Tạo khí thế mới thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh trên lĩnh vực Công thương

12/05/2011 10:59

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Công thương, Báo Nghệ An đã phỏng vấn đồng chí Phan Thanh Tịnh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công thương.


P.V: Xin đồng chí cho biết một số thành tựu chủ yếu của ngành Công thương Nghệ An trong 60 năm qua?


Đồng chí Phan Thanh Tịnh: Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Công thương Nghệ An luôn chủ động tranh thủ thời cơ, đẩy lùi những khó khăn, thách thức, chủ động hội nhập để phát triển.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Ngành luôn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, phục vụ sản xuất và đời sống, thực hiện hậu cần tại chỗ, phục vụ chiến đấu, sΩn sàng chiến đấu, cung cấp hàng hoá cho Trung ương và chi viện cho tiền tuyến lớn, đồng thời tổ chức thu mua nông sản phục vụ xuất khẩu.

Thực hiện các mục tiêu Đại hội tỉnh Đảng bộ các nhiệm kỳ đã đề ra, nhất là các nhiệm kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, XVI, trong điều kiện Nghệ An chưa phải là khu vực trọng điểm ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp của Trung ương, môi trường đầu tư chưa thuận lợi, thiên tai dịch bệnh xảy ra thường xuyên,... nhưng nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt nên công nghiệp, thương mại dịch vụ vẫn tăng trưởng nhanh.

Về công nghiệp: Tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 22,1 %/năm. Giá trị sản xuất năm 2010 đạt 8.542 tỷ đồng, tăng gấp 6,2 lần so với năm 2000. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP tăng từ 29,3 % năm 2005 lên 33,4% năm 2010. Các cơ sở sản xuất công nghiệp phát triển nhanh nhất là loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Toàn tỉnh có trên 35.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, gần 400 làng có nghề và có 102 làng nghề. Nhiều khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp đã ra đời, hoạt động có hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật về điện của tỉnh nhà được biến đổi nhanh chóng, đến nay 100% số huyện có điện lưới quốc gia, 94% số xã có điện và 97,5% số hộ được dùng điện.


Công nghiệp Nghệ An đã có một số sản phẩm có qui mô lớn, tăng trưởng ổn định, có khả năng cạnh tranh trên thị trường như: Công nghiệp chế biến đường mía với sản lượng hàng năm 15 - 16 vạn tấn; Công nghiệp sản xuất xi măng sản lượng 1,7 triệu tấn; Công nghiệp chế biến nông sản: nước dứa cô đặc đạt 5.000 tấn/năm, dầu ăn 20.000 - 30.000 tấn/năm, tinh bột sắn đạt 30.000 tấn/năm, bột mỳ 20.000 tấn/năm; Công nghiệp thực phẩm đồ uống: bia đạt 200 triệu lít/năm, sữa 50 triệu lít/năm; Công nghiệp khai thác khoáng sản: thiếc 2.500 tấn/năm, đá trắng 1 triệu tấn/năm; Công nghiệp dệt, da, may mặc: 8.000 tấn sợi/năm, sản phẩm dệt kim đạt 3 triệu sản phẩm/năm, may xuất khẩu đạt 1,5 triệu sản phẩm/năm; Công nghiệp thủy điện với công suất lắp máy đạt 750 MW, v.v...

Khu công nghiệp Nam Cấm thu hút nhiều nhà đầu tư.


Lĩnh vực thương mại cũng có bước phát triển nhanh, vượt bậc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng đạt bình quân trên 22 %/năm. Thị trường, kim ngạch xuất nhập khẩu không ngừng tăng. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 386,3 triệu USD với các mặt hàng nông sản, vật liệu xây dựng, khoáng sản, dệt may,... đến với 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.


P.V: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của ngành theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh, ngành Công thương sẽ tập trung thực hiện các nội dung gì?


Đồng chí Phan Thanh Tịnh: Nghị quyết XVII tỉnh Đảng bộ đặt ra đối với lĩnh vực Công thương là góp phần tích cực thực hiện đạt mục tiêu Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực Bắc miền Trung vào năm 2015; tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; tỷ trọng CN-XD chiếm 39-40%; dịch vụ 39-40% trong cơ cấu kinh tế; kim ngạch xuất khẩu đạt 500-550 triệu USD... Để đạt được chỉ tiêu này, ngành Công thương đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp sau:


Một là, nâng cấp và mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại: đường giao thông, sân bay, bến cảng, nguồn và lưới điện, hệ thống cấp thoát nước, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, phát triển nhanh hệ thống cửa khẩu và thương mại biên giới. Tập trung đầu tư Khu kinh tế Đông Nam, Khu công nghiệp Đông Hồi, Khu công nghiệp Hoàng Mai, Khu công nghiệp Nghĩa Đàn, các cụm công nghiệp. Hoàn chỉnh mạng lưới cấp điện, nhất là cấp điện cho khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp và các khu đô thị mới.

Hai là, cải thiện môi trường đầu tư và vận động xúc tiến đầu tư, quản lý tốt thị trường, chống gian lận thương mại: chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp nhằm giảm chi phí, phát huy tối đa công suất, tăng khả năng cạnh tranh thị trường. Tập trung đẩy nhanh các dự án sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn trong và ngoài tỉnh. Rà soát, bổ sung các chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, chính sách khuyến công, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Thực hiện chế độ công khai, ổn định, minh bạch hóa chính sách.


Ba là, tập trung phát triển công nghiệp để hình thành nhanh 3 vùng kinh tế trọng điểm: vùng Thành phố Vinh - Khu kinh tế Đông Nam gắn với vùng Nam Nghệ - Bắc Hà tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dệt may thu hút nhiều lao động, công nghiệp chế biến đá trắng, tập trung đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cấm, Thọ Lộc; vùng Hoàng Mai - Đông Hồi gắn với vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ phát triển các ngành công nghiệp động lực như: xi măng, nhiệt điện, luyện thép, công nghiệp cơ khí, hóa chất; đầu tư xây dựng cảng Đông Hồi, Khu công nghiệp Đông Hồi, Hoàng Mai; vùng Tân Kỳ - Đô Lương - Thái Hòa - Quì Hợp tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản (mía, cao su, cà phê, chế biến hoa quả, chế biến thịt, sữa, bột giấy) phát triển các ngành công nghiệp động lực (thủy điện, xi măng, vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản), xây dựng các khu công nghiệp Phủ Quỳ, Nghĩa Đàn, Sông Dinh, Tân Kỳ, Tri Lễ và các cụm công nghiệp.


Bốn là, tập trung khuyến khích phát triển xuất khẩu: hướng đến công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Tiếp tục đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng các sản phẩm thay thế hàng nhập.


Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước: rà soát và bổ sung hoàn chỉnh qui hoạch phát triển công nghiệp, thương mại gắn với qui hoạch phát triển kinh tế miền Tây; qui hoạch Khu kinh tế Đông Nam và việc hình thành, phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ban hành các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch. Quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác khoáng sản. Nâng cao vai trò và hiệu quả của hoạt động khuyến công. Thực hiện tốt thanh tra chuyên ngành về hoạt động, an toàn điện, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản; kiểm tra kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại.


P.V: Xin cảm ơn đồng chí!


Hữu Nghĩa (Thực hiện)

Mới nhất
x
Tạo khí thế mới thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh trên lĩnh vực Công thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO