Tập đoàn hàng đầu của Mỹ tìm cơ hội ở Việt Nam

08/06/2014 18:51

Ngay trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ diễn ra vào ngày 5/6 tại Hà Nội, đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, do ông Alexander C. Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN dẫn đầu, đã có chuyến thăm và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Không có nhiều tên tuổi lớn như trong chuyến thăm hồi cuối tháng 2/2014, như Boeing, General Electric, Coca-Cola, Exxon Mobil, Abbott, PepsiCo, Ford…, nhưng Mead Johnson, General Atlantic, hay AES, Marsh&McLennan, Qualcomm… của chuyến thăm lần này cũng là những tập đoàn hàng đầu ở Mỹ.

“Chúng tôi tới Việt Nam là để tiếp tục khẳng định mối quan tâm, sự tin tưởng và quyết tâm đầu tư ở Việt Nam của các tập đoàn Hoa Kỳ”, ông Feldman đã khẳng định như vậy với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Cũng chính đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, khi làm việc với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hồi cuối tháng 2 năm nay đã khẳng định một điều tương tự.

Khi ấy, vị lãnh đạo của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã chia sẻ rằng, chưa bao giờ có một đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn như vậy tìm đến Việt Nam và đó chính là sự ghi nhận cho mức độ quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

“Doanh nghiệp Hoa Kỳ rất hứng khởi với các cơ hội được mở ra từ thị trường Việt Nam, đặc biệt là tương lai xán lạn khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, vị lãnh đạo Hội đồng nói.

Điều này lại một lần nữa được ông Feldman khẳng định, ngay trước thềm VBF, với chủ đề “Từ chương trình tới hành động - Chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới”.

Cuối tháng 2/2014, khi báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Tập đoàn Exxon Mobil đã chia sẻ kế hoạch đầu tư Dự án Cụm Khí - Điện miền Trung, với quy mô vốn có thể lên tới 20 tỷ USD.

Không tới Việt Nam trong những ngày đầu tháng 6 này, nhưng cuối tháng 5/2014, hai vị Phó chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil đã tới Việt Nam và có cuộc gặp với các quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam. Thông tin liên quan đến dự án nói trên không được đề cập, song các cam kết tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên, đã thêm một lần nữa được khẳng định.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, giữa hai chuyến đi này là những sự kiện liên quan đến các hành vi manh động, đập phá nhà xưởng tại một số khu công nghiệp trong cả nước, khiến dư luận lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam, cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong thời gian tới.

Song có vẻ như, niềm tin của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với Việt Nam vẫn không giảm sút, khi mà tiếp tục có những mối quan tâm tới các dự án hạ tầng, các dự án năng lượng tái tạo, cũng như khả năng tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.

Tương tự, niềm tin cũng được khẳng định bằng chính các dự án FDI mà tỉnh Bình Dương vừa trao cho các nhà đầu tư vào ngày 4/6. Theo đó, trong số 41 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư đợt này, có 10 dự án đăng ký sau ngày xảy ra vụ gây rối.

Tổng vốn đầu tư cho các dự án này không quá lớn (146 triệu USD), nhưng sự có mặt của các nhà đầu tư Nhật Bản (10 dự án, vốn đăng ký 48 triệu USD), Hàn Quốc (9 dự án, 28 triệu USD), Trung Quốc (5 dự án, 18 triệu USD), Hồng Kông (4 dự án, 22 triệu USD), Đài Loan (3 dự án, 7,5 triệu USD), trong đợt trao giấy chứng nhận đầu tư đợt II năm 2014 của tỉnh Bình Dương - một trong những tỉnh nằm trong “điểm nóng” đập phá nhà máy - còn hơn cả lời cam kết.

Trước đó, thông tin từ Ban quản lý KCN TP. Hải Phòng cho biết, vừa trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Bluecom Co., Ltd. (Hàn Quốc) để thực hiện Dự án Nhà máy Sản xuất loa TV, động cơ rung (điện thoại), tai nghe bluetooth tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng). Dự án có vốn đầu tư 50 triệu USD và dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 7/2014 ở một số hạng mục.

Các dự án này sẽ được ghi nhận vào vốn FDI trong tháng 6/2014 và sẽ góp phần cải thiện tổng vốn FDI vào Việt Nam trong nửa đầu năm, vốn đang trong xu hướng suy giảm.

Liên quan đến vấn đề này, trong một bản cáo cáo về kinh tế vĩ mô tháng 6/2014 với chủ đề Cái nhìn cận cảnh về FDI và giao thương, Ngân hàng HSBC cho rằng, trong số vốn FDI đang có ở Việt Nam, đa phần đến từ các nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan. Tuy vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây, nhưng tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc còn khiêm tốn, vì thế mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đơn thuần là mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1, hơn là mối quan hệ đầu tư.

“Các nhà đầu tư chính vẫn không thay đổi và vốn FDI vẫn có xu hướng vào Việt Nam”, HSBC nhận định và cho biết, từ lâu, HSBC đã lập luận rằng, các nước Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là Việt Nam và Indonesia, nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc của các công ty sản xuất cần sử dụng nhiều lao động như là sự đa dạng hóa đầu tư.

Điều này cũng đã được ông Hideo Okubo, Chủ tịch Tập đoàn Forval, khẳng định với Báo Đầu tư mới đây. “Làn sóng đầu tư của Nhật Bản ra bên ngoài vẫn đang theo xu hướng Trung Quốc +1 và Thái Lan +1. Khi hướng đến khu vực châu Á, nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tìm đến Việt Nam và Indonesia như là những điểm đến đầu tư đầu tiên. Làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng lên, chứ không giảm đi”, ông Okubo nói.

Theo baocongthuong

Mới nhất
x
Tập đoàn hàng đầu của Mỹ tìm cơ hội ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO