Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản

03/01/2013 14:45

(Baonghean) - Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở KH&ĐT nhân dịp năm mới 2013.

PV: Xin đồng chí cho biết tác động của Chỉ thị số 1792 của Thủ tướng Chính phủ đối với Nghệ An. Tình hình giải quyết vốn đầu tư cho các dự án trả nợ năm 2011 và dự án hoàn thành năm 2012 trên địa bàn Nghệ An như thế nào?



Xây dựng hệ thống giao thông miền Tây đi qua huyện Quế Phong. Ảnh: Hữu Nghĩa.

Ông Nguyễn Văn Độ: Thực hiện Kết luận số 10 – KL/T.Ư, ngày 18/10/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương (khóa XI), thực hiện giải pháp tái cơ cấu đầu tư, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 6668/UBND-TM ngày 4/11/2011 về việc triển khai Chỉ thị số 1792/CT-TTg. Ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch năm 2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung chỉ thị cho các cấp, các ngành. Trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch năm 2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp làm việc và hướng dẫn các ngành, các huyện, các chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh lại quy mô đầu tư để đáp ứng yêu cầu quy định của Chỉ thị 1792/CT-TTg. Đồng thời Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ theo tinh thần Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 6/2012 UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Kết quả bước đầu đạt được là:

- Việc đề xuất và ban hành chủ trương đầu tư đã giảm so với các năm trước, góp phần giảm áp lực đầu tư trong những năm tới. Các ngành, các cấp đã có thay đổi cơ bản về nhận thức thực hiện, khắc phục dần tư tưởng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của ngành, địa phương mình. Các cấp có thẩm quyền chỉ quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.

- Phương án, kế hoạch đầu tư năm 2012 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xác định nguyên tắc phân bổ kế hoạch năm 2012 phù hợp với Chỉ thị 1792/CT-TTg, việc phân bổ vốn kế hoạch năm 2012 tập trung hơn so với các năm trước, chủ yếu bố trí các dự án trả nợ, các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm, chỉ khởi công mới các công trình quan trọng, cấp bách và các công trình thực hiện chính sách như chợ, hạ tầng làng nghề, Chương trình 160... Năm 2012, số công trình trả nợ và công trình dự kiến hoàn thành là 184 công trình với số vốn 402 tỷ đồng (năm 2011 là 77 công trình với số vốn 56 tỷ đồng và kế hoạch năm 2010 là 41 công trình với số vốn 45 tỷ đồng). Số công trình khởi công mới năm 2012 là 91 công trình với số vốn 175 tỷ đồng, giảm mạnh so với các năm trước (KH 2011 khởi công 221 công trình với số vốn 463 tỷ đồng và kế hoạch 2010 là 183 công trình với số vốn 363 tỷ đồng). Như vậy, các công trình xây dựng cơ bản đã có quyết toán, phần vốn ngân sách tỉnh còn nợ từ 2011 trở về trước đã cơ bản được giải quyết trong kế hoạch năm 2012 theo tiến độ đã xác định của dự án.

- Quá trình điều hành kế hoạch năm 2012 cũng có nhiều thay đổi. Theo Chỉ thị 1792/CT-TTg, tất cả các dự án đã được quyết định đầu tư sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, chỉ được thực hiện khối lượng trong năm kế hoạch với giá trị tương ứng theo mức vốn kế hoạch được giao đã không làm phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản của toàn tỉnh, hạn chế được tình trạng nợ kéo dài do trả hết nợ cũ lại phát sinh nợ mới. Việc điều chỉnh bổ sung quy mô đầu tư đã được hạn chế, chủ yếu chỉ điều chỉnh lại tổng mức đầu tư đối với các dự án có thay đổi do giá, chính sách nhà nước, ưu tiên đầu tư theo quy mô ban đầu của dự án đã được xác định. Do đó đã hạn chế phát sinh nhu cầu đầu tư.

- Để chuẩn bị kế hoạch năm 2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 25/10/2012 để rà soát, phân loại nợ xây dựng cơ bản. Đồng thời rà soát lại các nhu cầu đầu tư trên địa bàn tỉnh, từ đó phân loại, sắp xếp các dự án để có giải pháp thích hợp, làm rõ nhu cầu đầu tư từ ngân sách tỉnh gồm các nội dung khối lượng hoàn thành có quyết toán, khối lượng thực hiện chưa quyết toán, dự án tiếp tục vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư của dự án, tổng mức đầu tư của các dự án chưa được khởi công. Một số nội dung mới trong kế hoạch 2013 được xác định là: Các dự án có quyết toán thì trả nợ theo tiến độ đã xác định trong kế hoạch hàng năm và khả năng nguồn vốn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh, trong đó ưu tiên trả nợ khối lượng theo tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu và phần bổ sung do điều chỉnh tăng giá theo quy định.

Năm 2013 định hướng nguồn vốn để trả nợ gấp 2 lần năm 2012; các dự án chuyển tiếp ưu tiên bố trí để thanh toán phần khối lượng thực hiện hoàn thành từ 31/12/2011 trở về trước của các dự án. Đối với phần khối lượng thực hiện vượt kế hoạch vốn được giao từ năm 2012 trở đi sẽ do chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm huy động nguồn vốn để thanh toán theo quy định tại Chỉ thị 25/CT-TTg. Công trình đã xác định điểm dừng kỹ thuật yêu cầu chủ đầu tư có phương án chọn điểm dừng kỹ thuật trình các cơ quan chuyên môn thẩm định trước khi thông báo vốn triển khai kế hoạch 2013; Đối với những công trình dở dang khác, chưa có khả năng cân đối vốn cần có giải pháp xử lý phù hợp (chuyển đối hình thức đầu tư hoặc kiên quyết tạm dừng dự án); Hạn chế tối đa việc khởi công mới các dự án, dừng khởi công mới các dự án trụ sở .Tập trung vốn ngân sách địa phương để xóa xã trắng về y tế và xây dựng cống kỹ thuật của giao thông nội đồng.

PV: Công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong thời gian gần đây được tỉnh và Sở KH và ĐT rất quan tâm. Đồng chí cho biết hiệu quả của công tác này?

Ông Nguyễn Văn Độ: Đến nay, toàn tỉnh có 10.724 doanh nghiệp (DN) và 608 hợp tác xã được thành lập. Hoạt động của các DN đã đóng góp gần 46% giá trị sản xuất hàng năm của tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 19.000-20.000 lao động mỗi năm. Đóng góp vào thu ngân sách tỉnh từ DN liên tục tăng qua các năm, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu trên địa bàn. Năm 2011 có 6.603 DN đóng góp cho ngân sách gần 4.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng thu trên địa bàn. 10 tháng năm 2012, DN tỉnh ta nộp ngân sách tỉnh 3.070 tỷ đồng chiếm 77,8% tổng thu trên địa bàn.

Từ năm 2011 đến nay chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế, thiên tai, lạm phát, dịch bệnh và đối mặt với tiềm lực kinh tế, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm cạnh tranh của DN trong và ngoài nước, các DN Nghệ An gặp nhiều khó khăn, Lũy kế đến nay đã có 4.635 DN đã giải thể, đóng mã số thuế (chiếm 40,9% DN thành lập) và 998 DN tạm dừng kinh doanh, trong số 6.697 DN hoạt động có 714 DN có tờ khai thuế bằng 0.

Đứng trước khó khăn chung, Sở KH&ĐT đã có báo cáo đánh giá tình hình DN, tham mưu UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển, ví như: Điều chỉnh giá thuê đất cho các DN, miễn giảm gia hạn một số khoản thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, kết quả đã miễn giảm 264.215 triệu đồng; Hỗ trợ DN tiếp cận vốn.

Sở KH và ĐT cũng đã cải cách mạnh mẽ các quy định gia nhập thị trường hỗ trợ DN: Trong công tác ĐKKD trước đây DN cần 15 ngày làm việc và 7-8 lần đi lại để làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp, hiện nay giảm còn 5 ngày và 1-2 lần đi lại, nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ đúng quy trình, quy định.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện cơ chế chính sách ưu đãi theo định hướng: Hỗ trợ về khoa học công nghệ và kỹ thuật: UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa ở Nghệ An; hình thành Quỹ khuyến khích phát triển khoa học công nghệ.

UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển DN Nghệ An giai đoạn 2011-2015” định hướng cho các DN phát triển. Hàng năm, ngân sách tỉnh dành 400 triệu đồng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân, đào tạo nghề cho người lao động.

- Hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường: UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại Nghệ An đến năm 2020, định hướng phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015. Hàng năm, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư gặp mặt các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước; ngân sách tỉnh dành từ 150 đến 300 triệu đồng cho các hoạt động xúc tiến thương mại. Năm 2012, tỉnh đã tổ chức làm việc với Đoàn Văn phòng thương mại Đài Bắc, đang chuẩn bị Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản.

- Tạo điều kiện cho DN tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh: UBND tỉnh đã chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Đến nay, toàn tỉnh có 41 CCN với tổng diện tích 899,59 ha, trong đó 8 KCN tổng diện tích 2.800 ha; Khu kinh tế Đông Nam diện tích 18.826 ha. Hạ tầng thiết yếu về đường giao thông, điện, cấp thoát nước đã và đang được đầu tư xây dựng. Các KCN, CCN đã thu hút 210 dự án đầu tư. Trong đó, các KCN của tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 97 dự án, có 42 dự án đã đi vào hoạt động.

- Hỗ trợ tiếp cận thông tin: Thông qua nhiều hình thức như tổ chức tập huấn, tuyên truyền trên phương tiện thông tin truyền thông, phát các chuyên mục trên đài phát thanh truyền hình, in ấn tờ rơi, tài liệu. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật cho DN, cán bộ công chức liên quan.

Nhờ đó, không ít doanh nghiệp đã được tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Thời gian tới, Sở KH&ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP về thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Chỉ đạo các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách với mục tiêu xoá bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính… nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế; Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất hỗ trợ DN đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ công chức quản lý doanh nghiệp, cho doanh nhân. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!


Châu Lan (Thực hiện)

Mới nhất
x
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO