Tạo sân chơi thể thao cho thương binh

28/07/2014 20:24

(Baonghean) - Dù phải vĩnh viễn bỏ lại một phần cơ thể ở chiến trường, dù hàng ngày phải chịu đựng những nỗi đau, sự vất vả do thương tật nhưng cũng như những người bình thường khác, các thương binh cũng có nhu cầu tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao. Bởi tập luyện đúng cách cũng là “thần dược” giúp đẩy lùi những cơn đau, sống lạc quan, yêu đời, có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội...

Ở khối Phong Toàn (phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh), ai cũng biết đến bác Thái Khắc Hoàng (SN 1952), không chỉ là người tích cực trong các hoạt động xã hội mà còn là một thương binh tích cực tập luyện thể dục, thể thao. Năm 1972, trong một trận chiến đấu ở Tây Nguyên, bác bị trúng đạn pháo làm mất một cánh tay và bị thương ở chân. Sau khi xuất ngũ về địa phương, từ cuối những năm 1980, bác bắt đầu tham gia tập luyện cầu lông. Bác Hoàng cho biết, ban đầu, bác gặp khá nhiều khó khăn do thương tật nhưng được sự khích lệ của mọi người và bằng nhiệt huyết của người lính, bác đã nỗ lực tập luyện cầu lông và gắn bố với môn thể thao này từ đó đến nay. Từng là giáo viên của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh), sau khi nghỉ hưu, bác là một trong những người đứng ra vận động thành lập Hội Người khuyết tập Thành phố Vinh (ra đời vào tháng 12/2012).

Bên cạnh việc động viên, giúp đỡ và tạo cơ hội để người khuyết tật khắc phục khó khăn, vươn lên học văn hóa, học nghề và lao động sản xuất, bác Hoàng cùng các thành viên trong ban chấp hành hội và ban điều hành các câu lạc bộ động viên những người khuyết tật trên địa bàn thành phố tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Bác Hoàng tâm sự: "Tôi tập luyện thể thao vừa để giữ sức khoẻ, vừa thực hiện tâm niệm khơi dậy phong trào rèn luyện thể thao cho thương binh nói riêng và người khuyết tật nói chung. Thể thao còn cho tôi cơ hội để giao lưu, gặp gỡ bạn bè đồng chí, đồng đội. Sức khoẻ do tập luyện thể thao mang lại giúp tôi và những người cùng cảnh ngộ chiến thắng những cơn đau về thể xác, sống lành mạnh, để hoà cùng sự phát triển, vươn lên từng ngày của đất nước".

Thương binh Thái Khắc Hoàng luyện tập cầu lông hàng ngày.
Thương binh Thái Khắc Hoàng luyện tập cầu lông hàng ngày.

Hiện nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của đối tượng người khuyết tật nói chung và thương binh nói riêng trên địa bàn thành phố khá lớn, và đã xuất hiện nhiều tấm gương thương binh tích cực tập luyện thể dục, thể thao để sống vui, sống khỏe như bác Nguyễn Cường Tráng (SN 1943, ở khối Trung Hòa, phường Hà Huy Tập), là thương binh 2/4 thường xuyên chơi bóng bàn; bác Trần Nguyên Phóng (SN 1953, trú ở khối Yên Toàn, phường Hà Huy Tập), cụt một chân nhưng vẫn thường xuyên chơi cầu lông… Theo bác Hoàng, ngoài những môn như cờ tướng, cờ vua, với những môn đòi hỏi thể lực và sự vận động như bóng bàn, cầu lông, đua xe lăn, đua xe đạp… rất khó khăn cho các thương binh trong tập luyện, thi đấu. Tuy nhiên, nếu thật sự đam mê và nỗ lực vượt khó thì thể thao sẽ mang đến các thương binh nhiều niềm vui trong cuộc sống, giúp họ quên đi nỗi đau thể xác, mặc cảm tật nguyền hàng ngày để sống lạc quan hơn, có ích hơn.

Tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An hiện đang điều trị cho 72 thương, bệnh binh của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó có 65 thương, bệnh binh nặng (tỉ lệ thương tật từ 81% trở lên), 41 thương, bệnh binh bị nhiễm chất độc da cam. Nhắc đến trung tâm, nhiều người nghĩ ngay đến những người thương binh nặng hàng ngày phải dựa vào sự chăm sóc của những cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng viên mà không biết rằng rất nhiều những thương binh ở đây là những tấm gương vượt lên nỗi đau thương tật. Điều đó thể hiện ở chỗ, họ không chỉ cố gắng tự lực một phần trong cuộc sống hàng ngày, mà còn tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. Tại đây, từ cuối những năm 1990 đã có một đội bóng chuyền gồm hơn 10 thương binh – những người phần lớn thời gian hàng ngày phải ngồi trên xe lăn.

Đến bây giờ, thời gian, tuổi tác đã làm đội bóng không còn được nhiều thành viên và cũng không tập luyện thường xuyên như trước kia. Nhưng nhiều người trong số đó, bên cạnh việc tích cực tập thể dục hàng ngày, thỉnh thoảng vẫn chơi bóng chuyền với nhau ở sân bóng chuyền của trung tâm, như các bác Ngô Xuân Kiện (SN 1947), Nguyễn Văn Đơn (SN 1952), Nguyễn Đình Sáu (SN 1954)… Bên cạnh bóng chuyền, nhiều thương binh ở trại trung tâm còn tìm đến những môn thể thao khác phù hợp với điều kiện thể chất của mình như: cờ tướng, bóng bàn, đua xe lăn… Các bác không chỉ là tấm gương cho thương binh, cho phong trào tự rèn luyện sức khỏe mà còn thể hiện được tinh thần và khí chất của người lính Cụ Hồ.

Được biết, tùy theo mức độ thương tật, để rèn luyện sức khỏe, các thương binh có thể tham gia nhiều môn thể thao như cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, đua xe lăn, đua xe lắc, bi-a, bơi lội, kéo co, đua xe đạp chậm… Để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo điều kiện để thương binh hòa nhập cộng đồng, đồng thời đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể chất và nâng cao đời sống tinh thần cho các đối tượng là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, một số tỉnh như Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang… đã tổ chức được những Hội thi thể thao dành cho thương binh. Tuy nhiên, ở tỉnh ta, trong một thời gian dài vẫn chưa tổ chức được giải thể thao nào dành riêng cho đối tượng người khuyết tật nói riêng và thương binh nói chung, dù Nghệ An là tỉnh có số lượng thương binh rất lớn (hơn 40 nghìn người), dẫn đến phong trào tập luyện thể thao trong đối tượng này còn hạn chế. Thiết nghĩ, các địa phương và ban, ngành liên quan cần quan tâm tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động thể dục, thể thao dành riêng cho đối tượng thương binh nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chính sách người có công, chất lượng phong trào đền ơn đáp nghĩa một cách thiết thực, ý nghĩa.

Minh Quân

Mới nhất
x
Tạo sân chơi thể thao cho thương binh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO