"Tết này Bản Coóng vui lắm!"

30/12/2008 15:17

Bí thư chi bộ Bản Cóong (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), ông Lương Văn Thiết bấm đốt: ” Tết năm nay bản Cóong đón tết sẽ vui lắm, có cái ăn, có cái mặc còn có cả nhà văn hóa để sinh hoạt. Cũng nhờ vào mười năm cắm bản của bộ đội Hậu cả đấy! Bây giờ nó là con của dân Bản Cóong rồi”.

(Baonghean.vn) - Bí thư chi bộ Bản Cóong (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), ông Lương Văn Thiết bấm đốt: ” Tết năm nay bản Cóong đón tết sẽ vui lắm, có cái ăn, có cái mặc còn có cả nhà văn hóa để sinh hoạt. Cũng nhờ vào mười năm cắm bản của bộ đội Hậu cả đấy! Bây giờ nó là con của dân Bản Cóong rồi”.

Tôi sực nhớ tới hỏi ngay”: có phải Thiếu tá Vũ Văn Hậu, cán bộ đồn biên phòng 517 phải không?” Ông Lương Văn Thiết cười rung cả người khiến bát rượu trên tay ông trao cho tôi cứ sóng sánh:” Mình tưởng chỉ có dân bản Cóong biết nó. Thì ra ai cũng biết bộ đội Hậu cả, dân bản mình ưng cái bụng lắm”. Vốn có nhiều đợt lên công tác tại đồn 517, tôi làm sao quên được Thiếu tá Vũ Văn Hậu (cán bộ vận động quần chúng của đồn biên phòng).

Trong buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo xã Hạnh Dịch và suốt chặng đường rừng về với Bản Cóong, tôi được nghe dân bản khen và lấy làm kính trọng Thiếu tá Vũ Văn Hậu nhiều lắm. Nào là chi bộ đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng mạnh lên không thua kém các bản trong xã, trong huyện. Các hộ nhà tranh dột nát bây giờ đã có mái ấm. Bản có công trình thủy lợi tưới tiêu mở mang đất trồng, có nhà văn hóa…Bây giờ không có kẻ xấu, không có con nghiện nữa. Bản Cóong đã đổi đời. Bộ đội được dân khen, dân tin là quý nhất rồi.

Bây giờ Hậu đang ngồi bên cạnh tôi, vẫn trong bộ quân phục từng trải, mặn mà với dân, vẫn mái tóc húi cua, gương mặt đen sạm, gầy guộc, duy đôi mắt thì rất sáng và cái miệng cười đến gần gũi. Vốn là một chàng trai quê ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nhập ngũ năm 1989; với gần 20 năm trong quân ngũ, thì Hậu đã giành 15 năm cho đất rừng biên giới Việt – Lào ở huyện Quế Phong, trong đội hình của đồn biên phòng 517.

Tôi vẫn nhớ như in trong những năm khốn khó nơi giáp ranh với nước bạn Lào, Hậu vẫn là chiến sĩ biên phòng gan góc, suốt đêm ngày cùng đồng đội tuần tra, truy bắt tội phạm giữ yên bản làng.

Hậu tâm sự:” Quế Phong, một huyện có tiếng là huyện nghèo khó nhất tỉnh Nghệ An, mà tâm điểm vẫn là bản Cóong. Một bản nằm ở vùng sâu của xã Hạnh Dịch, có địa hình khá phức tạp. Chỉ có 87 hộ dân, 395 nhân khẩu đều là dân tộc Thái, với 6 dòng họ (Lô, Lương, Chàng, Hà, Quàng, Vi) sinh sống rải rác đôi bờ dòng Nậm Việc. Trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, đường sá đi lại khó khăn; cán bộ đảng viên, ban quản lý bản vừa thiếu lại vừa yếu, chi bộ phải sinh hoạt ghép. Các tổ chức quần chúng hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp; tệ nạn xã hội xẩy ra liên miên.

Ngày ấy thực hiện thông báo của Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An và kế hoạch của Đảng ủy biên phòng tỉnh tăng cường cán bộ đảng viên cho các xã biên giới, thế là Hậu xin được về sinh hoạt tại chi bộ bản Cóong. "Biết là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng mình là đảng viên thì phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trên giao, sao cho dân tin, dân quý anh ạ!”-Hậu tâm sự.

Bí thư Đảng bộ xã chị Kim Thị Tuyên cứ khen hoài: “Bộ độ Hậu nó nắm kỹ tình hình của xã hơn cả mình nữa đấy! Xông xáo, tận tâm, gần gũi nên bộ đội Hậu đã thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, già làng và dân bản đóng góp trí tuệ, sức lực củng cố xây dựng chi bộ, xây dựng Ban quản lý và các tổ chức quần chúng thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh bản”.

Chủ tịch mặt trận xã ông Lương Viết Châu, Chi hội trưởng phụ nữ bản Cóong bà Lương Thị Châu…phấn khởi không dấu diếm: phong trào trong bản đã sống lại rồi. Bản trưởng ông Lương Văn Tiếp, cất tẩu thốc trên miệng phà từng hơi khói đặc quánh rồi khen:” Bộ đội Hậu nó làm đúng cái bụng của dân bản thì ai chẳng làm theo mà thực hiện cho tốt ".

Thông qua thực tiễn, Hậu đã bồi dưỡng cho cấp ủy, quản lí bản công tác vận động quần chúng, cách nắm bắt và xử lí các vụ việc xẩy ra trên địa bàn. Tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng dần dần được củng cố và đi vào hoạt động. Bây giờ 13 hộ có nhà dột nát trong bản đã được các tổ chức quần chúng đóng góp sửa chữa lành lặn. Đêm đến bản Cóong múa hát thiệt vui, cuộc sống ở đất rừng bản Cóong ấm cúng hơn.

Chuyện xây nhà văn hóa bản Cóong mà bộ đội Hậu đề xuất, lần đầu trong bản, trong xã ai cũng không tin có thể làm được. Hậu tham mưu cho bản, xã làm tờ trình xin kinh phí các cơ quan cấp trên thế mà suôn sẻ. Xã ủng hộ 2 triệu đồng, huyện ủng hộ 3 triệu, Liên hiệp các hiệp hội KHKT ở tận Thủ đô cũng gửi về ủng hộ 12 triệu đồng. Hậu cùng trưởng bản họp dân chia thành 6 tổ vận động bà con góp gỗ, tranh nứa, góp công sức.

Bây giờ bản đã có nhà văn hóa cộng đồng thật khang trang. Bên trong, trên bàn thờ Tổ quốc dưới lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc là bức tượng của Bác Hồ thật trang nghiêm. Nhà văn hóa còn có cả ti vi bắt truyền hình cáp nên đêm đêm thu hút được đông đảo dân bản vào sinh hoạt, giảm hẳn những tập tục lạc hậu xây dựng đời sống mới. Cả bản trước đây có 14 con nghiện bây giờ đã được cộng đồng xúm tay động viên giúp đỡ cai nghiện hết cả, ai cũng sung sướng.

Đứng trên con đập ngắm công trình thủy lợi tưới tiêu cho gần 40 ha lúa nước của bản Cóong, chủ tịch xã ông Vi Viết Hải tấm tắc:” Không có bộ đội Hậu về cắm bản giúp dân thì đâu có công trình thủy lợi này.” “Vậy không có bộ đội, xã bó tay chăng? (Tôi hỏi lại). “Đúng vậy, Công trình thủy lợi thuộc vốn đầu tư dự án 134 đấy! Chỉ có 570 triệu đồng thôi. Trước đây số vốn này đầu tư xây dựng cho bản Na Sai. Nhưng đắn đo mãi vì đầu tư cho kinh phí vận chuyển vật tư vào bản quá lớn, nên họ không nhận. Thế mà bộ đội Hậu bàn bạc với chi bộ, bản trưởng và các tổ chức quần chúng xin được nhận công trình này về xây ở bản Cóong. Thực chất với kinh phí 570 triệu đồng thì rất khó lòng xây được công trình thủy lợi như thế này.

Hậu khẳng định: ”Ta huy động sức dân làm công trình cho mình, bà con có đóng góp công sức, đổ mồ hôi trên công trình của mình thì sau này được hưởng lợi dân bản mới trân trọng những gì Đảng – Bác Hồ lo cho dân!”. Bây giờ công trình thủy lợi đã đưa vào sử dụng, mùa mưa lũ vừa qua đã hạn chế được rất lớn nạn lũ quét, lũ ống. Có nước tưới tiêu đã tạo điều kiện cho dân bản khai hoang trồng mới 15 ha lúa nước nữa, đầu tư con giống chăn nuôi gia cầm, gia súc. Chỉ tính riêng bản đầu tư cho đội bảo vệ công trình thủy lợi thả hàng vạn cá giống trên diện tích mặt nước của công trình thủy lợi, bình quân hàng năm cũng thu lợi hàng chục triệu đồng.

Ngắm nhìn bản Cóong khởi sắc, tôi chợt nhớ tới gia cảnh của Hậu ở quê nhà: bố mẹ già, đau yếu luôn; vợ là giáo viên, một nách hai con vất vả khó khăn nhiều bề. Vài năm Hậu mới về thăm nhà được một lần. Thế mà với mọi người, Hậu không nói nhiều tới công việc mình làm được. Mà qua gương mặt xanh xao, đôi mắt thâm quầng thì ai cũng hiểu được anh vâng lời Đảng, gắn bó với bản Cóong trọn nghĩa, vẹn tình biết nhường nào.

Thuận Thắng

"Tết này Bản Coóng vui lắm!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO