Tết quê
(Baonghean) - Quê tôi là một xóm nghèo nằm trên bờ sông Lam. Xóm có hơn trăm nhà nằm rải rác. Trước mặt là dòng sông uốn lượn, sau lưng là cánh đồng chạy mút tới chân trời. Sông Lam thay đổi từng ngày, sáng nước lớn, chiều xuống. Cánh đồng của làng tôi cũng bao phen thay đổi, từ làm lúa mùa muộn rồi chuyển sang làm cao sản và bây giờ thì nuôi cá, nuôi tôm. Năm tháng trôi đi làng tôi trải qua nhiều cuộc dâu bể, kẻ còn người mất... Nhưng, có một thứ không thay đổi, đó là nếp sinh hoạt tết.
Hồi tôi còn bé, Tết vẫn diễn ra như thế và cho đến bây giờ phong sương gội bạc mái đầu, tết vẫn cứ như thế. Tôi có hơn 20 năm sống ở cái làng quê này nên lề thói của nông thôn ăn sâu trong máu thịt. Hàng năm cứ đến 20 tết làng tôi lại bỏ ngang những công việc đồng áng, mùa màng, để đổ hết sức lực cho việc chuẩn bị tết: sửa sang, cắt giấy, cắt bông, trang hoàng nhà cửa, giặt giũ mùng chiếu, làm khô, chuốt lá chuối, lá dong chuẩn bị gói bánh... Hai mươi tám tết là làng xóm chộn rộn sửa sang nhà cửa, gói bánh, làm mứt.
Chợ tết quê xưa. Tranh minh họa (nguồn: VnMedia)
Ở quê tôi bánh chưng “trước cúng sau ăn” của ba ngày tết không ai mua bao giờ mà tự làm lấy cả. Dù bánh chưng không ngon như ở chợ nhưng chứa đựng một quan niệm sống là lòng thành đối với ông bà tổ tiên phải được thể hiện bằng công sức. Mấy năm kinh tế gia đình kha khá một chút, sợ mẹ tôi vất vả, em gái tôi đi chợ mua bánh chưng về cúng tết, mẹ tôi giận, bà nói với chúng tôi: “Lòng thành kính không thể mua được bằng tiền các con ạ”.
Làm bánh chưng, bánh tét cho ba ngày tết cũng là dịp các mẹ, các chị thể hiện đức tính của người phụ nữ. Các mẹ tụ họp thành một nhóm để gói bánh chưng, các chị các em cũng họp thành một nhóm làm mứt dừa, mứt cà. Vui lắm, không khí ở cái chái bếp cứ rộn rã tiếng cười nói của thôn nữ. Gần như 100% phụ nữ nông thôn đều biết gói bánh, làm mứt, mà lại gói bánh rất đẹp, làm mứt rất ngon, mặc dù họ chưa qua một lớp nữ công gia chánh nào. Điều đó cũng không có gì lạ. Là con nhà nghèo, năm ba tuổi đã lân la theo mẹ theo chị đi gói bánh, lớn lên một chút thì chị dạy em, dì dạy cháu, thế là cô thôn nữ nghiễm nhiên trở thành cô thợ làm mứt, gói bánh. Nếp sinh hoạt nông thôn đã thành truyền thống, ấy là một trường học lớn, luôn làm ta bất ngờ. Đó cũng là cội nguồn sức mạnh tạo ra bao thế hệ phụ nữ nông thôn khéo tay, đảm đang, vượt được bao gian nan, sóng gió của cuộc đời.
Ở quê tôi nhà nào cũng bày mâm cỗ để cúng rước ông bà chiều 30 tết. Mâm cỗ được làm từ cây nhà lá vườn, không có thịt thì làm bằng cá. Đối với người quê, tết là dịp để tưởng nhớ ông bà cha mẹ đã quá cố. Cho nên cái gì ngon nhất, sang trọng nhất... đều được bày cúng trên bàn thờ. Bàn thờ là tâm điểm để trang hoàng bài trí, là vị trí trang trọng nhất trong một ngôi nhà, nơi tục lạy ông bà đêm giao thừa. Chiều 30 tết mọi thành viên trong gia đình đi giao lưu với nhà hàng xóm bạn bè nhưng đến gần giao thừa là phải tề tựu đông đủ, tắm rửa sạch sẽ, thay đồ mới rồi bày bánh trái, nước trà cúng gia tiên. Người dân quê tôi quan niệm rằng: thời khắc giao thừa khởi đầu năm mới là thời khắc sơ khai tinh túy nhất của trời đất trong năm nên linh thiêng lắm, cúng tế ông bà cha mẹ là ta trả nghĩa suốt năm, ta cầu ông bà phù hộ điều gì thì khắc sẽ linh nghiệm. Đó là nhân cách, tâm hồn của những con người biết trước biết sau, tỏ tường công lao trời biển của ông bà cha mẹ. Người không tỏ tường công lao tổ tiên thì không thể hiểu được đất nước gấm vóc chúng ta được xây bằng máu xương, mồ hôi nước mắt thế nào. Ta nhớ mẹ ta như thân cò lặn lội đồng sâu thì ta cũng nhớ và yêu cái mảnh đồng sâu ấy oằn lưng dưới trời mưa nắng mà hoài thai hạt gạo nuôi ta đến phổng phau thành người.
Tập quán “mồng một tết cha” ở nhiều làng quê vẫn còn gìn giữ đến hôm nay. Sáng mồng một là con cái vợ chồng ở xa phải về để chúc tết mừng tuổi ông bà cha mẹ, sau đó đi chúc tết họ hàng rồi láng giềng. Ở làng tôi nếp này được giữ gìn rất chặt chẽ. Thế cho nên mối quan hệ của gia đình dòng họ, láng giềng ngày càng thắt chặt. Người ta lấy lễ đãi nhau, tình làng nghĩa xóm vẹn toàn, đạo làm con sáng như gương. Người quê ít học vậy nhưng nếp sống thì thật là văn hóa, thật là cao đẹp ! Đó chính là truyền thống văn hóa, là đạo lý đã được bao thế hệ cha ông nuôi dưỡng, giữ gìn, bồi đắp, truyền từ đời này qua đời khác.
Hồng Dung