Tết này mình biết ăn gì?

02/01/2014 14:34

(Baonghean) - Đang xì xụp và nốt miếng mì tôm thì mẹ gọi điện:

- Tết này bạn con về, thèm ăn gì để mẹ gửi sang?

- Mẹ gửi cho con ít bò khô nhé? Bò khô mua ấy mẹ, bò khô tự làm không ngon được như bò khô ngoài hàng đâu!

- Không là không, con có biết bò khô ngoài hàng toàn làm từ thịt thối, ướp hóa chất phẩm màu, ăn vào ung thư không?

- Thế thì mẹ gửi cho con ruốc bông vậy?

- Nhà mình dạo này đang cạch ăn thịt lợn, người ta vừa bắt được 2 tấn thịt lợn thối con ạ!

Cực chẳng đã, mình đành bảo: Thế thì mì tôm đi vậy. Vừa dứt lời, được mẹ thuyết giáo cho ngay một bài về việc 100% các mẫu mì tôm trong và ngoài nước qua kiểm duyệt đều có chứa chất gây sỏi thận. Có mỗi cái việc ăn thôi mà nghe chừng cũng ra lắm vấn đề!

Thực ra thì Việt Nam chưa bao giờ nổi tiếng về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, nên nhìn vào thực tế mà thừa nhận một cách trung thực như thế. Những người nước ngoài đến Việt Nam không thể không "sốc văn hóa" trước những quán ăn thô sơ dựng ngay bên dòng xe cộ bụi bặm và thậm chí là rác rến. Cú "sốc dạ dày" có lẽ còn mạnh hơn nhiều, khi mà một người bạn nước ngoài của mình từng bị tiêu chảy đến rộc cả người chỉ sau một lần ăn quán vỉa hè. Kể từ đó, có lẽ các du khách nước ngoài khi đến Việt Nam đều xếp thuốc đau bụng và hỗ trợ tiêu hóa vào danh sách đồ dùng tối quan trọng. Nói nào ngay, những người Việt đi xa về như mình cũng nhiều phen bị tào tháo rượt, huống hồ là người nước ngoài.

Nói như vậy không phải để tẩy chay ẩm thực Việt Nam. Bởi xét trên yếu tố khách quan mà nói thì điều kiện ở Việt Nam không cho phép đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe như ở nước ngoài. Chênh lệch về thu nhập, giá cả, mức sống và trên hết là khác biệt ngay từ khâu sản xuất, quản lí thị trường: Tất cả những cái đó làm nên đặc trưng hàng hóa của các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Nói nôm na là "tiền nào của nấy", "của rẻ là của ôi", âu cũng dễ hiểu. Nhưng vấn đề là ở chỗ, kể cả khi người ta sẵn sàng bỏ tiền ra, rất nhiều, thì vẫn không tìm đâu ra nguồn cung tương xứng với tiêu chuẩn của bên cầu. Chẳng thế mà nhiều người có điều kiện khá giả vẫn phàn nàn là không biết chơi gì, mua gì, ăn gì cho xứng với đồng tiền mình bỏ ra ở Việt Nam.

Nói là nói thế thôi, chứ không ăn thì làm sao mà sống? Như bạn mình ở Việt Nam vẫn thường đùa nhau là "Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết, thôi thì ăn rồi chết cho sướng mồm". Điều đó không có nghĩa là chúng ta đồng tình, hưởng ứng hành vi sản xuất, buôn bán thiếu đạo đức mà chỉ là phương án "sống chung với lũ". Muốn giải quyết hiện tượng này cần có sự tương tác của cả người mua và bán. Người bán và sản xuất cần làm ăn có chữ tín, có lương tâm, bởi suy cho cùng họ lại là người tiêu thụ trong một mắt xích khác của nền kinh tế, buôn gian bán lận được hôm nay thì liệu ngày mai chắc gì họ không trở thành nạn nhân của những lái thương thiếu đạo đức khác? Về phía người mua, không tham của rẻ, không tham cái lợi nhỏ trước mắt mà quên đi cái lợi lớn là sức khỏe của bản thân, gia đình và xa hơn nữa là sự lành mạnh của nền kinh tế chung. Vai trò kiểm soát, điều hòa, định hướng tất nhiên thuộc về các cơ quan có thẩm quyền, vấn đề trở thành một bài toán tam giác mà thiếu đi một góc sẽ thành câu đố không có lời giải.

Quay trở lại cuộc hội thoại giữa mình và mẹ (và bát mỳ!), khi mẹ mình răn đe không được ăn mỳ tôm cũng là lúc mình nhận ra một sự thật hiển nhiên như mọi du học sinh khác: mỳ tôm đã, đang và sẽ không thể thiếu được đối với sự sống còn của bọn mình. Không biết suốt 20 năm cuộc đời, từ khi biết ăn mỳ tôm cho đến giờ, mình đã tích lũy được bao nhiêu mét khối sỏi, âu cũng là một kiểu tích lũy chuẩn bị cho kế hoạch xây nhà trong tương lai. Xây nhà gì ư? Hẳn là nhà mồ, nếu như tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm nước nhà không có tí gì khởi sắc. Nhưng câu hỏi nhức nhối ngay trước mắt là: Tết này mình biết ăn gì?

Hải Triều

Mới nhất
x
Tết này mình biết ăn gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO