Tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp

25/06/2015 07:14

(Baonghean) - Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

P.V: Thưa đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng chí có thể đánh giá những cố gắng của các cấp chính quyền tỉnh nhà trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2014?

Đồng chí Lê Xuân Đại dẫn đoàn Đại sứ Nga thăm Nhà máy bia Hà Nội (KCN Nam Cấm). Ảnh: Sỹ minh
Đồng chí Lê Xuân Đại dẫn đoàn Đại sứ Nga thăm Nhà máy bia Hà Nội (KCN Nam Cấm). Ảnh: Sỹ minh

Đồng chí Lê Xuân Đại: Năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có sự phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Ở trong tỉnh, sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, những khó khăn từ những năm trước chưa được giải quyết triệt để, như: áp lực về sức ép nợ xấu; hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm; năng lực quản lý và cạnh tranh của doanh nghiệp thấp...

Trong điều kiện đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ đạo các cấp, các ngành cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực, phục hồi sản xuất một số sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho ngành Xây dựng (như đá xây dựng, gạch nung, xi măng, tấm lợp...); tăng cường hỗ trợ quảng bá và khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...; các cấp, các ngành đã tiến hành rà soát, sửa đổi các quy định thủ tục về hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính về thuế, hải quan, đất đai, tài nguyên khoáng sản... (gần đây Cục Thuế Nghệ An được đánh giá là đơn vị xuất sắc, dẫn đầu ngành Thuế trong công tác triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử); đồng thời tăng cường thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tuyên truyền cho người nộp thuế.

Theo đó, năm 2014 sau khi thực hiện các giải pháp, số giờ tuân thủ về thuế của người nộp giảm được 370 giờ/năm (giảm từ 537 giờ xuống còn 167 giờ). Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được tăng cường và thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là trong việc kê khai thuế điện tử, hải quan điện tử. Bên cạnh đó, đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh và từng bước nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp. Theo số liệu công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số PCI của Nghệ An năm 2014 từ chỗ xếp thứ 46 (mức trung bình) đã lên vị trí 28 (xếp hạng khá). Lãnh đạo các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với các DN, trực tiếp làm việc với một số DN, tập đoàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án, cũng như tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để xem xét, xử lý kịp thời.

Đóng gói sản phẩm tại Nhà máy mía đường Sông Con (Tân Kỳ).  Ảnh:  Thu Huyền
Đóng gói sản phẩm tại Nhà máy mía đường Sông Con (Tân Kỳ). Ảnh: Thu Huyền

Lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh ranh giới Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An để triển khai Dự án VSIP6; trình phê duyệt Đề án điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam bao gồm các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi... để các doanh nghiệp, nhà đầu tư được hưởng đầy đủ các ưu đãi về đầu tư khi đầu tư vào khu kinh tế.

Như vậy, có thể nói rằng năm 2014 các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chủ trương tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với những nỗ lực cố gắng của DN, năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn Nghệ An (GDP) tăng 7,24% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng 8,26%, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng tăng 8,72%, giá trị tăng thêm ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,85%. Tổng thu ngân sách thu được năm 2014, đạt 7.960 tỷ đồng, trong đó số thu nội địa tính cân đối đạt 6.613 tỷ đồng, đạt 120% dự toán, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2013; thu từ hoạt động XNK: 1.187 tỷ đồng, đạt 114% dự toán HĐND, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2013.

P.V: Xin đồng chí cho biết thêm về vai trò to lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong thành tích chung về kết quả thu ngân sách của tỉnh?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Năm 2014 toàn tỉnh có hơn 8.500 DN và hàng chục ngàn hộ gia đình, cá nhân nộp thuế, trong đó 240 tổ chức, cá nhân tiêu biểu đã nộp 3.136 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng thu nội địa tính cân đối của tỉnh Nghệ An.

Đạt được kết quả đó, lãnh đạo tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân, các cá nhân nộp thuế đã chèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo việc làm cho người lao động, đồng thời thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều có ý thức thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế; chủ động tìm hiểu thông tin, tham gia tập huấn chính sách thuế mới đầy đủ, nắm bắt cơ hội, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu là các doanh nghiệp có thành tích cao về nộp thuế, như: Công ty CP bia Sài Gòn Sông Lam nộp được 563 tỷ đồng, Công ty CP bia Hà Nội Nghệ An nộp được 351 tỷ đồng, Công ty CP bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh nộp được 196 tỷ đồng, Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh nộp được 174 tỷ đồng, Thủy điện Bản Vẽ nộp được 172 tỷ đồng, Chi nhánh Viettel Nghệ An nộp được 157 tỷ đồng…

Ngoài ra nhiều DN, công ty khác như Ngân hàng TM CP Bắc Á, Công ty CP Vật tư NN Nghệ An, Công ty TNHH mía đường Nghệ An Nasu, Chi nhánh Công ty CP sữa Vinamilk Nghệ An, Cảng Nghệ Tĩnh… cũng là những đơn vị luôn thực hiện nghĩa vụ thuế rất tốt và đóng góp cao vào số thuế của tỉnh. Các doanh nghiệp nói trên đã ghi dấu ấn trong hoạt động thu nộp ngân sách của tỉnh, không chỉ nộp nhiều, nộp đủ mà nộp đúng hạn, không dây dưa nợ đọng.

P.V: Thời gian tới, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế, ngành Thuế Nghệ An cần làm gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Thời gian qua, ngành Thuế Nghệ An đã có nhiều cố gắng trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Vì vậy, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế, trong thời gian tới ngành Thuế và các ngành liên quan cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính về thuế, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thu thuế để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; tiếp tục duy trì hoạt động đối thoại với DN và định kỳ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức đối thoại với DN để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần chủ động, sáng tạo, quyết liệt các giải pháp quản lý thuế, chống thất thu thuế và giảm nợ đọng thuế. Phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thu ngân sách năm 2015 đã được HĐND tỉnh giao, cũng như chỉ tiêu nhiệm vụ thu ngân sách theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Châu Lan (Thực hiện)

Mới nhất

x
Tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO