Tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài theo Nghị quyết 11-NQ/TW
(Baonghean) - Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết 14 -NQ/TU, Nghị quyết 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An và đã được các ngành, địa phương triển khai thực hiện một cách sáng tạo, linh hoạt đảm bảo tiêu chí “động” và “mở”, tránh cục bộ khép kín; từ đó tạo động lực cho cán bộ phát huy tốt năng lực, sở trường, góp phần thúc đẩy phong trào chung của tỉnh và của mỗi ngành, mỗi địa phương.
Tìm môi trường thử thách cán bộ
Là đô thị trẻ mới được thành lập năm 2013, thị xã Hoàng Mai xác định công tác luân chuyển, điều động cán bộ là một yêu cầu cấp thiết để hoàn thiện bộ máy đáp ứng nhiệm vụ chính trị của thị xã. Vì vậy, khi xác định rõ nơi nào còn “hổng”, yếu kém, thị ủy Hoàng Mai sẽ điều động, luân chuyển cán bộ có trình độ chuyên môn và năng lực phù hợp để “lấp đầy”.
Ví như xã Quỳnh Vinh - địa bàn đông dân, diện tích chiếm 1/4 của thị xã, một thời gian dài trì trệ, công tác quản lý, điều hành của địa phương trên nhiều lĩnh vực yếu kém; một số cán bộ chủ chốt sai phạm và bị xử lý kỷ luật; uy tín của cán bộ trong nhân dân giảm sút.
Lãnh đạo xã Hữu Kiệm (Tương Dương) kiểm tra việc làm đường giao thông thôn bản. Ảnh: P.V |
Trước thực tế đó, tháng 4/2015, đồng chí Hồ Sỹ Tùng - Trưởng phòng Tài chính thị xã được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Vinh. Với tinh thần, trách nhiệm cũng như năng lực, uy tín của bản thân, đồng chí Hồ Sỹ Tùng đã cùng với cấp ủy, chính quyền gây dựng lại mối đoàn kết, cộng sự trong nội bộ, vực dậy phong trào của địa phương, lấy lại niềm tin trong nhân dân, bắt đầu từ thay đổi phương pháp, lề lối làm việc, xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch, quy chế làm việc của cấp ủy một cách bài bản; sát với thực tiễn, phân công rõ người rõ việc.
Bên cạnh đó, quan tâm giải quyết hàng loạt vấn đề bức thiết trong dân như cải tạo cơ sở vật chất trường lớp học; nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn; cải thiện chất lượng điện sinh hoạt, khắc phục cầu bị sập nhiều năm không được sửa chữa…trên cơ sở phát huy dân chủ, công khai minh bạch các nguồn thu từ sự đóng góp của dân.
Tân Bí thư Đảng ủy xã Hồ Sỹ Tùng chia sẻ: “Từ chỉ quen làm một việc chuyên môn, nay nhờ xuống cơ sở mà bản thân tôi được tiếp cận với tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, đồng thời thay đổi phong cách làm việc theo hướng vừa bao quát, vừa cụ thể”.
Theo Bí thư Thị ủy Hoàng Mai - đồng chí Đoàn Hồng Vũ, thì muốn “luyện quân” phải ném vào nơi khó khăn để cán bộ trải qua thử thách, đúc rút kinh nghiệm, thể hiện bản lĩnh và trưởng thành trong thực tiễn. Đây cũng là giải pháp để khắc phục tâm lý thỏa mãn, muốn chọn nơi công tác dễ dàng, ổn định chức vụ, không chịu nỗ lực học tập của cán bộ.
Nhờ cách làm này, công tác luân chuyển cán bộ ở thị xã Hoàng Mai thời gian qua đáp ứng được mục tiêu bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, ngoài 18 cán bộ từ cấp trên về, từ thị xã lên cấp trên và giữa các huyện với thị xã, thì trong vòng 4 năm, thị xã đã tiến hành luân chuyển ngang giữa chính quyền, Đảng, MTTQ và đoàn thể cấp thị xã 12 cán bộ; luân chuyển từ cơ sở lên là 15 cán bộ và luân chuyển từ thị xã về cơ sở 1 cán bộ.
Đồng chí Vang Hồng Chuyên - Chủ tịch UBND xã Thạch Giám kiểm tra tình hình sản xuất của người dân. Ảnh: P.V |
Đối với huyện Thanh Chương, công tác luân chuyển cán bộ đã có sự đổi mới. Ở các nhiệm kỳ trước, công tác luân chuyển chỉ giải pháp tình thế, mang tính “chữa cháy”, tăng cường cán bộ cho các cơ sở khó khăn, yếu về phong trào hoặc “khủng hoảng” về cán bộ, đáp ứng nhu cầu trước mắt.
Còn bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác luân chuyển cán bộ được Huyện ủy cụ thể hóa bằng Đề án số 02-ĐA/HU ngày 10/10/2016 về đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, nhằm tạo môi trường để cán bộ lãnh đạo, quản lý phát huy năng lực, sở trường của mình, đồng thời góp phần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua thực tiễn công tác. Với nhận thức đó, từ sau khi Đề án số 02-ĐA/HU ban hành đến nay, Huyện ủy Thanh Chương đã đưa 3 cán bộ trẻ, có năng lực và trong diện quy hoạch về đảm nhận các vị trí chủ chốt ở cấp xã.
Đồng chí Nguyễn Trọng Anh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương chia sẻ: Trong 3 đồng chí được luân chuyển về cơ sở gần đây, gồm Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện về đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Thanh Dương, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH về đảm nhận Chủ tịch UBND xã Thanh Văn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện về đảm nhận Bí thư Đảng ủy xã Thanh Nho đều là những địa phương có phong trào phát triển đồng đều. Vì vậy, muốn tạo ra được sự phát triển cao hơn, nổi bật hơn, đòi hỏi bản thân cán bộ luân chuyển và cấp ủy, chính quyền sở tại phải đoàn kết, cộng sự, hỗ trợ lẫn nhau.
Quan tâm công tác luân chuyển ngang
Tại một số địa phương, ngoài luân chuyển “trên xuống, dưới lên”, công tác luân chuyển ngang tuy khó (vì tâm lý cán bộ không muốn chuyển sang khối dân, khối đảng; và tư tưởng cục bộ, địa phương) nhưng cũng được quan tâm, thực hiện quyết liệt.
Đơn cử tại huyện Đô Lương nhiều năm nay thực hiện thí điểm khá thành công việc luân chuyển cán bộ chủ chốt giữa các xã, thị trấn với nhau. Cụ thể, thực hiện Đề án số 05-ĐA/HU của BTV Huyện ủy về “luân chuyển, bố trí lại cán bộ cơ sở”, từ năm 2013 đến 2015, huyện đã thực hiện luân chuyển 6 cán bộ chủ chốt giữa các xã với nhau gồm 2 đồng chí Bí thư Đảng ủy xã (Lưu Sơn và Đà Sơn); 2 đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã (thị trấn và xã Đông Sơn); 2 đồng chí Chủ tịch UBND xã (Lam Sơn - Bồi Sơn).
Năm 2017, BTV Huyện ủy Đô Lương tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình luân chuyển 2 cặp gồm 4 cán bộ chủ chốt cấp xã (Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn và Bài Sơn; Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn - Giang Sơn Đông). Bên cạnh công tác luân chuyển, việc bố trí, phân công lại cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn cũng được huyện quan tâm.
Từ khi có Đề án 05-ĐA/HU đến trước đại hội đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Đô Lương đã bố trí, phân công lại 38 lượt cán bộ chủ chốt thuộc diện BTV Huyện ủy quản lý tại 14 đơn vị. Tại đại hội đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục bố trí, phân công lại 94 lượt cán bộ chủ chốt xã, thị trấn thuộc diện BTV Huyện ủy quản lý tại 28 đơn vị.
Luân chuyển về xã, nhiều cán bộ chỉ đạo cơ sở đẩy mạnh phát triển sản xuất, đưa cơ giới vào đồng ruộng. Ảnh: P.V |
Tương tự, tại huyện miền núi Quỳ Châu những năm gần đây cũng đã có bước đột phá trong công tác cán bộ khi mạnh dạn thực hiện luân chuyển ngang giữa các xã với nhau. Đến nay huyện đã thực hiện luân chuyển ngang 4 vị trí.
Một số đồng chí sau khi luân chuyển đã khẳng định được năng lực bản thân và được điều động lên vị trí cao hơn, như trường hợp đồng chí Lê Tuấn Khang - Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh được điều động về làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Châu Nga. Sau đó đồng chí Lê Tuấn Khang tiếp tục được điều động về công tác tại Hội Nông dân huyện…
Theo lãnh đạo các địa phương, thì mục đích của việc luân chuyển, bố trí, phân công lại cán bộ chủ chốt cấp xã không chỉ tránh sức ỳ mà còn đòi hỏi cán bộ không thể tự bằng lòng “dẫm chân tại chỗ” mà phải luôn học hỏi, rèn luyện, cọ xát với thực tiễn để thích nghi với môi trường mới. Qua thực hiện công tác luân chuyển đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có thực lực trước mắt và lâu dài cho địa phương…
Đối với huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, xác định công tác cán bộ là “chìa khóa” để đưa địa phương thoát nghèo bền vững, bên cạnh thực hiện đề án luân chuyển cán bộ quản lý từ các phòng, ban của huyện về giúp tuyến cơ sở, Kỳ Sơn mạnh dạn thực hiện luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ tỉnh gắn với Đề án vị trí việc làm.
Theo đó, huyện đã thực hiện luân chuyển, kiện toàn 17 vị trí trong đội ngũ cán bộ công chức Huyện ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể trên cơ sở đánh giá khả năng tiếp cận công việc, năng lực chuyên môn, bằng cấp, sở trường, năng khiếu của từng cán bộ và yêu cầu công việc đặt ra…
“Việc luân chuyển ngang cán bộ, công chức Huyện ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được đào tạo một cách toàn diện, được rèn luyện, thử thách, trau dồi trong những môi trường thực tiễn khác nhau nhằm phục vụ tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Để tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, huyện Kỳ Sơn đang nghiên cứu triển khai phương án điều động, luân chuyển ở cấp xã, theo đó nếu các vị trí như Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã không phát huy được, làm việc kém hiệu quả sẽ thí điểm luân chuyển sang địa bàn khác” - đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn khẳng định.
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Khánh - Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thì nhìn chung, cấp ủy các cấp đã chủ động xây dựng và thực hiện đề án, kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ trên cơ sở thực tiễn của địa phương, quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng làm cho cán bộ, đảng viên thống nhất về nhận thức trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý…
Từ đó, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được đào tạo một các toàn diện, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn; bổ sung cán bộ có thực lực cho các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, khó khăn, yếu kém…
Từ đầu năm 2011 đến 30/8/2016, toàn tỉnh Nghệ An có 139 cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động; trong đó có 41 cán bộ từ tỉnh về giữ chức bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch cấp huyện; 46 cán bộ từ huyện và tương đương về giữ vị trí trưởng, phó các ban, ngành cấp tỉnh; 52 cán bộ từ ngành này sang ngành khác. Riêng cán bộ diện ban thường vụ các cấp, sở, ban, ngành, huyện, thành, thị quản lý đã có trên 1.192 lượt cán bộ được luân chuyển. |
Nhóm P.V
(còn nữa)
TIN LIÊN QUAN |
---|