Tàu vỏ sắt hay tàu vỏ gỗ ?

03/08/2014 21:41

(Baonghean) - Hiện nay Nhà nước đang triển khai gói tín dụng 10 ngàn tỷ đồng trong số 16 ngàn tỷ đồng cho ngư dân vay để đóng tàu vươn khơi, bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Theo phân tích của một số nhà chuyên môn, ý kiến hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt đảm bảo chắc chắn, an toàn hơn khi bị tàu lạ tấn công để đánh xa bờ đang được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, từ thực tế trao đổi với ngư dân cũng như những người am hiểu về nghề đánh bắt trên biển thì không phải ai cũng ủng hộ quan điểm trên, thậm chí phần lớn ngư dân dù biết tàu vỏ sắt tốt hơn nhưng vẫn thích tàu vỏ gỗ. Vì sao vậy?

(Baonghean) - Hiện nay Nhà nước đang triển khai gói tín dụng 10 ngàn tỷ đồng trong số 16 ngàn tỷ đồng cho ngư dân vay để đóng tàu vươn khơi, bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Theo phân tích của một số nhà chuyên môn, ý kiến hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt đảm bảo chắc chắn, an toàn hơn khi bị tàu lạ tấn công để đánh xa bờ đang được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, từ thực tế trao đổi với ngư dân cũng như những người am hiểu về nghề đánh bắt trên biển thì không phải ai cũng ủng hộ quan điểm trên, thậm chí phần lớn ngư dân dù biết tàu vỏ sắt tốt hơn nhưng vẫn thích tàu vỏ gỗ. Vì sao vậy?

Trước hết phải khẳng định tàu vỏ sắt với công suất tương đương hoặc lớn hơn một chút nhưng có giá đóng bình quân cao từ 2 - 2,5 lần so với tàu vỏ gỗ. Theo một ngư dân xã Quỳnh Lập (TX Hoàng Mai), nếu tàu có công suất 750 CV đóng mới chỉ dao động khoảng 5,1 đến 5,5 tỷ đồng, tuổi thọ khoảng vài chục năm thì tàu vỏ sắt tương đương có giá không dưới 10 tỷ đồng. Với tính toán trên, cho dù được vay hỗ trợ thì ngư dân vẫn bỏ phần vốn đối ứng của mình không ít nên đương nhiên người dân không mặn mà. Bên cạnh đó là yêu cầu về mặt kỹ thuật, trong khi tàu vỏ gỗ, với năng lực của các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh hiện nay, ngư dân có thể cầm tiền để chọn đặt đóng ở bất kỳ đâu và thường xuyên giám sát được thì đóng tàu vỏ sắt ngư dân gần như phó mặc cho người khác vì việc đóng mới (thậm chí sửa chữa, bảo dưỡng hàng năm) phải theo thiết kể do các nhà máy, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phẩn ở Hải Phòng, Đà Nẵng hoặc Sài Gòn đóng và sau đó bàn giao.

Mặt khác, theo một người đã từng đi tàu viễn dương lâu năm (tàu BS) ở xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu cho biết: Trong khi tàu vỏ gỗ hàng năm chỉ bảo dưỡng nhẹ, phí thấp thì tàu vỏ sắt do bị nước biển ăn mòn, dễ gây gỉ zét nên hàng năm đều phải duy tu. Khi bảo dưỡng phải vào cơ sở đóng tàu có điều kiện thiết bị để nâng tàu lên khỏi mặt nước, làm lại toàn bộ và chọn loại sơn tốt nên chi phí khá lớn, khoảng 400 - 500 triệu đồng/tàu/năm là quá sức của ngư dân. Đó là chưa nói đến công nghệ luyện thép của chúng ta chưa phát triển, chưa chủ động được thành phẩm là vỏ sắt đóng tàu và phải nhập ngoại nên giá thành khá cao. Nếu đóng bằng thép nội địa thì ngư dân chưa an tâm và tuổi thọ tàu khó đảm bảo theo thiết kế.

Trên thực tế, nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng cũng từng có đội tàu viễn dương bằng vỏ sắt kinh doanh vận tải biển nhưng do hoạt động không hiệu quả và hàng năm chi phí duy tu bảo dưỡng lớn nên đã bị dẹp bỏ.

Rõ ràng trong khi tàu vỏ gỗ với nguồn nguyên liệu đang dồi dào và người dân hoàn toàn có quyền chọn loại gỗ tốt nhất (với điều kiện được vay tiền và chịu trách nhiệm với món tiền vay của mình) nên hoàn toàn yên tâm đánh bắt thì tàu vỏ sắt có một số hạn chế nhất định. Chính vì vậy, ngư dân mặc dù rất phấn khởi được chính phủ hỗ trợ đóng tàu công suất lớn vươn khơi bám biển nhưng nguyện vọng của ngư dân cũng như kinh nghiệm từ thực tế sử dụng tàu vỏ sắt trước đây là điều các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, xem xét kỹ để tránh lặp lại vết xe đổ của đầu tư dự án đánh bắt xa bờ trước đây.

Nguyễn Hải

Tàu vỏ sắt hay tàu vỏ gỗ ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO