trọng tải tàu ra vào;...

Như vậy là chúng ta đã từng bước nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng đường bộ, đường hàng không và đường thuỷ. Đó là những “dây thần kinh” quan trọng của nền kinh tế, bởi trong thời kỳ hội nhập này, tốc độ và lưu lượng trao đổi của cải, hàng hoá, con người là một trong những yếu tố quyết định. Nhận thức được tầm quan trọng của các công trình cơ sở hạ tầng mang lại, phổ biến tuyên truyền sâu và rộng trong cán bộ và nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng ảnh hưởng. Đó là bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, trong đó vai trò chỉ đạo bài bản, đúng quy trình và thái độ tập trung, quyết liệt của các cấp chính quyền là đòn bẩy tạo đà, gạt bỏ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa để hướng tới lợi ích chung.

Thứ ba là về vấn đề cải cách hành chính, cơ chế và môi trường đầu tư. Một trong những thành tựu nổi bật của năm 2014 là thu ngân sách đạt 7.652 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trên nền tảng đó, năm 2015 phấn đấu vượt thu để đầu tư vào các dự án trọng điểm, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và an sinh xã hội.

Để đạt được mục tiêu này, cần chú trọng củng cố, tạo đồng thuận trong các cấp, các ngành để phát huy tối đa nội lực. Cụ thể, phải có sự phân công, phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo hay "hổng" một mắt xích nào trong các khâu thực hiện chủ trương chung. Ví dụ, thu ngân sách là nhiệm vụ do ngành Thuế chủ quản, nhưng cần có sự phối hợp chỉ đạo và chấp hành quyết liệt ngay từ những ngày, tháng đầu năm của giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân.

Tiếp đó, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc thu thuế. Việc quản lý và sử dụng ngân sách thuộc trách nhiệm của Sở Tài chính. Muốn quản lý tốt, chi đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả lại cần tăng cường trao đổi, thảo luận giữa Sở Tài chính với các ngành, các cấp. Ở một tầm vi mô hơn nữa, cải cách hành chính phải bắt đầu từ cá nhân - mỗi cán bộ và mỗi người dân. Đó là sự gắn kết chặt chẽ giữa đường lối chỉ đạo và triển khai thực hiện, giữa người giám sát và người thực thi. Người cán bộ phải gạt bỏ tư tưởng cục bộ, quan liêu trong công tác quản lý, kiểm tra và báo cáo. Đổi lại, cũng rất cần tinh thần trách nhiệm từ người dân. Tất cả cùng nhau hướng đến lợi ích chung, trong mối tương quan toàn cục.

Ngoài ra, cần xác định để tạo đà nhảy vọt cho nền kinh tế, để Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp, chúng ta chỉ có thể đặt hy vọng lớn nhất vào thu hút đầu tư. Năm 2014 đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 145 dự án với tổng vốn đạt 43.982 tỷ đồng, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài. Đó là một kết quả ấn tượng, cần tiếp tục phát huy. Thông qua các sự kiện, cơ chế, chính sách xúc tiến đầu tư, chúng ta cần mở rộng hơn nữa môi trường đầu tư của tỉnh. Nhưng phải có định hướng: rộng mà sâu, tập trung vào các mũi nhọn và thế mạnh của địa phương; tạo điều kiện nhưng phải trong khuôn khổ hành lang pháp lý, minh bạch và lành mạnh. Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Ất Mùi tới đây sẽ là dịp mà lãnh đạo tỉnh với tư thế chủ nhà thể hiện thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến nhà đầu tư, từ đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Trụ cột cuối cùng của nền kinh tế là du lịch, thương mại, dịch vụ. Đây là yếu tố "mềm" nhất trong các mũi trọng điểm của phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố tác động mạnh mẽ và trực quan nhất đến diện mạo của kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trụ cột này phải được xây dựng trên cơ sở hai nền tảng: vật thể và phi vật thể. Vật thể ở đây là cơ sở hạ tầng và "tài nguyên" văn hoá - du lịch - thương mại. Đó là Thành phố Vinh - được phê duyệt quy hoạch mở rộng đến năm 2030, có tầm nhìn đến năm 2050, Cửa Lò được công nhận là đô thị biển. Tiềm năng và thách thức đang mở ra trên tiến trình phát triển của hai đô thị trẻ và của tỉnh Nghệ An. Chúng ta cũng có một mạng lưới dày đặc các di tích, di sản văn hoá, lịch sử; các cảnh quan tự nhiên và các sản vật, đặc sản địa phương.

Để thực sự khai thác, phát huy được nền tảng vật thể phong phú này, cần phải trau dồi và bồi đắp nền tảng phi vật thể - con người và văn hoá. Trong năm 2014 vừa qua, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Phải nhận thức được, một di sản đại diện nghĩa là đại diện cho vùng đất, con người, cho bề dày văn hoá - lịch sử. Có nghĩa là, chúng ta phải gắn được Dân ca ví, giặm với mảnh đất, con người bản địa. Phải thổi hồn văn hoá Nghệ vào con người Nghệ, để di sản không chỉ là vật trưng bày trong tủ kính, trong những cá nhân đặc trưng mà có sức lan toả trong quần chúng. Đó cũng là lúc du lịch - thương mại - dịch vụ của chúng ta được lồng ghép hài hoà vào cuộc sống của đất và người, rất thật nhưng cũng rất sắc màu.

Câu hỏi bao trùm lên 4 giải pháp phát triển kinh tế Nghệ An là: ai, cái gì sẽ làm nên sức trụ của nền kinh tế? Chính là giáo dục - văn hoá - xã hội, hay nói cách khác chính là con người. Năm 2014, Nghệ An đã có những thành tựu nổi bật trong khoa học công nghệ và giáo dục: thực hiện thành công điều trị ung thư bằng phương pháp ghép tế bào gốc; học sinh giỏi quốc gia đứng thứ 2 cả nước;...

Trình độ khoa học kỹ thuật không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc khánh thành và đưa vào hoạt động ổn định Bệnh viện Đa khoa 700 giường bệnh, cải thiện cơ sở, trang thiết bị các bệnh viện chuyên khoa góp phần ổn định an sinh xã hội, xây dựng một xã hội mạnh - yếu tố cần để hướng tới một xã hội giàu mạnh. Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm đào tạo lực lượng lao động tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của mọi lĩnh vực, hướng phát triển kinh tế cũng như phải xác định, đây là "nguồn tài nguyên" hấp dẫn các nhà đầu tư đến với Nghệ An, bên cạnh tài nguyên tự nhiên.

Mỗi năm Nghệ An có khoảng 20 - 21 ngàn em tốt nghiệp cao đẳng, đại học, đào tạo nghề, trong khi tỉnh mới sử dụng khoảng 1.000 em. Giải quyết việc làm không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, xã hội mà phải xuất phát từ ý thức tự thân vận động của mỗi cá nhân. Nhu cầu về người lao động của một xã hội đang phát triển là không giới hạn, nhưng cũng có những yêu cầu, tiêu chuẩn nhất định. Vì vậy, mỗi chúng ta cần đặt ra câu hỏi cho bản thân: những khoảng trống trên thị trường tuyển dụng lao động ở đâu và mình cần bổ sung, hoàn thiện năng lực gì để trở thành mảnh ghép vừa với khoảng trống đó? Tất nhiên, cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, xã hội sẽ là chất xúc tác, dẫn truyền giữa người lao động và nhà tuyển dụng.

Bước sang năm 2015 - thời cơ để tăng tốc, thách thức vẫn còn nhiều, nền kinh tế của chúng ta chưa phải là một thực thể có nền tảng ổn định lâu dài và đang trên đà vận động, biến chuyển. Đó là lý do vì sao phải biết đón đầu những thay đổi, cơ hội nhưng đồng thời cũng giữ được bản ngã, bản sắc riêng. Văn hoá, truyền thống, lịch sử - đó là điểm tựa vĩnh cửu không bao giờ bị lay chuyển, nếu được thổi hồn vào sống mãi trong mỗi con người. Ngược lại, không có sự đổi mới nào là hiệu quả, thực chất nếu không có con người mới. Như vậy, yếu tố con người chính là "dòng điện xoay chiều" vận hành một xã hội hài hoà giữa nội lực và ngoại lực, truyền thống và hiện đại.

Nguyễn Xuân Đường

(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)

Mới nhất

x
Tạo đột phá, phát triển trên nền tảng giá trị truyền thống và hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO