Tạo nguồn cán bộ cho các xã nghèo

12/08/2011 11:25

Theo quyết định 170/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học làm Phó Chủ tịch UBND các xã nghèo. Nghệ An là một trong 5 tỉnh được thí điểm triển khai đợt 1 ở 15 xã thuộc 3 huyện nghèo  (Tương Dương 5 xã, Kỳ Sơn 5 xã, Quế Phong 5 xã).

(Baonghean) - Theo quyết định 170/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học làm Phó Chủ tịch UBND các xã nghèo. Nghệ An là một trong 5 tỉnh được thí điểm triển khai đợt 1 ở 15 xã thuộc 3 huyện nghèo (Tương Dương 5 xã, Kỳ Sơn 5 xã, Quế Phong 5 xã).

Để triển khai dự án này, Sở Nội vụ đã có Kế hoạch số 834/SNV- KH ngày 15/1/2011 hướng dẫn về tuyển chọn tri thức trẻ làm cán bộ. Theo chỉ tiêu đợt này, toàn tỉnh chỉ tuyển chọn 15 trí thức trẻ nhưng đến nay đã có hơn 50 bộ hồ sơ gửi về Phòng Nội vụ các huyện. Ông Lang Văn Quế- Phó phòng xây dựng chính quyền Sở Nội vụ cho biết: "Để đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật, trong việc tuyển dụng công chức, mỗi ứng cử viên sẽ nộp 3 bộ hồ sơ. Một bộ nộp tại UBND các huyện ( qua Phòng Nội vụ), 1 bộ nộp Sở Nội vụ tỉnh, 1 bộ gửi Ban quản lý dự án 600 phó chủ tịch xã. Việc tuyển chọn được thực hiện bằng phương thức xét kết quả học tập chuyên môn, nghiệp vụ và phỏng vấn trực tiếp các ứng cử viên về nhận thức, hiểu biết, kỹ năng ứng xử, tố chất lãnh đạo, năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu công việc của chức danh Phó chủ tịch UBND xã. Ưu tiên cán bộ, công chức đang công tác ở các xã, huyện nghèo, người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số, am hiểu phong tục tập quán địa phương; có kinh nghiệm trong quản lý hành chính; đã qua công tác đoàn thể; tốt nghiệp các chuyên ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật, nông lâm nghiệp...

Tuy có ưu thế về trình độ, năng lực nhưng các trí thức trẻ lại hạn chế ở kinh nghiệm quản lý, kỹ năng mềm để xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình công tác trong khi đối tượng làm việc, tiếp xúc phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế. Do vậy nói để đồng bào hiểu, nghe, tin và làm theo là cả một vấn đề đòi hỏi người cán bộ trẻ phải thường xuyên đi sâu, đi sát, gần gũi, lắng nghe ý kiến của người dân và không ngừng học hỏi. Theo anh Nguyễn Văn Bảo- Trưởng ban thanh niên công nhân đô thị Tỉnh đoàn thì " Trí thức trẻ được tuyển chọn phải là những người có tinh thần xung kích, tình nguyện, không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh nhưng quan trọng hơn là chính quyền sở tại phải đồng thuận, có cơ chế thoáng, rõ người, rõ việc và tạo "đất dụng võ" để người trẻ phấn đấu tránh cục bộ, địa phương".

Trí thức trẻ về công tác tại các xã nghèo sẽ được hưởng tất cả các chế độ chính sách như một Phó chủ tịch xã, gồm: Lương, hệ số phụ cấp, ưu đãi vùng miền... tạo điều kiện vật chất, tinh thần để họ yên tâm công tác và gắn bó với địa phương. Nhưng vấn đề " hút" trí thức trẻ chính là sau thời gian 5 năm kết thúc dự án, họ sẽ được bố trí làm việc ở xã đang công tác hoặc các cơ quan chuyên môn cấp huyện, tỉnh ( căn cứ nhu cầu thực tiễn địa phương). Trường hợp địa phương nơi trí thức trẻ tình nguyện đến công tác không bố trí được việc làm, hoặc thành viên không có nguyện vọng ở địa phương muốn xin về cơ quan, sẽ được UBND tỉnh ưu tiên xét tuyển vào công chức, viên chức theo qui định của pháp luật, chứ không phải thi tuyển công chức.

Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các xã thuộc huyện nghèo còn hạn chế về trình độ chuyên môn cũng như năng lực nên việc tổ chức, triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Vì vậy, việc tuyển chọn những trí thức trẻ ưu tú, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ đại học để đào tạo, bồi dưỡng sau đó bố trí về làm Phó Chủ tịch UBND xã là chủ trương đúng đắn, tạo nguồn cán bộ cho các xã vùng khó khăn.


Khánh Ly

Mới nhất

x
Tạo nguồn cán bộ cho các xã nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO