Tên giết người "núp bóng" trưởng thôn

08/04/2013 18:25

(Baonghean) - Cách đây 20 năm, sau khi vào tù vì tội giết người, Nguyễn Sỹ Hùng trốn trại, vào Tây Nguyên, thay hình đổi dạng sống ẩn dật và được dân làng tin tưởng bầu làm trưởng thôn.

Án mạng trên sân chiếu bóng


Vào những năm 1980, khi các xã Nghi Ân, Nghi Phong, Nghi Xuân của huyện Nghi Lộc chưa có điện, người dân chưa biết đến ti vi thì những buổi chiếu phim màn ảnh rộng ở các sân vận động xã luôn là sự kiện lớn thu hút nhân dân. Thanh niên nam nữ trong các làng quê ngày đó cũng háo hức chờ đợi đến ngày chiếu phim vừa để chuyện trò, làm quen cũng là nơi hẹn hò. Ngày 4/3/1982, đoàn làm phim lưu động thông báo trình chiếu bộ phim “Đến hẹn lại lên”. Từ đầu buổi tối, người dân tụ tập đến khu vực sân vận động giáp ranh giữa 2 xã Nghi Ân và Nghi Đức để xem phim.

Khi cả biển người im phăng phắc theo dõi một tình tiết hấp dẫn của bộ phim thì bất ngờ tiếng một cô gái hét lên do bị cháy áo vì một thanh niên hút thuốc trêu chọc. Lập tức hai nhóm thanh niên của xã Nghi Ân và xã Nghi Đức lao vào nhau ẩu đả.

Cầm đầu nhóm thanh niên xã Nghi Ân là Nguyễn Sỹ Hùng (SN 1958), có biệt danh “Hùng vẩu” là một quân nhân về nghỉ phép. Từ lâu, Hùng nổi tiếng nóng nảy, sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với bất cứ ai. Phía bên kia, Hoàng Văn Lam (SN 1960) cũng dẫn đầu nhóm bạn, lao vào ăn thua để bênh vực cô gái của xã mình. Trong phút hỗn loạn, Hùng vẩu cầm con dao đâm thấu tim khiến Hoàng Văn Lam gục chết tại chỗ. Vụ án mạng rúng động miền quê thời đó, kết thúc với bản án chung thân cho Nguyễn Sỹ Hùng. Năm 1989, sau một quá trình cải tạo tốt ở Trại giam số 3, Nguyễn Sỹ Hùng được giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù giam.

Vượt ngục, thay hình đổi dạng

Năm 1991, khi nhóm của Hùng đang đi ra ngoài cải tạo thì có một bạn tù rủ trốn. Nghĩ đến quãng đời 20 năm cải tạo phía trước quá xa xôi, chắc phải chịu cảnh chết rũ xương trong tù, Nguyễn Sỹ Hùng gật đầu đồng ý. Hôm đó, Hùng kêu đau bụng và được đưa xuống bệnh xá trại giam. Tại đây, lợi dụng sự chủ quan và sơ hở của cán bộ quản giáo, Hùng và 2 bạn tù chui qua cửa sổ, chạy thẳng lên rừng. Chạy được gần 1 cây số thì bị phát hiện, cán bộ quản giáo nổ súng bắn chỉ thiên nhưng Hùng vẫn cứ chạy thục mạng. Đêm hôm đó, Hùng chạy miết sang huyện Anh Sơn rồi xuống Đô Lương và nhờ xe tải chở gỗ về Thành phố Vinh. Không dám mò về thăm nhà, Hùng ra cầu Bến Thủy, bắt xe vào Tây Nguyên.

Sau nhiều năm bôn ba khắp các bản làng, nương rẫy ở Đắc Lắc, Gia Lai để làm thuê, Nguyễn Sỹ Hùng quyết định đổi tên thành Nguyễn Hữu Vinh, về mua đất rừng ở huyện EaH’Leo, tỉnh Đắc Lắc để trồng cà phê. Để thay hình đổi dạng, Hùng đi nhổ hai chiếc răng vẩu và để tóc thật tốt, trùm sõa mặt, tập nói giọng miền Nam,… Thời gian này, người dân trong buôn thấy “ông Vinh” hiền lành, ít nói, hay lam hay làm nên rất quý mến. Một cô gái đã đem lòng yêu và kết duyên vợ chồng với hắn.

Không những sống tốt với dân làng ở EaH’Leo, Hùng còn được chính quyền địa phương ở đây tin tưởng giao trọng trách xóm trưởng, chăm lo mọi việc trong xóm. Qua nhiều nhiệm kỳ xóm trưởng khác nhau, Hùng thấy bà con rất tin tưởng và có vẻ như hắn ta đã quên đi vụ án mạng cách đây 20 năm về trước. Vào một ngày giữa năm 2010, hắn mò về xã Nghi Ân thăm quê hương…

Bị bắt và trả giá

Tháng 3/1991, ngay khi Nguyễn Sỹ Hùng trốn trại thành công, Bộ Công an đã ra lệnh truy nã toàn quốc. Công an tỉnh Nghệ An cũng lập chuyên án mang bí số 391.T để tiến hành truy bắt đối tượng đặc biệt nguy hiểm này. Trong nhiều năm, các chiến sỹ cảnh sát đã cố gắng lần mò từng dấu tích nhỏ trong các quan hệ gia đình, xã hội của Nguyễn Sỹ Hùng. Nhiều trinh sát đã lặn lội ra tận Thái Nguyên, Bắc Cạn, nơi Hùng đóng quân trước khi phạm tội để dò tìm nhưng ở đâu, các trinh sát cũng nghe người dân đồn nhau Hùng đã bỏ trốn ra nước ngoài hoặc đã chết trên đường chạy trốn.

Khi tưởng như tung tích tên tội phạm truy nã đặc biệt nguy hiểm đang mất dần thì bất ngờ phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Nghệ An nhận được tin từ quần chúng là có một người giống Nguyễn Sỹ Hùng, xuất hiện chớp nhoáng ở xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Ân. Từ nguồn tin này, các chiến sỹ cảnh sát đã hàng chục lần vào Tây Nguyên để xác minh. Sau nhiều lần băng rừng, vượt núi, nhưng không có kết quả, ngày 15/12/2010, Tổ công tác do Đại úy Phạm Đình Quỳnh – Đội phó Đội bắt truy nã trật tự xã hội dẫn đầu có mặt tại trụ sở Công an huyện EaH’Leo, tỉnh Đắc Lắc. Lực lượng công an địa phương cũng rất nỗ lực phối hợp tìm kiếm nhưng cả huyện này không có người nào tên tuổi, đặc điểm nhận dạng như trong lệnh truy nã. Khi tổ công tác nghĩ đến việc phải rời khỏi huyện EaH’Leo thì họ nhận được tin từ một người dân vãng lai, cho biết ở xóm của họ có một ông tên Nguyễn Hữu Vinh, quê ngoài Bắc, làm xóm trưởng.



Nguyễn Sỹ Hùng ngày bị bắt.

Trong vai những thương gia buôn cà phê, tổ công tác đã đến nhà ông Vinh xóm trưởng, người này lại không ở nhà. Qua câu chuyện với các con và người thân, tổ công tác nhận định đến 90% ông Vinh này chính là Nguyễn Sỹ Hùng. Ngày 16/12, cũng trong vai những thương gia cà phê, các chiến sỹ lại tìm đến. Vừa bắt tay hỏi thăm, bỗng nhiên một “thương gia” lên tiếng hỏi “Anh Hùng vẫn khỏe nhỉ”. Nghe vậy, mặt ông xóm trưởng bỗng biến sắc, định lao đầu bỏ chạy nhưng đã bị các trinh sát giữ chặt và đành phải ngoan ngoãn tra tay vào còng số 8. Nghe tin ông xóm trưởng bị bắt, người dân trong xã vô cùng bất ngờ, kéo đến xem, một số người còn tưởng cảnh sát bắt nhầm người. Cho đến khi nghe công an đọc lệnh truy nã, họ mới ngã ngửa rằng ông xóm trưởng mà bấy lâu nay họ tín nhiệm lại là… một kẻ giết người!

Trên suốt hành trình di lí từ Tây Nguyên về Nghệ An, Nguyễn Sỹ Hùng lầm lì, không nói một lời nào và rất nhiều lần lao đầu vào thành xe ô tô đòi tự tử. Được sự động viên, phân tích và khuyên giải của các chiến sỹ công an, Hùng bỏ ý định tự tử, khai nhận lại toàn bộ quá trình lẩn trốn của mình. Công an Nghệ An cũng khôi phục điều tra vụ án trốn khỏi nơi giam giữ với Nguyễn Sỹ Hùng. Ngày 21/7/2011, Tòa án tỉnh Nghệ An đưa vụ án ra xét xử, nhiều người bạn cùng trang lứa của Hùng ở xã Nghi Ân nay đã lên chức ông, bà cũng tìm đến hội trường cùng với người vợ của Hùng từ Tây Nguyên ra dự phiên xét xử.

Trong suốt quá trình xét hỏi, Hùng luôn tỏ thái độ ăn năn cho rằng mình không muốn trốn trại nhưng vì bạn tù rủ rê nên mới có hành động dại dột. Xét thấy thái độ ăn năn hối cải của Hùng cũng như trong quá trình làm xóm trưởng ở Tây Nguyên đã giúp đỡ lực lượng công an phá được nhiều vụ án, hội đồng xét xử chỉ tuyên phạt Hùng 10 tháng tù giam và yêu cầu Hùng phải thi hành nốt bản án 20 năm về tội giết người còn dang dở. Kết thúc phiên xử án, Hùng nói lời cảm ơn hội đồng xét xử, gửi lời xin lỗi vợ con cùng dân làng và ân hận: “Nếu ngày đó không mù quáng bỏ trốn thì hôm nay bị cáo đã có thể ra tù, sống cuộc đời đàng hoàng của một người hoàn lương!”.


Nguyên Khoa

Mới nhất
x
Tên giết người "núp bóng" trưởng thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO