Tết Nghệ với những người nước ngoài xa quê

Mỹ Hà 05/02/2022 17:51

(Baonghean.vn) - Tết cổ truyền Việt Nam này, dẫu không được về “bản quốc”, nhưng những người con đến từ các quốc gia khác nhau vẫn cảm nhận được sự ấm áp, chân thành của đất và người Nghệ An. Trong sâu thẳm, họ đã xem đây là quê hương thứ hai để “mỗi lần đi xa lại muốn trở về".

Chàng trai Ấn độ làm rể Thanh Chương

Anurag Sharma vừa có một lễ kỷ niệm nhỏ đánh dấu 6 năm đến Việt Nam sinh sống và làm việc. Chia sẻ lên trang cá nhân, Anurag Sharma gửi lời cảm ơn đến những người bạn Việt Nam đã đồng hành với anh trong quãng thời gian đặc biệt này.

6 năm trước, Anurag Sharma rời thành phố nhỏ Jharkhand của Ấn Độ khi mới 21 tuổi và cơ duyên đưa Anurag Sharma đến xứ Nghệ, trở thành thầy giáo và là người truyền cảm hứng bộ môn Yoga cho rất nhiều học trò. Sau 6 năm, Anurrag Shama cũng đã gọi Nghệ An là quê nhà, bởi ở đây anh đã có vợ là người xứ Nhút - Thanh Chương, có 2 người con xinh đẹp và một ngôi nhà nhỏ ở thành phố Vinh. Dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng Anurag Sharma thấy rằng mình đã có một khởi đầu đầy viên mãn...

Buổi dạy học trực tuyến của thầy giáo Anurag. Ảnh: MH
Buổi dạy học trực tuyến của thầy giáo Anurag. Ảnh: M.H

Khi đến Việt Nam, Anurag Sharma chọn Vinh thay vì các thành phố lớn khác, vì cứ nghĩ Vinh chắc có nhịp sống bình lặng, yên ả hơn. Ấy nhưng, những ngày đầu tiên đến đây, phố Vinh khiến Anurag Sharma “ngỡ ngàng” bởi có quá nhiều nhà cao tầng và nhịp sống sôi động. Tuy vậy, qua những bỡ ngỡ ban đầu, sống lâu ở Vinh và đặc biệt là việc có thêm rất nhiều học trò mới... đã khiến anh mỗi ngày lại yêu Vinh hơn. 6 năm ở Nghệ An, dù công việc của anh chủ yếu chỉ diễn ra ở phòng tập với những người học trò cùng niềm đam mê yoga nhưng anh đã cảm nhận được một thế giới thu nhỏ.

Tại đây, anh được các học viên gọi là thầy, được mỗi ngày nghe các học viên chia sẻ nhiều câu chuyện, cả những niềm vui, nỗi buồn. Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và tâm điểm là Ấn Độ, anh được rất nhiều bạn bè nhắn tin, hỏi thăm hàng ngày về tình hình của gia đình, của quê nhà. Chia sẻ với thầy giáo trong mùa dịch, lớp học online của anh trong suốt năm qua vẫn mở đều đặn dù rằng thầy và trò chỉ được nhìn nhau qua màn hình điện thoại. Dịp lễ 20/11, những bó hoa tươi thắm vẫn được học trò gửi đến thầy giáo với rất nhiều lời chúc tốt đẹp, chân thành.

Gia đình anh Anurag Sharma đi chơi xuân. Ảnh: MH
Gia đình anh Anurag Sharma đi chơi xuân. Ảnh: M.H

Vì yêu mến mảnh đất này nên Anurag Sharma đã quyết tâm học tiếng Việt dù “tiếng Việt có nhiều dấu, nhiều cách gọi khác nhau”. Nhưng với sự kiên trì, chỉ sau 2 năm tự học, Anurag Sharma có thể nói tiếng Việt thành thạo như người Việt và còn có thể sử dụng cả “chi, mô, răng, rứa” của người Nghệ. Hơn cả, nhờ tiếng Việt, Anurag Sharma làm quen được với một người đồng nghiệp ở trung tâm huấn luyện và sau này hai người kết hôn, trở thành vợ chồng. 4 năm lập gia đình, dù cả hai chỉ mới có một chuyến duy nhất về Ấn Độ để ra mắt và làm lễ cưới, còn lại nhiều dự định còn dang dở vì đường xa, vì dịch bệnh bùng phát...

Thế nhưng, Anurag Sharma đã vơi được nỗi nhớ nhà bởi bên anh luôn có vợ, con và gia đình “đàng ngoại” rất yêu thương... Đó cũng là lý do vì sao, vào những dịp lễ Tết, thay vì đi chơi, đi du lịch Anurag Sharma chọn niềm vui giản dị là được về Thanh Chương, quây quần bên gia đình và được bố vợ đãi con rể nhiều món ngon, đặc biệt là món gà được nướng bằng than củi “ngon hơn rất nhiều ở nhà hàng”.

Gia đình anh Anurag Sharma. Ảnh: MH
Sau gần 6 năm ở Việt Nam, anh Anurag Sharma đã có vợ, con và cuộc sống ổn định. Ảnh: M.H

Đón nhiều cái Tết cổ truyền ở Việt Nam, Anurag Sharma cũng đã bắt đầu yêu mùi hương trầm thoang thoảng mỗi dịp Tết đến, yêu cả không khí se se lạnh của những đêm 30 Tết ngồi thức bên nồi bánh chưng. Bằng sự chân thành Anurag Sharma cũng trân trọng Tết Việt như các ngày lễ trọng đại ở quê nhà bởi anh cảm nhận được Tết Việt có một ý nghĩa đặc biệt với người dân bản xứ và là dịp duy nhất trong năm mà mọi người trong gia đình có thể họp mặt, sum vầy...

Yêu Tết Việt bởi những điều giản dị

Năm 2021 là một năm khá đặc biệt với Michael Olaha bởi sau 2 năm chơi cho Câu lạc bộ Happoel Kfar Shalem (Israel), anh đã quay trở lại với đội bóng Sông Lam - đội bóng mà anh đã để lại nhiều dấu ấn với danh hiệu “người hùng trầm lắng”, “người làm trụi mặt sân cỏ”.

Lần trở lại này của Michael Olaha đã không còn vất vả như trước đây bởi anh được gặp lại những đồng đội cũ, quen với thời tiết giá lạnh của miền Trung và bắt nhịp nhanh với việc tập luyện. Gần nửa năm về lại Sông Lam Nghệ An, Michael Olaha cũng đang tràn đầy hy vọng để được gắn bó lâu dài với đội tuyển. Michael Olaha cũng tin vào sự lựa chọn của mình và anh hạnh phúc khi được đến Việt Nam bởi anh cho rằng, hầu hết những cầu thủ chuyên nghiệp đều mong muốn tìm một nơi để chơi bóng và kiếm tiền. Trong khi đó, anh xác định sự nghiệp chơi bóng còn dài và Việt Nam là nơi phù hợp và giúp anh có nhiều tiềm năng để phát triển.

Buổi tập của Olaha và các đồng đội. Ảnh: Đức Anh
Buổi tập của Olaha và các đồng đội. Ảnh: Đức Anh

Những tình cảm của Michael Olaha với đội bóng và những người đồng đội cũ cũng đã đưa anh trở lại với đội bóng Sông Lam Nghệ An lần thứ 2. Nói về điều này, Michael Olaha chia sẻ thêm: Người Nghệ An rất thân thiện, mến khách. Đặc biệt tại Sông Lam Nghệ An, tôi cảm thấy mọi thứ đều rất tốt, các đồng đội đều rất đoàn kết và mọi người xem nhau như những thành viên trong gia đình. Và, đó là lý do tôi ở đây, quay trở lại đây”.

Gắn bó với Việt Nam đã lâu nên Michael Olaha cũng cảm nhận được Tết Âm lịch ở đây thật đặc biệt và “giống như Lễ Giáng sinh tại Nigeria vậy”. Ấn tượng qua 4 năm ăn Tết Việt của Michael Olaha còn là vì “có rất nhiều hoa, trong đó có những loài hoa rất đặc trưng như hoa mai, hoa đào”. Ngày Tết, Michael Olaha thường được những người bạn của mình rủ về nhà để cùng thưởng thức các món ăn ngon và tâm sự với nhau sau một năm làm việc. Một điều Michael Olaha thấy rất thích thú khác đó là mọi người sẽ lì xì cho nhau trong mỗi dịp năm mới và Michael Olaha cũng thường chuẩn bị rất nhiều phong bao lì xì để dành tặng cho các em nhỏ và những người bạn của mình.

Michaela olaha đã lần thứ 2 đến với đội bóng Sông Lam Nghệ An. Ảnh: SLNA
Michaela Olaha đã lần thứ 2 đến với đội bóng Sông Lam Nghệ An. Ảnh: SLNA

Tết này, vì dịch nên Michael Olaha có thể sẽ phải hoãn nhiều kế hoạch, không còn những chuyến đi chơi xa. Khoảnh khắc giao thừa, bước sang năm mới anh cũng sẽ nhớ nhà, nhớ quê hương. Tuy vậy, là “một người chăm chỉ”, Michael Olaha biết rằng, đây là thời điểm mà anh và đồng đội cần phải chuẩn bị cho những trận đấu quan trọng sắp tới và Tết là khoảng thời gian ý nghĩa để anh có thể nghỉ ngơi, thư giãn và cảm nhận những điều hạnh phúc giản dị với người dân bản xứ. Michael Olaha cũng “yêu không khí Tết tại Việt Nam” chỉ vì những điều rất đỗi bình thường đó.

Mới nhất

x
Tết Nghệ với những người nước ngoài xa quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO