Tảo hôn và hôn nhân cận huyết - thực trạng buồn ở Nghệ An

Mai Hoa 29/04/2019 16:44

(Baonghean) - Với xu hướng ngày càng gia tăng, thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở Nghệ An đã và đang gieo những hệ lụy nghiêm trọng đến cuộc sống của một bộ phận dân cư tại khu vực miền núi.

Những đứa trẻ thuộc cộng đồng Đan Lai ở bản Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Đào Tuấn
Những đứa trẻ thuộc cộng đồng Đan Lai ở bản Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Đào Tuấn

Thực trạng buồn

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh không dấu được nỗi niềm khi chia sẻ với chúng tôi tình trạng tảo hôn tại các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông qua chuyến khảo sát vừa qua. Đó là những em gái, em trai đang tuổi hồn nhiên, trong trẻo cắp sách tới trường, có nhiều cơ hội việc làm, cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng lại tất bật, bìu ríu chuyện con cái, lo cái ăn, trong khi chính mình lại thiếu nhiều kiến thức, kinh nghiệm về kinh tế, sức khỏe, kể cả kỹ năng làm bố, làm mẹ.

Điều đáng buồn nhất, theo bà Nguyễn Thị Lan, đó là độ tuổi tảo hôn ngày càng giảm, nếu như trước đây độ tuổi tảo hôn dưới 18 đến 16 tuổi, thì nay có những cặp tảo hôn mới chỉ 12 – 13 tuổi. Có những em gái sau khi về nhà chồng trong một thời gian rất ngắn 1 -2 năm, thậm chí có em mới chỉ có 10 ngày đã xảy ra mâu thuẫn, đổ vỡ hôn nhân, quay về nhà mẹ đẻ sống. Vì vậy tỷ lệ ly hôn sau khi tảo hôn cũng khá lớn. Có em năm nay học lớp 10 đã có 1 con và tiếp tục mang thai cháu thứ 2 đến trường học. Đây quả là thực trạng nhức nhối.

Khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh tại một số trường học như: Trường THPT Kỳ Sơn năm học 2018 – 2019 có 11 em gái bỏ học lấy chồng; Trường THPT Tương Dương có 10 em; Trường THCS Mường Lống (Kỳ Sơn) và Trường THCS Tam Hợp (Tương Dương), mỗi trường đều có 3 em bỏ học lấy chồng. Và tình trạng tảo hôn không chỉ có ở đồng bào Mông (do phong tục tập quán khi con gái đến nhà con trai thì sẽ là ma của nhà con trai) mà có ở các đồng bào dân tộc Thái, Khơ mú, Đan Lan và kể cả dân tộc Kinh, dù không có phong tục này.

Theo số liệu báo cáo của 3 huyện Kỳ Sơn. Tương Dương, Con Cuông đối với Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh thông qua cuộc khảo sát, từ năm 2015 đến 2018, ở tại 3 địa phương này có tổng 713 cặp tảo hôn; trong đó có 192 cháu gái tảo hôn dưới 16 tuổi. Riêng hôn nhân cận huyết thống có hơn 30 cặp. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực tiễn ở cơ sở, bởi việc điều tra chưa được triển khai bài bản, mặt khác tâm lý của người dân cũng muốn giấu diếm

Thực trạng học sinh bậc THCS và THPT bỏ học lấy chồng cũng được ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thừa nhận và cho rằng: Tình trạng học sinh THCS, THPT bỏ học giữa chừng để lập gia đình đang xảy ra ở một số trường ở một địa phương trong tỉnh; trong đó có những em là trò ngoan, học giỏi. Khi có học sinh bỏ học; các trường đều cử giáo viên đến tận các gia đình để tuyên truyền, vận động, nhưng các bậc phụ huynh đều khẳng định, đây là phong tục tập quán của đồng bào không thể thay đổi và làm gì được…

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết là nguyên nhân gây nên tình trạng đói nghèo, lạc hậu và suy thoái giống nòi. Trong ảnh: một ông bố người Đan Lai ở bản Búng, xã môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Đào Tuấn
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết là nguyên nhân gây nên tình trạng đói nghèo, lạc hậu và suy thoái giống nòi. Trong ảnh: Một ông bố người Đan Lai ở bản Búng, xã môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Đào Tuấn

Tình trạng tảo hôn chính là nguồn gốc của thất học và đói nghèo. Đặc biệt, nếu cứ kiểu tư duy phong tục tập quán thì đói nghèo sẽ “di truyền” từ đời cha mẹ đến đời con, đời cháu… Và hệ lụy của tảo hôn không chỉ dừng lại ở thất học, đói nghèo mà theo bà Phan Thị Thanh Tâm – Trưởng ban Gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở các địa phương đang kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hướng đến chất lượng dân số, duy trì giống nòi; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao và nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; quyền của trẻ em cũng không được đảm bảo do cha mẹ tảo hôn không được đăng ký kết hôn, trẻ không được làm giấy khai sinh, dẫn đến không có thẻ BHYT…

Có cơ sở pháp lý nhưng thiếu giải pháp cụ thể

Liên quan đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 về phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 – 2025”. Triển khai Quyết định số 498/QĐ-TTg của Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 599/KH-UBND, ngày 01/02/2015, gắn với thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

BĐBP Nghệ An phát tờ rơi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phụ nữ vùng biên. Ảnh tư liệu
BĐBP Nghệ An phát tờ rơi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phụ nữ vùng biên. Ảnh tư liệu

Theo đó, tỉnh đã xác định 9 điểm tại 9 xã của 4 huyện (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong) và Trường THPT Kỳ Sơn để tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, hiệu quả tuyên truyền, chỉ đạo tại 9 điểm này vẫn chưa rõ. Ví dụ khảo sát tại xã Tam Hợp (Tương Dương), mặc dù các hộ dân đều đã ký kết đến tận hộ không vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nhưng khi hỏi địa phương qua theo dõi có bao nhiêu trường hợp vi phạm và xử lý thì không nắm được. Mặt khác, ở cả 9 xã này đều chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 599/KH-UBND. Đối với các huyện cũng chưa xây dựng kế hoạch riêng cho nhiệm vụ này mà nhiệm vụ này chỉ là một phần trong kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật chung; ngoại trừ huyện Con Cuông đã ban hành đề án can thiệp. giảm thiểu tình tạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và kế hoạch giảm thiểu tình trạng tảohôn, hôn nhân cận huyết thống, giai đoạn 2017 – 2020.

Bản Phà Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: Đào Tuấn.
Bản Phà Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: Đào Tuấn.

Tình trạng tảo hôn ở một số xã chỉ đạo điểm còn cao. Đơn cử, tính trong 3 năm gần đây, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) có 87 cặp tảo hôn, trong đó dưới 16 tuổi là 34 trường hợp; Mường Lống (Kỳ Sơn) là 80 trường hợp; Môn Sơn (Con Cuông) 44 trường hợp; Tam Hợp (Tương Dương) 40 trường hợp…

Thừa nhận công tác triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg và Kế hoạch số 599/KH-UBND hiệu quả chưa cao, ông Lương Thanh Hải – Trưởng ban Dân tộc Tỉnh cho rằng, để tạo chuyến biến trong vấn đề này không thể chỉ có trách nhiệm của các cá nhân trong Ban chỉ đạo tỉnh mà là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là cơ sở phải vào cuộc thực sự để tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hành động trong đồng bào các dân tộc thiểu số; gắn với xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân vi phạm.

Đồng tình với ý kiến Trưởng ban Dân tộc tỉnh, bà Nguyễn Thị Lan – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh cũng cho rằng, không thể đổ lối do nhận thức của đồng bào, bởi qua khảo sát thực tế ở một số địa phương, trạng tảo hôn diễn ra trong cả các gia đình cán bộ, công chức; có cả con của Chủ tịch Hội Phụ nữ, công chức Tư pháp xã và Hiệu trưởng trường học…

Mặt khác, mặc dù Luật hôn nhân và gia đình quy định, đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật, trong đó có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật; Luật hình sự có quy định, đối với hành vi tảo hôn hoặc tội giao cấu với trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 thì bị xử lý hình sự; song qua khảo sát chưa có 1 trường hợp nào bị xử lý.

Những phụ nữ người Mông ở bản Phà Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh Đào Tuấn.
Những phụ nữ người Mông ở bản Phà Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: Đào Tuấn.

Đồng tình với ý kiến Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh, bà Thái Thị An Chung – Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho rằng, liên quan đến xử lý vi phạm hành chính đối với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Chính phủ đã có Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định cụ thể; đặc biệt là đối với cán bộ, công chức đảng viên yêu cầu trách nhiệm cao hơn là phải xử lý hành vi vi phạm những điều cấm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Mặt khác, để tránh tư tưởng cho rằng do phong tục tập quán để ngụy biện cho tình trạng tảo hôn và hôn nhân cập huyết thống, theo bà Thái Thị An Chung, UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình các dân tộc trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để trình HĐND tỉnh quyết định.

Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 và qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung tiếp tục đặt vấn đề cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bởi vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần vào cuộc với thái độ trách nhiệm và quyết liệt. Đặc biệt các cấp, các địa phương cần quan tâm tạo ra các hoạt động, mở rộng không gian giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong cùng địa phương và giữa các địa phương nhằm tăng cường sự trao đổi văn hóa, thông tin để chống tình trạng tảo hôn, đặc biệt là hôn nhân cập huyết thống như hiện nay.

Mới nhất

x
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết - thực trạng buồn ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO