Tem hợp quy CR- Người tiêu dùng cần quan tâm
Trước sự xuất hiện tràn lan đồ chơi trẻ em, hàng điện tử và mũ bảo hiểm kém chất lượng, việc thống nhất sử dụng một loại tem kiểm định chất lượng (CR) là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thuận lợi cho việc quản lý chất lượng các mặt hàng trên... Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện quy định thống nhất tem hợp quy CR, trên thị trường Thành phố Vinh vẫn là" bài toán khó" đối với các cơ quan chức năng.
(Baonghean) - Trước sự xuất hiện tràn lan đồ chơi trẻ em, hàng điện tử và mũ bảo hiểm kém chất lượng, việc thống nhất sử dụng một loại tem kiểm định chất lượng (CR) là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thuận lợi cho việc quản lý chất lượng các mặt hàng trên... Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện quy định thống nhất tem hợp quy CR, trên thị trường Thành phố Vinh vẫn là" bài toán khó" đối với các cơ quan chức năng.
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành về an toàn đồ chơi dành cho trẻ em dưới 16 tuổi đã có hiệu lực từ ngày 15/4/2010. Ngày 1/6/2010, 6 loại thiết bị điện, điện tử gồm: dụng cụ điện đun nước nóng tức thời, dụng cụ điện đun nước nóng và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm đầu, ấm đun nước, nồi cơm điện, quạt điện phải được chứng nhận hợp quy, gắn dấu CR và công bố hợp quy. Đến ngày 1/7/2010, dấu CS và tem “đã kiểm tra” trên mũ bảo hiểm hết hiệu lực sử dụng; tất cả các sản phẩm sản xuất, nhập khẩu đều thống nhất sử dụng dấu hợp quy CR. Và theo Thông tư 16/2010 của Bộ Khoa học Công nghệ, bắt đầu từ ngày 1/10/2011 có thêm 6 loại thiết bị điện, điện tử là lò nướng điện, vỉ nướng điện; dây điện bọc nhựa PVC có điện áp danh định đến và bằng 450/750V; dụng cụ đun nước nóng kiểu nhúng; dụng cụ pha chế chè hoặc cà phê; máy sấy khô tay, bàn là điện cũng phải đáp ứng những điều kiện tương tự mới được lưu thông trên thị trường...
Đa số các mặt hàng thiết bị điện, điện tử trong danh mục quy định tại siêu thị Intimex đã dán tem hợp quy.
Sau hơn một năm thực hiện quy định dán tem hợp quy, mặt hàng đồ chơi trẻ em ở các siêu thị đã bắt đầu xuất hiện những sản phẩm có dán tem CR, nhưng các cửa hàng dọc tuyến phố và các chợ, hàng không rõ nguồn gốc, không tem nhãn vẫn đang chiếm đa số và bán công khai. Có mặt tại một số quầy hàng chuyên kinh doanh đồ chơi trẻ em trong chợ Vinh, chúng tôi dễ dàng mua được đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực như kiếm, súng bắn đạn cao su, đạn nhựa hay những đồ chơi không an toàn như máy bay, đu quay, hình các con vật vừa có nhạc vừa phun ra bọt nhiều màu sắc bằng hoá chất lạ... Khi chúng tôi thắc mắc sao chiếc máy bay này không có tem quy chuẩn CR?, chị chủ cửa hàng cười khoả lấp: "Hàng nhập Trung Quốc về thì lấy đâu tem kiểm định, có tìm cả chợ này cũng không có sản phẩm dán tem đâu- Mà hiếm lắm mới có người quan tâm đến nhãn mác như em". Một chị khách hàng đang chọn mua gấu bông teddy cũng cho hay: "Giá ở đây là 60.000 đồng/con, nhưng nếu vào các siêu thị chọn hàng có tem CR thì sản phẩm này phải hơn 100.000 đồng. Vì chúng cùng mẫu, kiểu dáng nên tôi chọn hàng rẻ tiền hơn”.
Đối với mặt hàng mũ bảo hiểm, nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất đã công bố hợp quy, dán tem CR nhưng sản phẩm vẫn không hút khách hàng (nhất là giới trẻ) bằng mũ không tem nhãn mác đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Bởi một bộ phận người dân vẫn ham mua hàng rẻ tiền, hoặc mua để đối phó cơ quan chức năng... Nắm được tâm lý người tiêu dùng, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt lợi nhuận lên hàng đầu đã tung ra thị trường hàng loạt chủng loại mũ không đạt chất lượng đủ kiểu dáng, màu sắc được thiết kế theo hình dáng mũ bảo hiểm nhưng lại gắn mác "mũ thể thao", "mũ dành cho người đi bộ, đi xe đạp" để lách cơ quan quản lý, với giá bán trung bình từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh, vừa qua, Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ chủ trì phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Thông tin KHCN&TH, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế (Công an tỉnh) đã tiến hành thanh tra trên diện rộng đối với sản phẩm thiết bị điện, điện tử trên địa bàn toàn tỉnh. Đoàn liên ngành đã kiểm tra tại 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu... trong đó có 24 siêu thị, cơ sở kinh doanh, 1 doanh nghiệp nhập khẩu và 2 doanh nghiệp sản xuất. Kết quả kiểm tra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu tuân thủ tốt các quy định liên quan đến tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh chưa tiếp cận được các quy định liên quan đến tiêu chuẩn và hợp quy kỹ thuật; không lưu giữ hồ sơ hợp quy, không gắn dấu hợp quy theo quy định đối với các sản phẩm thiêt bị điện, điện tử. Số sản phẩm này chủ yếu là máy sấy tóc, bình đun nước siêu tốc, nồi cơm điện... nhập khẩu còn tồn kho, chưa thực hiện kê khai theo quy định.
Trên thực tế, việc thực hiện dán tem hợp quy mặt hàng thiết bị điện và điện tử tại một số doanh nghiệp, các siêu thị và cửa hàng lớn đều chấp hành khá tốt quy định. Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng thường chỉ quan tâm đến mẫu, giá cả, chưa tiếp cận và tìm hiểu vấn đề liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn của sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Thái, chuyên kinh doanh hàng điện tử trên đường Lê Huân (TP. Vinh), cho biết: "Ở đây chúng tôi thường nhập hàng theo nhu cầu của thị trường; nếu là hàng ngoại nhập, tuỳ mặt hàng đã có tem nhập khẩu, còn hàng sản xuất trong nước đã có tem chứng nhận hàng "Việt Nam chất lượng cao" nên người tiêu dùng cũng không để ý nhiều đến tem hợp quy. Họ chỉ lựa chọn sản phẩm ưng về hình thức và giá cả phù hợp với thu nhập".
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Nghệ An, cho biết: Dấu CR nói lên trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Vì thế, khi chứng nhận và gắn dấu hợp quy cũng đồng thời gắn trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu về độ an toàn lên sản phẩm đó, nghĩa là không tồn tại dấu CR giả mà chỉ có dấu thật gắn trên sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, đánh giá. Và dấu hợp quy CR được gắn trực tiếp trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm hàng hóa, người tiêu dùng ngoài việc nhìn thấy dấu hợp quy, có thể yêu cầu người kinh doanh cho xem bằng chứng về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy... Hiện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn, có uy tín thì coi việc dán tem CR là cơ hội để khẳng định sản phẩm hàng hóa của mình vượt trội so với sản phẩm hàng hóa cùng loại khác. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu... không hợp tác trong việc gắn tem CR vì đối tượng hàng hoá đó đã vi phạm pháp luật. Do vậy, việc quản lý chất lượng đối với hàng hóa không hợp pháp, hàng nhập theo con đường tiểu ngạch là rất khó. Và khó khăn lớn nhất trong công tác xử phạt là theo Nghị định 54 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hoá chưa có chế tài xử phạt trường hợp cung ứng hàng hoá cho người tiêu dùng không có dấu hợp quy CR.
Việc dán tem là để khẳng định sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn trong sử dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, để hoạt động này thực sự có hiệu quả thì người tiêu dùng phải từ chối những sản phẩm không có tem CR; chỉ mua những sản phẩm đạt chất lượng, có nhãn mác đúng quy định thì nhà sản xuất, người kinh doanh sẽ phải có trách nhiệm trước sản phẩm của mình xuất ra. Có như vậy mới giảm thiểu được hàng giả, hàng kém chất lượng, làm minh bạch thị trường.
Ngọc Anh