Tảo mộ- nét đẹp văn hoá tâm linh ngày Tết

09/02/2013 20:04

(Baonghean.vn) - Cứ vào chiều 30 tết hàng năm, con cháu trong dòng họ Trần Đình chúng tôi lại tựu trung đầy đủ để cùng nhau đi Tảo mộ tại nghĩa trang dòng họ.

Ngày trước khi mộ phần các cụ đang còn là mộ đất, mỗi lần đi tạo mộ chúng tôi mang theo cuốc, rổ, chậu thau… và một bó hương. Vừa thăm, kiểm tra mộ phần, chúng tôi vừa lấy đất, cỏ gia cố bồi đắp thêm vào những chỗ mộ bị lún lở và phần chóp mộ, phát cỏ dại. Sau khi tập trung lực lượng gia cố chỉnh trang tại khu mộ các cụ tổ thì con cháu các chi phái mới toả về khu mộ dành riêng của Chi phái mình để làm các công việc tạo mộ. Xong việc gia cố phần mộ, lần lượt các cụ lớn tuổi đến con cháu thắp hương khấn mời tổ tiên, cố can, ông bà về ăn tết.

Khoảng 10 năm trở lại nay, cuộc sống đã được nâng lên, nhờ sự phù hộ của tổ tiên, các bậc bề trên mà con cháu đã có của ăn của để, cơ bản đã đầu tư xây dựng kiên cố kể cả mộ phần. Vì vậy, cứ vào chiều 30 Tết chúng tôi vẫn tập trung đi tạo mộ nhưng dụng cụ mang theo cũng đã khác, đó là nước vôi, hoặc sơn, chổi, khăn sạch để làm vệ sinh toàn bộ khu mộ. Con cháu lần lượt thắp hương khấn vái cố can, ông bà…, kính mời tổ tiên, cố can, ông bà, các bậc bề trên về ăn tết sum vầy cùng con cháu. Đúng như câu ca dao:

“ Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”

Xong thủ tục “ Tảo mộ” tại nghĩa trang, chúng tôi tựu trung tại nhà thờ của dòng họ (nhà thờ Đại tôn) để lau chùi dọn dẹp, bày lễ thắp hương. Theo quan niệm các cụ truyền bảo, khi đi tạo mộ thắp hương mời tổ tiên, cố can, ông bà về nhà ăn tết thì các cụ sẽ về cùng nên ai cũng rất phấn khởi, tự giác, trách nhiệm rất cao. Đồng thời với việc đi tảo mộ, mời các cụ về nhà ăn tết thì ở nhà, các gia đình trong dòng họ đều đã chuẩn bị bày sẵn mâm cơm, cỗ xôi gà để cúng các cụ, đợi khi người đi tảo mộ về là thắp hương cúng rước mời các cụ ở lại cùng ăn Tết với con cháu. Các cụ sẽ ăn Tết cùng con cháu cho đến hết ngày mồng Ba có lễ đưa các cụ trở lại cõi vĩnh hằng.



Khấn mời các Cụ về nhà ăn Tết cùng con cháu.

Tục đi tảo mộ trong ngày 30 tết không phải địa phương, dòng họ nào cũng giống nhau mà tuỳ quy ước nội bộ. Có những địa phương, dòng họ quy định đi tảo mộ vào ngày 23 tháng Chạp (ngày cúng ông Táo), nhưng có địa phương lại chọn này rằm tháng Giêng hoặc ngày Mồng 10 tháng 3- ngày giỗ Quốc Tổ…

Tuy nhiên, mỗi thời điểm “Tảo mộ” đều có ý nghĩa tâm linh riêng. Tảo mộ vào ngày 30 Tết, đó là thời điểm kết thúc một năm cũ với bao bộn bề cuộc sống, anh em đoàn tụ cùng hướng về tổ tiên, cố can ông bà để chiêm nghiệm lại ơn đức của các bậc sinh thành, dưỡng dục thì để tỏ lòng thành kính nguyện nỗ lực học tập, lao động, công hiến, không phụ lòng mong mỏi của các bậc tiên tổ. Có thể nói phong tục tảo mộ ngày 30 Tết là một nét đẹp văn hoá tâm linh, cần phải được gìn gữ phát huy /.


Hữu Nghĩa

Mới nhất
x
x
Tảo mộ- nét đẹp văn hoá tâm linh ngày Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO