Tập trung cao cho huy động nguồn lực đầu tư bền vững, hiệu quả
(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Độ - Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An.
PV: Thưa đồng chí, tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2011 của tỉnh như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Độ: Năm 2011 là năm hết sức khó khăn do lạm phát, giá cả, khủng hoảng nợ công, biến động chính trị ở một số nước, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp,... ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An ký kết dự án với các nhà đầu tư. Ảnh: Sỹ Minh
Tuy vậy, kinh tế của tỉnh ta vẫn tiếp tục tăng trưởng khá: tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 10,38% /KH 11-12%; tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 28,35% năm 2010 xuống còn 27,06% năm 2011; công nghiệp xây dựng tăng từ 33,7% lên 34,86%. GTSX nông lâm thuỷ sản năm 2011 ước tăng 5,33%/ mục tiêu cả năm 3,5 - 4% so với năm 2010. Ngành công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng GTSX ước cả năm tăng 24,1% so năm 2010; tốc độ tăng trưởng GTSX ngành xây dựng ước tăng 12,04% so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng ước đạt 18%/KH 18 - 19%. Các hoạt động thương mại, du lịch, vận tải, thông tin truyền thông có tăng trưởng; hoạt động tài chính ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.
Đến 16/12/2011, đã cấp Giấy chứng nhận ĐKKD cho 1.283 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp của tỉnh lên trên 9.000 doanh nghiệp.
Thu ngân sách cao nhất trong khu vực Bắc Trung bộ, chi ngân sách đảm bảo các mục tiêu phát triển, an sinh xã hội.
Tuy vậy, vẫn còn một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch năm 2011 chưa hoàn thành (6/25 chỉ tiêu). Chỉ số giá có xu hướng tăng chậm nhưng chỉ số giá bình quân vẫn ở mức cao. Lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng. Dịch bệnh liên tiếp ảnh hưởng đến chăn nuôi, năng suất và sản lượng của một số sản phẩm nông nghiệp. Sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn thấp, nhiều dự án vướng mắc chậm được tháo gỡ, nhất là giải phóng mặt bằng ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư, thực hiện XDCB.
PV: Tình hình thực hiện cắt giảm đầu tư công và kiềm chế lạm phát ở các ngành, địa phương năm 2011 và 2012 như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Độ: Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch, quán triệt và chỉ đạo thực hiện tới các cấp, các ngành. UBND tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh việc phân bổ kế hoạch đầu tư nguồn vốn nhà nước năm 2011 theo yêu cầu của Trung ương, đồng thời có Quyết định 1871/QĐ-UBND ngày 27/5/2011 thực hiện đình hoãn khởi công mới 9 công trình với tổng số vốn 62,25 tỷ đồng (có tổng mức đầu tư 3.012 tỷ đồng). Thêm vào đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Văn bản số 6044/UBND.TK ngày 13/10/2011 về việc giãn tiến độ ban hành chủ trương đầu tư dự án xây dựng cơ bản để tập trung cho các công trình đang thực hiện.
Để đáp ứng được yêu cầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2012, Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP. Quán triệt Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Do vậy, trong năm 2012, các cấp, các ngành, các chủ đầu tư tổ chức rà soát để phân loại dự án và đề xuất hướng xử lý theo hướng dẫn của Trung ương; huy động và tăng cường các nguồn lực bằng nhiều hình thức phù hợp để từng bước xử lý cho các công trình, dự án dở dang, đồng thời thực hiện giải pháp siết chặt các dự án khởi công mới từ khâu chủ trương đầu tư.
PV: Xin đồng chí cho biết cụ thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp năm 2012?
Đồng chí Nguyễn Văn Độ: Năm 2011 là năm vô cùng khó khăn, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2012, về phía tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo một số giải pháp chủ yếu sau đây:
- Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, giảm thuế, giảm tiền thuê đất đối với một số tổ chức kinh tế...) theo quy định của Chính phủ và của UBND tỉnh đã ban hành.
- Ưu tiên ngân sách để trả nợ khối lượng XDCB cơ bản hoàn thành và đủ thủ tục theo quy định để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng.
- Chỉ đạo kịp thời thực hiện các chính sách tín dụng đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, thanh tra các hoạt động của các cơ sở tín dụng.
- Về lâu dài, tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc thực hiện cải cách hành chính, đồng thời xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp thời kỳ đến năm 2015 để định hướng cơ cấu phát triển doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh, vùng; tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao chất lượng, trình độ quản trị doanh nghiệp cùng với đề án đào tạo doanh nhân, phát triển nguồn lao động. Tăng cường thông tin cơ chế chính sách cũng như định hướng của tỉnh đến doanh nghiệp, người dân để doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp và thuận lợi.
PV: Dự báo tình hình vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Độ: Dự báo năm 2012 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức; nhiều tồn tại, yếu kém chưa thể khắc phục trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đặt ra khá cao (tăng trưởng 9,5 - 10,5%), do vậy, cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp để huy động, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, đồng thời với thực hiện tái cơ cấu đầu tư gắn với tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng quản lý vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, tài nguyên... Dự kiến huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn là 28.000 - 30.000 tỷ đồng (hệ số ICOR là 4,0) tăng 17 - 20% so năm 2011.
Các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2012 đặt ra yêu cầu bền vững, do vậy, đòi hỏi phải có sự tập trung cao trong huy động nguồn lực cho đầu tư để đảm bảo các yêu cầu phát triển.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Trân Châu (Thực hiện)