Tết này làng vắng... thanh niên

14/02/2013 18:09

(Baonghean.vn)- Kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, những người đi làm ăn xa lấn bấn không đủ tiền về quê ăn Tết cùng gia đình. Vì thế bữa cơm đoàn viên thiếu hẳn sự đầm ấm, sum vầy. Người ở nhà trông chờ, mong ngóng. Người ở xa tủi thân đón Tết một mình nơi đất khách...

Tết năm nay, nhà bà Trịnh Thị Xuân, 73 tuổi (xóm 3, Thanh Tường, Thanh Chương) cô quạnh. Ngày ba bữa chỉ mình bà lủi thủi lo chuyện mâm cỗ cúng gia tiên. Ngày Tết nhưng bà chẳng bày biện, mua sắm gì nhiều, bởi cả 3 con đi làm thuê ở Sài Gòn đều không về quê ăn Tết. “Từ đầu tháng Chạp tui đã gọi điện bảo các con về quê ăn Tết. Cả ba đứa cứ khất lần. Biết rằng năm nay làm ăn chẳng ra gì, chỉ đủ tiền thuê trọ, chi tiêu đắp đổi qua ngày nhưng vẫn hi vọng có đứa về đón Tết cùng mẹ. Vậy mà... Ba đứa gom góp mua được mấy thứ kẹo mứt, hạt dưa gửi kèm về cho mẹ 500 ngàn sắm Tết với lời cáo lỗi “Tết này cả ba đứa con không về được, mẹ thông cảm giùm...” Cả ba đứa con bà Xuân đều làm công ty giày da ở Sài Gòn, năm nay đơn đặt hàng ít nên công sá chẳng ăn thua, ngày làm ngày nghỉ, thu nhập vì thế cũng chẳng đáng là bao. Trong khi vé tàu, xe cả đi lẫn về cũng mất hơn 3 triệu, rồi còn tiền quà cáp nên đành lỡ hẹn sum họp gia đình.



Chật vật mãi anh Trần Tử Khang (Thanh Đồng, Thanh Chương) mới gom góp được tiền mua vé tàu về quê ăn Tết. Nếu không phải mẹ anh lên lão chắc anh cũng chẳng dám vay mượn tiền triệu để về nhà trong mấy ngày Tết. Về được với mẹ nhưng anh vẫn thấy ngại ngùng. Cả năm trời làm ăn nơi đất khách mà Tết này anh chẳng mua nổi cành đào, chậu quất, tấm áo mới cho mẹ khi mẹ tròn bảy mươi như lời hứa khi ra đi từ đầu năm. Cứ nghĩ tới cảnh cả đời mẹ làm lụng vất vả nuôi anh nên người, 12 tháng mong ngóng con làm ăn nên nổi trở về khiến Khang không nén được tiếng thở dài. Không phải anh ham hố chơi bời hay không biết tằn tiện chi tiêu mà vì công ty anh năm vừa rồi làm ăn thất bát. 3 tháng cuối năm, chỉ có khoảng 70% công nhân có việc làm, còn lại thất nghiệp dài dài. Anh em cùng quê đều ở lại Bình Dương tranh thủ đi bán tranh dạo trong mấy ngày Tết để dành gửi tiền về cho gia đình, người dăm chục, một trăm góp tiền cho anh vay mua vé tàu và một ít quà về quê với mẹ. "Mọi năm cứ trông công ty thưởng để lấy tiền mua vé tàu xe và quà Tết cho cả nhà. Năm nay giám đốc bảo công ty gặp khó khăn nên chỉ ứng trước vài trăm nghìn ăn Tết, còn lương khất đến ra Giêng. Đắn đo mãi mới dám mua vé tàu về quê ăn Tết...”


Do năm vừa qua nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản nên nhiều công nhân bị sa thải, số khác bị cắt giảm lương thưởng, thậm chí bị công ty nợ lương đến 6 tháng. Vì thế nhiều lao động lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn không có tiền về quê ăn Tết. Do đó, ở nhiều làng quê, không khí Tết bớt đi sự náo nức, nhộn nhịp. “Mọi năm, đêm giao thừa thanh niên trong làng tập trung ở nhà văn hóa xóm vui văn nghệ, đốt lửa trại rồi kéo nhau đi chúc Tết các gia đình trong làng. Vắng thanh niên về quê ăn Tết nên các hoạt động như bóng đá, bóng chuyền, giao lưu văn nghệ, gặp mặt con em xa quê đều bị cắt giảm. Năm nay, chỉ có vài người ở xa về quê ăn Tết, nên kế hoạch vui Xuân, đón Tết của chi đoàn lên sẵn bị “phá sản” bởi không có người...”, anh Nguyễn Thị Thủy, Bí thư chi đoàn xóm 5, Thanh Tường (Thanh Chương) giãi bày.


Trong ánh đèn leo lét, bà Xuân ngồi tựa cửa, mắt nhìn xa xăm. Mấy ngày nay, lúc nào các congọi điện thoại về bà cũng khóc. Một mình bà ở nhà đơn độc, các con bà tha hương nơi đất khách quê người, chắc giờ này cũng ngồi nhớ mẹ rồi khóc rấm rứt. Từ chiếc đài bán dẫn, bài hát “Xuân này con không về”: "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con khi thấy mai đào nở vàng bên nương... mà tin con vẫn xa ngàn xa" khiến bà thêm tủi thân... Bao giờ thanh niên nông thôn ly nông mà không ly hương ???

Mới nhất

x
Tết này làng vắng... thanh niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO