Tạo sức lan tỏa từ những mô hình

27/01/2015 09:48

(Baonghean) - Trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí số 10 về thu nhập được xem là tiêu chí trọng tâm và là khó thực  hiện. Song qua 4 năm thực hiện, cùng với việc dồn điền, đổi thửa, toàn tỉnh đã xây dựng được 28 mô hình cánh đồng mẫu lớn, 469 mô hình hỗ trợ sản xuất có hiệu quả; nhiều địa phương, hộ nông dân đã chọn được cho mình cách làm hướng bền vững. 

(Baonghean) - Trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí số 10 về thu nhập được xem là tiêu chí trọng tâm và là khó thực hiện. Song qua 4 năm thực hiện, cùng với việc dồn điền, đổi thửa, toàn tỉnh đã xây dựng được 28 mô hình cánh đồng mẫu lớn, 469 mô hình hỗ trợ sản xuất có hiệu quả; nhiều địa phương, hộ nông dân đã chọn được cho mình cách làm hướng bền vững.

Tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Theo chân cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, chúng tôi về xã Hưng Thắng xem mô hình nuôi lươn trong bể của anh Trần Ngọc Duyên. Đây là năm thứ 2 anh nuôi lươn trong bể. Lúc chúng tôi đến anh đang tháo nước để bắt lươn cho một thương lái từ Hà Nội vào đặt hàng... Hồi tháng 6/2014, anh Duyên mua của những người đi đặt trúm được 1 tạ lươn giống, anh chia 2 bể nuôi. Trong quá trình nuôi, anh loại bỏ 20kg lươn xấu, lươn không nhập đàn. Đến nay, sau 6 tháng nuôi, tuần trước anh xuất một bể được 150 kg. Bể còn lại cũng được hơn tạ rưỡi. Theo anh Duyên, lươn là vật nuôi dễ tính, cho thu nhập cao; từ 8 triệu tiền giống, sau 6 tháng nuôi anh thu về 48 triệu đồng tiền bán lươn thịt. Hiện nay, nhà anh còn 3 bể lươn mới thả giống.

Sản xuất mạ trên khay ở HTX dịch vụ Nam Cát (Nam Đàn).
Sản xuất mạ trên khay ở HTX dịch vụ Nam Cát (Nam Đàn).

Không chỉ nuôi lươn, anh Duyên còn nuôi 20 con lợn nái, 150 con lợn thịt. Mỗi năm xuất bán cho thị trường 500 con lợn thịt, mỗi đầu lợn lãi 400.000 đồng, anh đã có 200 triệu đồng. Riêng từ hiệu quả của mô hình nuôi lươn trong bể của anh Duyên, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã chọn để nhân rộng, đến nay trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đã có 6 hộ xây bể nuôi lươn.

Còn ở xã Diễn Thành (Diễn Châu), những ngày này bà con đang chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Diện tích quy hoạch hơn 100 ha dành cho cây dưa đã được xác định. Năm 2013 với nguồn kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng từ chương trình mục tiêu xây dựng NTM, xã chọn xóm 4 để xây dựng mô hình. Theo chị Đậu Thị Nghĩa, đội trưởng sản xuất thì trước đây xóm của chị chỉ có 4 - 5 hộ trồng dưa. Năm 2013, xóm được hỗ trợ tiền giống, vật tư phân bón, trạm khuyến nông huyện tư vấn kỹ thuật, đã trồng thành công cây dưa hấu, cho thu nhập mỗi sào từ 8 - 10 triệu đồng chỉ sau 3 tháng. Thấy được hiệu quả, xóm đã nhân rộng mô hình, đến nay có 80/120 hộ trong xóm trồng dưa. Vụ xuân năm nay, diện tích trồng dưa của xóm đã lên đến hơn 10 ha. Từ kết quả của xóm 4, cây dưa hấu đã được chọn một trong những cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích hơn 100ha.

Dịch vụ sản xuất mạ - hướng đi mới

Những ngày này, HTX dịch vụ Nam Cát (Nam Đàn) đang hoạt động hết “tốc lực”. Để đảm bảo đủ mạ cấy cho diện tích hơn 30 ha ruộng của bà con trong xã mà hợp tác xã đã ký hợp đồng. Ngoài ra, còn hàng chục ha mạ gia công cho bà con trong vùng. Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó chủ nhiệm HTX, nhu cầu của bà con khoảng 200 ha, nhưng hợp tác xã mới thành lập nên chưa đủ sức “ôm”. HTX thành lập bởi 36 cổ đông, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh ngoài dịch vụ nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, HTX còn chọn cho mình một ngành nghề mà trong tiền lệ chưa từng có là dịch vụ cày bừa, cấy hái “trọn gói” cho bà con nông dân. Giá được niêm yết công khai, có tính tới yếu tố cạnh tranh. Cày 70.000 đồng/sào, bừa 140.000 đồng/sào; bắc mạ, cấy 250.000 đồng/sào… Năm 2014, được sự hỗ trợ của chương trình NTM 130 triệu đồng, HTX đầu tư thêm 400 triệu đồng xây dựng nhà lưới để sản xuất mạ khay. Hiện tại HTX chỉ mới có 2 máy gặt, 2 máy cấy, sắp tới sẽ kêu gọi thêm cổ đông góp vốn để mua thêm 2 máy cày, 2 máy cấy nữa để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Đồng thời bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh mới là sản xuất rau sạch để cung cấp cho thị trường TP Vinh, tận dụng cơ sở vật chất nhà lưới sau mùa xuất mạ để sản xuất rau an toàn.

Với cách làm đó, người nông dân sẽ được giải phóng sức lao động, rút lực lượng trong sản xuất nông nghiệp để điều tiết cho các hoạt động thương mại dịch vụ. Theo ông Nguyễn Hữu Nhuần, Trưởng phòng Nông nghiệp Nam Đàn, Phó ban chỉ đạo NTM của huyện trong vài năm tới huyện sẽ ưu tiên đầu tư để các HTX dịch vụ nông nghiệp đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị để vươn lên đảm nhận dịch vụ cày - cấy - gặt cho khoảng 1500 - 2000 ha trên địa bàn huyện. Tại Diễn Châu, theo ông Nguyễn Xuân Đài, Trạm trưởng trạm Khuyến nông huyện, đơn vị được giao nhiệm vụ tư vấn lựa chọn cây con, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả cao của chương trình mục tiêu xây dựng NTM, thì các mô hình lựa chọn triển khai ở cơ sở đạt hiệu quả rất cao, đã tăng nguồn thu nhập cho bà con nông dân. Đồng thời thay đổi nhận thức, giúp họ tiếp cận với sản xuất trong cơ chế thị trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình còn có những điều chỉnh để tăng tính hiệu quả. Trước hết, lựa chọn cây chủ lực phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để phù hợp với thổ nhưỡng, thói quen, tập quán canh tác. Ví dụ như đối với Diễn Châu, cây lạc phải là ưu tiên lựa chọn số 1, còn với huyện Anh Sơn, Thanh Chương phải tính đến cây chè…Về mặt kinh phí bố trí cho các mô hình cũng cần được phân bổ sớm. Đến nay, nguồn phân bổ cho các mô hình sản xuất năm 2015 vẫn chưa được phân khai. Ban chỉ đạo các cấp cần tập hợp lựa chọn, phân bổ cho các địa phương từ cuối năm trước để thông báo cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất. Cùng đó, cần tính toán để các mô hình bố trí vốn từ 2-3 năm nhằm tạo sự phát triển ổn định, tăng tính lan tỏa ở cơ sở.

Bài, ảnh: Anh Tuấn

Tạo sức lan tỏa từ những mô hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO