Tết này con không về

04/02/2013 18:06

Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng xuất khẩu lao động lớn nhất toàn quốc, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông. Đến thăm những gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động vào dịp Tết đến xuân về, mới thấu hiểu nỗi niềm của họ…

(Baonghean) - Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng xuất khẩu lao động lớn nhất toàn quốc, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông. Đến thăm những gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động vào dịp Tết đến xuân về, mới thấu hiểu nỗi niềm của họ…

Tết Nguyên đán là ngày đoàn tụ của các thành viên trong gia đình. “Dù ai đi ngược về xuôi” vẫn cố gắng để dành tiền và thu xếp thời gian về ăn Tết với gia đình. Đó là nỗi mong mỏi của tất cả mọi người, người đi xa cũng như người ở nhà. Thế nhưng, không phải ai cũng được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc ấy, nhất là với những lao động xuất ngoại. Thậm chí, tại nhiều nước, dịp Tết cổ truyền của Việt Nam không trùng với dịp nghỉ lễ tết của các nước sở tại, thì chuyện người lao động Việt Nam vẫn phải đi làm, tăng ca là chuyện bình thường.

Nhiều gia đình có người thân đi xa không khỏi chạnh lòng khi Tết về mà sự sum họp thiếu trọn vẹn. Phường Nghi Hải (Thị xã Cửa Lò) là một trong những địa phương có số lượng người dân đi xuất khẩu lao động khá lớn. Những ngày giáp Tết, đến vùng quê này, thấy không khí ở đây có phần trầm lắng hơn. Gia đình bác Võ Tài Đồng ở khối Hải Bình tâm sự: “Nhà tui được bốn người con, ba gái, một trai. Hai chị lớn đã đi lấy chồng, chị cả thì lấy chồng tận mãi Đồng Nai, cậu con trai út sinh năm 1989 học xong là đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc, đến nay được hơn bốn năm. Năm nay đứa con gái thứ ba cũng theo em sang Hàn đã được bảy tháng nay. Vậy là bốn đứa con thì hai đứa ăn Tết ở tận Hàn Quốc, một đứa con gái đầu ở tận Đồng Nai. Những ngày cuối năm, công việc của các con càng bận, nghe con gọi điện thoại về hỏi thăm gia đình chuẩn bị Tết nhất thế nào, thương con lắm nhưng đành chịu. Buồn hơn là bốn năm nay thằng con trai duy nhất trong nhà đi xuất khẩu mới về nhà được một lần và Tết năm nào nó cũng vắng mặt”. Vợ ông Đồng tâm sự: “Mẹ nào chả thương con, nhất là cậu con trai út, dịp Tết nào có người quen sang bên đó còn gửi được chút quà quê, đồ Tết cho con chứ không thì đành chịu, thương con nhưng cũng chỉ biết động viên con cố gắng hoàn thành công việc”.

Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Hoa lại khác. Năm 2007, chồng chị khăn gói lên đường xuất khẩu lao động ở Tây Ban Nha, một mình ở lại chăm hai con (đứa lớn học lớp 5, đứa bé mới 5 tuổi). Kể từ đó, 5 năm nay, bốn mẹ con chị đón Tết trong cảnh vợ vắng chồng, con thiếu bố. Chị tâm sự: “Vì cuộc sống mưu sinh, mình phải chấp nhận thiếu thốn tình cảm. Từ ngày chồng đi xuất khẩu lao động, kinh tế gia đình đỡ khó khăn hơn, nhưng không khí trong nhà lúc nào cũng vắng bóng người đàn ông”. Mọi công việc chuẩn bị Tết đổ dồn lên vai người phụ nữ, từ việc thăm hỏi hai bên nội ngoại, mua sắm, sửa sang chuẩn bị đón Xuân đều do tay chị đảm nhiệm. Hai đứa con của chị một cháu lớp 10 một cháu đang học lớp 4, thi thoảng vẫn hỏi vì sao bố lâu về thế? Tết bố có về không? Những lúc ấy chị chỉ biết an ủi cháu “Bố đang đi kiếm tiền nuôi con, ráng ngoan học giỏi chờ bố về.”. Mỗi dịp Tết đến thấy gia đình khác quây quần lại thấy thương chồng ở xứ người đang cố gắng kiếm tiền xây dựng cuộc sống gia đình, chị lại càng cố gắng hoàn thành công việc ở nhà cho trọn vẹn.



Bà Nguyễn Thị Lý (Cửa Lò) có con đi xuất khẩu lao động 5 năm ở Hàn Quốc chưa về Tết.

Đó là với những gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động đã lâu, còn với những gia đình mà cái Tết Quý Tỵ 2013 này là cái Tết đầu tiên trải qua cảnh xa chồng, xa con thì lại có những nỗi niềm riêng. Với chị Phan Thị Nam ở thôn 3 (Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu), đây là cái Tết đầu tiên chị và anh xa nhau. Năm 2012, anh Hồ Sỹ Toàn đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, thế là cái Tết năm nay người vợ trẻ và hai con nhỏ, đứa lớn mới 6 tuổi đứa bé còn đang học mẫu giáo, phải đón Tết mà thiếu đi hơi ấm từ người chồng, người cha. Mọi năm có chồng ở nhà, việc chuẩn bị Tết cũng đỡ đi phần nào, năm nay đến ngày 20 âm lịch rồi mà chị cũng chưa chuẩn bị gì cho Tết. Phần vì công việc làm ăn buôn bán, đồng áng, lại thêm chăm sóc hai con nhỏ một mình. Chị ngậm ngùi tâm sự: “Chồng đi xuất khẩu lao động thì tôi cũng chuyển về ở với em dâu (em trai chị Nam cũng đi Malaysia) nên hai chị em ở với nhau cho vui, đỡ thấy trống vắng trong nhà. Người ta có chồng ở nhà thì Tết đầm ấm vui vẻ hơn nhiều. Nhưng vì tương lai con cái, vì cuộc sống nên cũng đành chấp nhận”.

Năm hết Tết đến là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, chia sẻ chuyện năm cũ, năm mới. Nhưng không phải ai cũng có được những giây phút thiêng liêng, ấm áp đó bên gia đình của mình. Anh Nguyễn Phúc Sơn (ở phường Vinh Tân – Tp Vinh) mới đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc về, cho biết: “Cách đây 4 năm, tôi có xin đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, trong 3 năm, tôi không về thăm nhà được lần nào, mỗi dịp Tết cũng đành chịu, mình ở nước ngoài Tết không về được nên người thân ở nhà cũng buồn. Nhưng thật ra, ở nhà người thân buồn một thì những người xa xứ như chúng tôi buồn mười. Đón Tết nơi đất khách quê người cô đơn lắm. Mặc dù công ty vẫn cho nghỉ mấy ngày trong dịp Tết nhưng nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ không khí Tết ở Việt Nam mình lắm chứ! Mặc dù cũng có nhiều người Việt ở bên đó, nhưng hầu như ai cũng cùng chung tâm trạng nên mấy anh em Việt Nam mình tự tổ chức vui Tết với nhau cho vơi bớt nỗi buồn. Hết hạn hợp đồng nên tôi được về nước đoàn tụ cùng gia đình, sắp đến Tết rồi, tôi đang cố gắng chuẩn bị một cái Tết thật tươm tất cùng gia đình sau những tháng ngày xa cách”.

Những gia đình chúng tôi gặp đều chung một cảm giác như vậy, nỗi nhớ niềm thương, sự thiếu vắng là không tránh khỏi, nhưng tất cả đều cố gắng động viên nhau vượt qua vì công việc và cuộc sống để chờ đợi ngày mai, ngày sum họp…


Hồng Quang

Mới nhất

x
Tết này con không về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO