Tết thì phải làm gì?

16/01/2014 17:42

(Baonghean) - Hồi còn đi học mình chả quan tâm gì nhiều đến cành đào, bánh chưng, kẹo mứt ngày Tết. Khái niệm Tết đối với mình gói gọn trong hai thứ: pháo và lì xì. Cũng như mọi đứa trẻ con khác thôi, Tết mà không nổ pháo và nhận lì xì thì chán chết!

Thật ra thì mình khá tụt hậu so với bạn bè cùng trang lứa, nghĩa là chỉ nghe lỏm chúng nó kể pháo này pháo nọ chứ có biết hình thù tròn méo ngoài đời nó ra làm sao. Phần vì mình là... con gái, phần vì bố mình nghiêm nên không được sờ vào pháo phiếc bao giờ. Đến năm lớp 8, mình quyết định "năm nay ta đã lớn", lên kế hoạch mua pháo về nhà bà ngoại ở quê chơi. Nài nỉ mãi thằng bạn thân mới đồng ý đưa đi, hai đứa dắt díu chở nhau lên (e hèm, bí mật) mua pháo. Vừa bước vào cửa hàng, mình hồn nhiên bô bô: "Dì ơi ở đây có bán pháo không?". Mấy bà bán hàng mặt tái như đít nhái chối đây đẩy, đuổi bọn mình như đuổi tà.

Thằng bạn kéo mình đi sang hàng khác, trách móc: "Mua pháo mà hỏi như mua rau, có mà bán cho công an à?". Ai mà biết được, hề hề! Đấy cũng là ấn tượng sâu sắc nhất về pháo Tết đối với mình. Thật ra nổ pháo thì cũng nhàm nhàm, inh tai nhức óc, mùi khét lẹt, doạ được mấy bà hàng xóm giật mình rồi bị ăn mắng, có thế thôi mà không hiểu sao trẻ con cứ mê chơi pháo? Hay có lẽ là trẻ con, cũng giống như người lớn, đều có một ước mơ thầm kín là được bay vút lên trời cao và toả sáng rực rỡ dù chỉ là trong giây lát như một cụm pháo hoa? Hay có lẽ pháo hấp dẫn không phải lúc nổ, mà là cái cảm giác giấu giếm, bí mật hấp dẫn đến mụ người khi nắm trong tay một niềm vui bị cấm đoán? Mình rất nghi ngờ rằng thời xưa khi pháo vẫn chưa bị cấm, trẻ con chắc gì đã mê pháo như bây giờ.

Tạm gác lại câu chuyện pháo Tết, hãy nói về lì xì. Ôi chà, mới nhắc đến đã thấy sảng khoái hết cả người! Mình nhớ mỗi lần đi học sau Tết, bẵng mất mấy ngày bạn bè gặp nhau chỉ toàn hỏi "Năm nay lì xì được bao nhiêu?". Cả một cuộc tranh đua căng thẳng toát mồ hôi chứ chẳng chơi! Mình còn nhớ như in cái cảm giác hả hê, kiêu hãnh khi thông báo tình trạng "tài khoản cá nhân" vượt quá 6 chữ số - ôi trời những triệu phú trẻ tuổi! Nhưng ngay khi có đứa hỏi "Thế mày có được giữ tiền lì xì không?", câu trả lời thường gặp nhất là "Bố mẹ cầm hộ rồi". Bạn thấy không, chúng mình có thư kí và kế toán tài chính riêng hẳn hoi, nhắc lại vẫn còn thấy tiếc hùi hụi...

Giờ không biết pháo và lì xì có còn là tiết mục "đinh" của Tết nữa không, cũng khó nói. Một cách trung thực thì pháo không phải là một thú chơi an toàn, ngay cả khi người chơi pháo không phải là đứa con nít ranh hỉ mũi chưa sạch. Tại sao? Bởi người ta càng lớn thì những suy nghĩ, tưởng tượng cũng lớn theo, quả là nguy hiểm! Nếu một đứa trẻ chỉ dừng lại ở trò nghịch ngợm cho que pháo diêm vào hộp thịt hộp để nhìn nó bay vút lên trời nổ đánh đùng một tiếng thì người lớn chế ra muôn vạn trò hoành tráng và nguy hiểm gấp bội với pháo. Cái cách người lớn "chơi" với tiền lì xì cũng lại là một trò nguy hiểm, nhưng là nguy hiểm cho nhân cách và lòng tự trọng. Có phải nhiều người vẫn lăm lăm lấy cớ lì xì con trẻ để bợ đỡ, đút lót, tóm lại là những trò bán mua mờ ám núp bóng một phong tục cổ truyền giàu ý nghĩa? Nghĩ đến mà buồn, mà chán thay cho con trẻ, khi những thú chơi của chúng cũng bị người lớn giành chơi, làm cho biến tướng đi.

Những ngày tháng xưa cũ ấy giờ đã xa ngoài tầm tay, biết tìm đâu nữa? Sẽ không còn là đứa trẻ ngu ngơ vào hàng pháo hỏi oang oang hay huênh hoang khoe với bạn bè số tiền lì xì được bố mẹ giữ hộ. Trẻ em bây giờ chơi Tết như thế nào, hay là câu hỏi liệu ngày Tết có còn chỗ cho trẻ em nữa không?

Hải Triều (Email từ Paris)

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Tết thì phải làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO