Tết chênh vênh trên những con thuyền

13/01/2012 16:43

(Baonghean.vn) - Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng không khí ở xóm vạn đò vẫn hiu hắt, ảm đạm. Mong ước giản đơn được đón một cái Tết đầm ấm, sung túc sau cả năm lênh đênh trên sông nước cũng đang “chìm nổi” như chính cuộc đời của họ…

Những phận đời chìm nổi


Trong cái rét căm căm những ngày cuối năm, chúng tôi lần tìm về với người dân xóm vạn đò dưới chân cầu Rộ (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An). Khoảng 20 chiếc thuyền cũ nát nằm co ro, im lìm trong màn sương dày bao phủ. Thức dậy từ lúc sáng sớm, ông Nguyễn Ngọc Tùng khoác vội chiếc áo ấm đã sờn vai đứng trên bờ tần ngần nhìn về phía bến sông. Ông là người gốc vạn đò “xịn”, bao đời nay, các thế hệ trong gia đình ông cứ nối tiếp nhau lấy thuyền làm nhà, lấy sông Lam làm kế sinh nhai. Ông kể, trong kháng chiến chống Mỹ, xóm vạn đò tăng thêm hộ khẩu khi có vài chiếc thuyền của những người vận tải đến sống góp. Chiến tranh qua đi, họ ở lại, chọn bến sông này làm nơi neo đậu cuộc đời mình. Cứ thế, người cũ- người mới se duyên và sống đông đúc cho đến tận bây giờ.



Đìu hiu xóm vạn đò cầu Rộ dịp cuối năm



Vợ chồng ông Tùng và đứa cháu nhỏ chỉ mong có một cái Tết đủ đầy hơn



Tết đến gần, gia đình chị Nguyễn Thị Tiết vẫn phải chạy ăn từng bữa

Như bao người dân xóm vạn, ông Tùng không nhớ chính xác ngày tháng năm sinh của mình nhưng ông bảo rằng, khi đã gần hết cuộc đời, cái nghèo cái đói vẫn cứ bám riết không tha. Khi được hỏi tại sao ông và những người dân nơi đây không bỏ thuyền lên bờ, kiếm việc làm để thay đổi phận đời bấp bênh, ông cười buồn bảo: Thời trai tráng cũng từng lên bờ làm thợ đóng thuyền nhưng đến năm 1992, hợp tác xã giải thể, ông trở nên thất nghiệp. Không bằng cấp, tay nghề hạn chế nên kể từ đó, lênh đênh trên sông nước, sống dựa vào sự “hào phóng” của dòng sông Lam đã trở thành cái nghiệp suốt đời. Ông Tùng không còn nhớ mình đã bao lần phải vá chằng vá đụp con thuyền cũ nát để mưu sinh, gắng gượng nuôi cả gia đình 5 miệng ăn. May sao, khi gần cuối cuộc đời chìm nổi, vợ chồng ông và đứa cháu nhỏ mồ côi đã được sống trong chiếc thuyền mới do các con gom góp mua cho.

“Đời tui khổ đã đành nhưng thương nhất vẫn là đứa cháu mới hơn 3 tuổi. Nó sinh ra được vài ngày thì mẹ nó bỏ đi vì gia cảnh nghèo khổ quá. Rồi đến năm 2 tuổi, bố nó lại vào Nam làm thuê nhưng từ đó đến nay không có liên lạc tin tức gì. Tui cũng già rồi, chỉ lo khi chết đi không có ai thương mà nuôi cháu ?!”, ông Tùng nghẹn lời kể.

Ở cái xóm vạn nghèo này, hoàn cảnh éo le như gia đình ông Tùng không phải là hiếm. Hàng xóm sát cạnh thuyền ông là gia đình anh Nguyễn Đình Việt. Khi chúng tôi ghé thăm, cả nhà anh đang tất bật chuyển số sỏi vừa hút được dưới lòng sông lên bờ. Thấy đèn máy ảnh lóe sáng, anh Việt tỏ vẻ lo lắng rồi phân trần: “Nhà anh làm nghề này cũng vì bất đắc dĩ thôi. Cả năm, cả tháng làm không đủ ăn nhưng rồi cũng vì con cái mà đành phải liều vậy”. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Việt hóm hỉnh kể, hơn 20 năm sống ở xóm vạn chài này, gia đình anh được xem là “giàu có” hơn những gia đình xung quanh vì… có nhiều con. Vợ chồng anh sinh được 5 người con, trong đó có cô con gái đầu mới lấy chồng, đã ra ở riêng được cho là tạm ổn. Hai cậu con trai của anh thất học giữa chừng nay đang đi làm phụ hồ dưới Vinh, cả nhà bảy người chỉ có người con thứ tư đang học cấp 3- được xem là “học rộng” nhất nhà cũng phải buổi đi học, buổi bươn bả theo bố mẹ đi làm.

“Nghề này cả năm chỉ làm được 6 tháng thôi, những tháng còn lại nước lũ đổ về chỉ nhấp nhổm ngồi không. Một tháng thu nhập của cả gia đình được khoảng 1,5 triệu, tất tần tật chi phí sinh hoạt đều trông nhờ vào đó. Cát sỏi ngày càng khan hiếm, sinh sống dựa vào sông nước ngày càng nhiều hiểm nguy, trong khi đó giá cả chỉ có đắt thêm lên nên cuộc sống eo hẹp không nói hết! ”, anh Việt chia sẻ.

Cả xóm vạn ngày cuối năm yên ắng lạ thường. Ở phía trên, bên hữu chân cầu Rộ, từng đoàn xe khách mang những người con xa xứ trở về đoàn tụ với gia đình sau một năm lao động vất vả. Còn cách đó không xa, cư dân xóm vạn ngồi bó gối buồn rầu, mơ về một ngày được lên bờ, mơ về một ngày Tết không còn lênh đênh…

Tết còn xa lắm…

Khi chúng tôi hỏi về việc sắm sửa chuẩn bị đón tết, ông Tùng xua tay: “Đã chuẩn bị chi mô. Mà có chi mà sắm sửa! Dân vạn đò nghèo, Tết về lại càng thêm lo. Cả đời ông chưa có một cái tết nào cho ra hồn tết!”. Ông cụ năm nay 77 tuổi chia sẻ thêm: “Tết của bầy tui đơn giản lắm! Có tiền thì lên bờ mua vài ba cân thịt, ít bánh kẹo về làm cỗ. Mấy đứa con, đứa nào có điều kiện thì biếu chiếc bánh chưng, đứa lại biếu gói kẹo đặt bàn thờ cúng ông bà tổ tiên. Quanh quẩn từ thuyền này sang thuyền khác, nhoáng cái là xong mấy ngày Tết”. Vừa nói chuyện với chúng tôi, vừa nhìn đứa cháu nhỏ tím người vì lạnh trong chiếc áo ấm cũ sờn, ông Tùng ước ao: “Tết năm nay, nếu có tiền hỗ trợ của Nhà nước sẽ bớt một ít mua cái áo mới cho cháu. Cả năm trời, nó phải mặc quần áo thừa của anh chị rồi”.



Anh Nguyễn Đình Việt vật lộn với cát sỏi trong giá rét căm căm

Không cứ gì ông Tùng mà mọi cư dân xóm vạn dưới chân cầu Rộ mỗi khi Tết đến Xuân về đều chỉ có thể gắng gượng sắm một cái Tết giản đơn như vậy. Chúng tôi men theo chiếc cầu làm mấy tấm ván cũ cập kênh trên sóng nước theo mỗi nhịp chân để vào chiếc thuyền của gia đình chị Nguyễn Thị Tiết. Tết đến gần rồi nhưng gia đình chị chỉ mới sắm được dãy đèn nháy mà theo chị là “để cho có… không khí!”. Đang ngồi nói chuyện thì anh Nguyễn Văn Dương (chồng chị) vừa đi thả lưới về, nhìn rổ cá chỉ lèo tèo vài con, anh ngao ngán lắc đầu: “Hai tháng ni rồi, ngày mô cũng ri hết, làm không đủ ăn ngày hai bữa các chú ạ”. Cả nhà chị Tiết đều là ngư phủ, tất tần tật các khoản chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào mẻ lưới nên từ khi sông Lam không còn hào phóng như xưa thì kinh tế gia đình cũng sa sút hẳn. Chuyện học hành của mấy đứa con cũng theo đó mà “đứt gánh giữa đường”. “Cháu lớn học xong lớp 9 thì đi làm ăn, chừ đang là công nhân may mặc ở Bình Dương, mỗi tháng gửi về cho gia đình hơn 500 ngàn. Làm ăn ra ri chắc phải chờ cháu về mới có ít tiền sắm Tết”.

Xóm vạn đò cầu Rộ có khoảng 20 thuyền neo sát bên nhau, cùng nghề chài lưới bấp bênh và kinh tế cũng đều chật vật. Như vậy có nghĩa là Tết này, 20 hộ gia đình với gần 100 nhân khẩu sẽ tiếp tục đón một cái Tết thiếu thốn trăm bề. Dòng sông Lam thăm thẳm và mênh mông giờ đây dường như đã không còn đủ bao dung để mở lòng cho những người dân xóm vạn. Năm mới mở ra nhưng bao nỗi vất vả khó khăn của họ liệu có khép lại…?/.


Phạm Bằng - Thành Duy

Mới nhất
x
Tết chênh vênh trên những con thuyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO