Tết nơi rốn lũ
(Bâonghen.vn) - Trong cái rét ngọt của những ngày áp Tết, chúng tôi ngược rừng lên huyện miền núi cao Kỳ Sơn, nơi rốn lũđi qua. Khác với những năm trước, năm nay bà con các dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn đón một cái Tết trong khó khăn, chật vật trăm bề.
Vượt quãng đường xa trong cái giá lạnh của miền sơn cước, khi sương mờ giăng kín phủ trắng núi rừng, vợ chồng chị Hờ Y Mảy và con gái Lầu Y Xềnh ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn vượt rừng xuống thị trấn Mường Xén - Kỳ Sơn sắm Tết. Dạo quanh chợ thị trấn Mường Xén, chị Hờ Y Mảy đắn đo mãi tìm mua cho cô con gái đang học lớp 3 bộ quần áo mới để mặc trong những ngày Tết. Nét buồn hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ, giọng người phụ nữ dân tộc Mông này chùng xuống: "Giá cả hàng hóa tăng, thu nhập từ nương rẫy chắt chiu dành dụm được ít tiền để sắm sanh trong mấy ngày Tết, mua vài bộ quần áo cho hai đứa con mà chật vật quá".
Phụ nữ dân tộc Thái xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) gói bánh đón Tết cổ truyền.
Chúng tôi gặp chị Xồng Y Xúa ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ cùng chị em trong bản đang trên đường xuống chợ. Trên vai chị gùi đủ thứ: rau cải lấy từ rẫy, hành, hẹ, gừng, rau cải xoong hái ven bờ suối..., đi bộ xuống chợ mong bán được ít tiền để mua bánh kẹo, mì chính, một ít đồ dùng thiết yếu cho gia đình trong những ngày Tết đến, Xuân về.
Hoàn cảnh của chị Hờ Y Mảy, chị Xồng Y Xúa nằm trong tình trạng chung của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn. Năm 2011, huyện hứng chịu nhiều trận bão lũ quét, trong đó thiệt hại nặng nhất là cơn bão số 2 với sức tàn phá chưa từng có trong lịch sử từ ngày thành lập huyện. Đơn cử như xã Mỹ Lý, trận lũ lụt tháng 6 vừa qua làm 11 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 16 ngôi nhà bị ngập và hư hỏng nặng, các công trình công cộng phục vụ dân sinh như nước sạch bị hư hỏng toàn bộ, trường học bị sạt lở...
Đã cận kề ngày Tết nhưng không khí trên địa bàn huyện Kỳ Sơn không mấy rộn ràng như những năm trước. Địa bàn rộng, sau các trận lũ, các tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, đứt gãy, nhiều đoạn bị ngập lụt, đất đá bồi lấp không đi lại được như: Tà Cạ - Mường Típ, Na Ngoi, Nậm Càn; Huồi Cả - Bắc Lý; Xiêng Thù - Bảo Thắng; Huồi Tụ - Keng Đu; Hữu Lập - Bảo Nam; Phà Xắc - Mỹ Lý. Trong khi đó, hệ thống chợ thì ít, đường sá xa xôi nên đồng bào các bản vùng sâu, vùng xa chủ yếu tự cung tự cấp, thỉnh thoảng các xe bán hàng chở hàng hóa vào tận bản.
Với những chợ "di động" như thế, giá cả thường tăng cao hơn 15-20% nên người dân cũng không mấy mặn mà. Chợ Mường Xén là chợ trung tâm buôn bán của huyện Kỳ Sơn, nhưng hoạt động mua bán những ngày cận Tết trong tình trạng "ảm đạm". Chị Lê Thị Hà - tiểu thương ở chợ Mường Xén cho hay: "Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết rồi, nhưng sức mua năm nay giảm nhiều lắm.
Năm nay vừa lũ lụt, vừa cháy chợ, người dân đến tiểu thương đều khó khăn nên hàng hóa không phong phú. Thời gian này những năm trước, có ngày quầy hàng tôi bán hàng chục triệu đồng, nhưng năm nay có ngày chỉ bán được mấy trăm ngàn. Người mua ít nên chúng tôi không nhập hàng hóa nhiều như mọi năm, đến giờ này lượng hàng hóa bán cũng chỉ như ngày thường mà thôi".
Không khí Tết hiện hữu rõ nhất là dọc các tuyến đường, nhiều cành đào đang chuẩn bị chớm nụđược dựng lên, những chuyến xe ô tô, xe máy ngược xuôi từ Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn chở hàng hóa từ Lào, các đặc sản của vùng cao như:khoai sọ, nếp cẩm, gừng, lá dong, gà đen từ miền ngược về xuôi. Dịp Tết, thanh niên các bản, làng Kỳ Sơn tranh thủ vào rừng hay qua biên giới Lào tìm cành đào mang xuống thị trấn bán, nhưng năm nay sức mua cũng không lớn như mọi năm.
Vất vả mấy ngày ròng, anh Lầu Trồng Xúa ở xã biên giới Nậm Cắn mới kiếm được cành đào từ Noọng Hét mang xuống thị trấn Mường Xén, đã hai ngày nay mà không có người mua. Anh nói: "Bán được cành đào này, tôi sẽ mua kẹo bánh, đồ dùng thiết yếu về phục vụ mấy ngày Tết. Cả năm mới có mấy ngày Tết nhưng năm nay khó khăn quá, không có tiền mua quần áo mới cho các con".
Chia sẻ với chúng tôi, ông Moong Phò Ngọc - Phó Chủ tịch xã Nậm Cắn - Kỳ Sơn cho biết: Những ngày này vào bản không gặp được người lớn, chỉ có người già và trẻ con ở nhà thôi. Tranh thủ những ngày cuối năm, bà con trong xã vào nương rẫy thu hoạch khoai sọ, sắn, rau cải... để gùi xuống chợ bán, đổi hàng hóa về phục vụ ngày Tết.
Những ngày cuối năm, nhiều đoàn công tác của lãnh đạo các cấp, các tổ chức cá nhân với tấm lòng hảo tâm "lá lành đùm lá rách" đã đi thăm, tặng quà, chia sẻ khó khăn với đồng bào nghèo nơi vùng cao biên giới Kỳ Sơn. Khó khăn còn nhiều, nhưng với những nghĩa cử cao đẹp đó chính là món quà, niềm vui lớn nhất làm ấm lòng bà con nơi đây trong mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Thanh Lê